Nôn hay buồn nôn khi điều trị ung thư dạ dày khá phổ biến và gây ra nhiều thay đổi trong sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về biến chứng và các phương pháp giúp hạn chế ảnh hưởng của tình trạng này đến sức khỏe bệnh nhân.
1. Nguyên nhân gây nôn và buồn nôn khi điều trị ung thư dạ dày
Dạ dày và trung tâm nôn bị kích thích khi các hóa chất hoặc liệu pháp sinh học đi vào trong cơ thể. Hiện tượng này có thể xảy ra một vài giờ hoặc muộn hơn vào một vài ngày sau khi điều trị ung thư dạ dày. Cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại thuốc hóa trị và xạ trị đều gây ra biến chứng này.
Tần suất và thời gian nôn xảy ra phụ thuộc vào các yếu tố như loại thuốc, liều lượng và đường dùng thuốc.
2. Các phương pháp giảm nôn và buồn nôn khi điều trị ung thư dạ dày
2.1. Sử dụng thuốc chống nôn và buồn nôn
Bác sĩ sẽ xem xét và quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc chống nôn dựa trên những điều kiện sau:
- Phương pháp điều trị ung thư mà bệnh nhân đang dùng có khả năng gây ra nôn và buồn nôn không;
- Tần suất và mức độ nôn hoặc buồn nôn của người bệnh đến mức nào;
- Bệnh nhân muốn dùng thuốc/cách nào hơn;
- Nếu sử dụng thuốc thì hiệu quả đến mức nào.
Có nhiều dạng thuốc chống nôn được bào chế dưới nhiều đường dùng khác nhau như: tiêm tĩnh mạch, uống bằng đường miệng dưới dạng viên nén hoặc lỏng, thuốc tan dưới lưỡi, thuốc đặt hậu môn hoặc miếng dán trên da.
Nếu sử dụng những loại thuốc trên để phòng biến chứng khi điều trị ung thư không phát huy tác dụng và làm cho tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng loại thuốc khác hoặc kết hợp thêm 1 loại thuốc mới. Ngoài ra, có thể đổi đường dùng của thuốc. Các loại thuốc dùng với đường uống thường có giá thành rẻ nhất và hiệu quả tốt nhất để ngừng nôn và buồn nôn. Trong trường hợp bệnh nhân không thể nuốt được thì có thể cân nhắc dùng thuốc bằng đường khác.
Nếu bạn thấy tình trạng nôn và buồn nôn vẫn diễn ra và ảnh hưởng đến sức khỏe thì hãy chủ động báo cho bác sĩ để sử dụng loại thuộc khác phù hợp hơn.
2.2. Phương pháp điều trị hỗ trợ
Thuốc chống nôn là phương pháp điều trị cơ bản và thường dùng, tuy nhiên có nhiều bệnh nhân không dùng thuốc cũng có thể cải thiện. Các phương pháp điều trị hỗ trợ có thể được sử dụng đơn độc và hiệu quả trong những trường hợp nhẹ hoặc dự phòng buồn nôn. Ngoài ra có thể được sử dụng bổ trợ cùng với các loại thuốc chống buồn nôn và nôn cho người đang dùng phương pháp điều trị ung thư có khả năng gặp phải biến chứng này. Một số phương pháp hỗ trợ giảm chứng buồn nôn và nôn như thiền, tập thở và thư giãn cơ, châm cứu bấm huyệt, trị liệu bằng âm nhạc. Cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng những phương pháp này để đảm bảo an toàn.
3. Người bệnh cần làm gì khi gặp biến chứng nôn và buồn nôn trong điều trị ung thư?
Nôn thường xuyên sẽ làm cho cơ thể suy kiệt và nguy hiểm vì mất nước, nghiêm trọng hơn là hít phải thức ăn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp. Khi có triệu chứng nôn và buồn nôn trong điều trị ung thư thì nhất định phải trao đổi với bác sĩ chuyên khoa ung bướu để có hướng xử trí thích hợp. Các biểu hiện thường gặp như:
- Thói quen ăn uống bị thay đổi;
- Hôi miệng;
- Có chất lỏng mùi hôi màu vàng hoặc xanh trên gối đệm;
- Cảm thấy nôn nao trong người hoặc đau bụng;
- Có thể tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi trước khi nôn.
Trong trường hợp buồn nôn, bệnh nhân cần lưu ý:
- Nếu cảm giác buồn nôn xảy ra ngoài bữa ăn, không nên để bụng đói. Chia ra làm nhiều bữa ăn trong ngày, tránh ăn một lượng lớn thức ăn trong một lần;
- Không nên bỏ bữa vì khi đói cảm giác buồn nôn sẽ tăng cao hơn;
- Cố gắng không nên ăn những món ăn mà bản thân yêu thích khi buồn nôn vì sẽ làm bạn cảm thấy chán sau khi kết thúc điều trị;
- Bổ sung đủ nước mỗi ngày, chia ra làm nhiều lần uống với từng ngụm nhỏ. Có thể uống các loại nước trái cây để có thêm vitamin;
- Ngậm các loại kẹo cứng có mùi thơm mát như chanh hay bạc hà để loại bỏ mùi khó chịu;
- Tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, cay nóng, quá ngọt;
- Nghỉ ngơi sau bữa ăn khoảng một giờ với tư thế ngồi thẳng;
- Nên sử dụng quạt thông gió trong bếp để làm giảm mùi thức ăn giúp hạn chế khả năng gây buồn nôn;
- Khi có cảm giác buồn nôn, cần đánh lạc hướng bản thân bằng âm nhạc, chương trình TV hoặc nói chuyện với người khác;
- Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc sử dụng thuốc chống nôn khi cần thiết;
- Khi đã uống thuốc và chờ phát huy tác dụng, hãy thư giãn và hít thở thật sâu.
Đối với bệnh nhân nôn, cần lưu ý:
- Khi đang nằm trên giường, hãy nằm với tư thế nghiêng để không nuốt hay hít phải chất nôn vào phổi;
- Báo cho bác sĩ biết tình trạng của bạn để có thể kê đơn dạng thuốc mà cơ thể dễ dung nạp nhất, như viên đặt dưới lưỡi hoặc hậu môn. Hãy dùng thuốc khi có dấu hiệu buồn nôn để ngăn ngừa nôn;
- Để bản thân nôn hết trước khi ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì. Sau đó đó uống từ từ lượng nhỏ nước rồi tăng lên đến mức cơ thể đáp ứng được;
- Ngồi thẳng lưng sau khi nôn xong.
Cần liên hệ với bác sĩ ngay khi có một trong các triệu chứng sau đây:
- Đau bụng dai dẳng;
- Trong chất nôn có lẫn máu;
- Chất nôn có màu nâu giống như bã cà phê;
- Chóng mặt, hoa mắt sau khi đứng lên;
- Nước tiểu có màu sẫm;
- Giảm hơn 2 kg trong vòng một tuần hoặc 4-5 kg trong một tháng;
- Nôn hơn 1-2 lần/ngày.
Tóm lại, nôn và buồn nôn là một trong những biến chứng khi điều trị ung thư dạ dày. Dựa vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng các loại thuốc chống nôn phù hợp và điều trị hỗ trợ cho tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.