Probiotics là một phương pháp điều trị tiềm năng đầy hứa hẹn cho bệnh trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Nhưng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về mức độ hiệu quả của chúng.
1. Probiotics giảm trầm cảm bằng cách nào?
Tại sao vi khuẩn được biết với vai trò duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh lại có thể làm giảm trầm cảm? Điều này là nhờ kết nối giữa hệ tiêu hóa và não thông qua trục ruột-não (GBA). Nó liên kết hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống cùng với đường tiêu hóa.
Các vi sinh vật sống trong ruột, bao gồm cả men vi sinh, đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định đường tiêu hóa và duy trì cân bằng ruột-não bằng cách:
- Sản xuất hoặc truyền các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác thèm ăn, tâm trạng và thói quen ngủ
- Giảm viêm trong cơ thể, làm giảm nguy cơ trầm cảm
- Ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và phản ứng của bạn với căng thẳng
2. Nghiên cứu về tác dụng của probiotics với bệnh trầm cảm
2.1. Nghiên cứu hiện có
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy probiotics giảm trầm cảm. Kết quả của một nghiên cứu nhỏ năm 2017 cho thấy lợi khuẩn Bifidobacterium longum NCC3001 có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng trầm cảm ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2016, những người bị trầm cảm nặng được cho dùng chất bổ sung probiotic có chứa ba chủng vi khuẩn trong 08 tuần. Vào cuối cuộc nghiên cứu, hầu hết những người này đều được đánh giá là có các chỉ số thấp hơn trong bảng kiểm trầm cảm Beck, một phương pháp phổ biến để đánh giá các triệu chứng trầm cảm.
Một nghiên cứu năm 2017 xem xét cách thức chế phẩm sinh học ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm cho thấy rằng việc bổ sung chế phẩm sinh học hàng ngày có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
Probiotics hoạt động tốt nhất khi được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác, bao gồm cả thuốc và liệu pháp tâm lý.
2.2. Nghiên cứu trong tương lai
Tác dụng probiotics giảm trầm cảm sẽ được tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, đặc biệt là các chủng vi sinh vật và lợi ích của chúng trong việc giảm các triệu chứng cụ thể của bệnh trầm cảm.
Các chuyên gia hiện đang làm việc để tìm ra các chế phẩm sinh học cụ thể với các lợi ích cụ thể đến sức khỏe tâm thần. Probiotics có nhiều loại khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải tìm ra chủng nào hoạt động tốt nhất trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đang cố gắng tìm ra liều lượng men vi sinh thích hợp cho các vấn đề tiêu hóa liên quan đến kiểm soát bệnh trầm cảm, lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
Lĩnh vực nghiên cứu này có thể đặc biệt khó khăn vì mọi người thường không trải qua các triệu chứng sức khỏe tâm thần theo những cách giống nhau. Tương tự, men vi sinh có thể không có tác dụng giống nhau đối với mỗi người.
Một số yếu tố, bao gồm di truyền, tiếp xúc với vi khuẩn và kinh nghiệm sống, có thể ảnh hưởng đến thành phần độc đáo của vi khuẩn đường ruột. Do đó, điều này có thể ảnh hưởng đến cả các triệu chứng trầm cảm đang gặp phải và loại chế phẩm sinh học hoạt động tốt nhất trên cơ thể bạn.
3. Dùng men vi sinh để điều trị bệnh trầm cảm?
Probiotics sử dụng trong điều trị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tinh thần khác cần được kê theo đơn của bác sĩ. Trong các thử nghiệm lâm sàng, vi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium tỏ ra hữu ích nhất trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần.
Các probiotics giảm trầm cảm có thể được bổ sung dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc chế độ ăn uống, chẳng hạn như:
- Sữa chua
- Tempeh
- Miso
- Đậu hũ
- Dưa cải bắp
Nếu dùng probiotics dưới dạng thực phẩm chức năng, hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng về liều lượng. Việc uống với liều cao hơn chưa được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích hơn.
Probiotics không thể thay thế các liệu pháp và thuốc điều trị trầm cảm. Bạn nên kết hợp probiotics với các phương pháp điều trị trầm cảm khác để cải thiện sức khỏe của mình.
Đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, việc dừng đột ngột loại thuốc này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và thể chất. Thay vào đó, hãy nhờ tư vấn của bác sĩ để đưa ra một kế hoạch giảm liều thuốc phù hợp.
4. Probiotics có gây ra tác dụng phụ nào không?
Probiotics thường không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
Một số người có thể bị đầy hơi hoặc tiêu chảy trong vài ngày trong khi ban đầu dùng chất bổ sung probiotic.
Ngừng dùng chất bổ sung probiotics khi xuất hiện các triệu chứng:
- Đau bụng
- Đầy hơi không biến mất
- Rối loạn tiêu hóa
Nếu bị đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng kéo dài hoặc các chứng rối loạn tiêu hóa khác, bạn nên ngừng sử dụng men vi sinh và nói chuyện với bác sĩ.
Các tác dụng phụ xảy ra có thể là do bạn đang dùng quá nhiều hoặc cần chuyển sang một chủng lợi khuẩn khác.
5. Rủi ro khi sử dụng probiotics
Probiotics khá an toàn, phần lớn là vì chúng tồn tại tự nhiên trong cơ thể và nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bạn bị suy giảm miễn dịch hoặc ung thư, tốt nhất nên tránh dùng men vi sinh để không làm hệ thống bị quá tải. Chúng cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc kháng nấm.
Tốt nhất bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ chất bổ sung mới nào, đặc biệt nếu bạn:
- Có thai
- Cho con bú
- Mắc các bệnh mãn tính
Khi nói chuyện với bác sĩ, hãy liệt kê tất cả các loại thuốc đang dùng bao gồm thuốc không kê đơn, vitamin hoặc các chất bổ sung khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com