Người lớn cũng có thể bị tiêu chảy cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy xảy ra cấp tính trong vòng 14 ngày với số lượng phân nhiều và lỏng. Tiêu chảy cấp ở người lớn rất nguy hiểm nếu tình trạng này kéo dài, do đó người bệnh cần nắm được cách xử trí và uống thuốc đúng liều lượng.

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở người lớn

Tiêu chảy cấp hay còn gọi là tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn là tình trạng nhiễm trùng đường ruột. Nhiễm vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp ở người lớn. Đôi khi vi trùng gây bệnh từ thức ăn bị nhiễm trùng (ngộ độc thức ăn). Ở một số quốc gia, nước bị nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở người lớn. Đôi khi chỉ một trong số các loại vi trùng này gây bệnh. Virus dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần, hay khi người bị nhiễm virus chuẩn bị đồ ăn cho người khác.

Một số nguyên nhân khác không phổ biến như: uống nhiều rượu bia, tác dụng phụ của một số loại thuốc hay tình trạng quá lo lắng. Ngoài ra, mắc các bệnh về đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy mạn tính. Khi ở giai đoạn đầu có thể nhầm với tiêu chảy cấp, ví dụ như tiêu chảy do viêm loét đại tràng. Theo đó, tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn được chia làm 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Tiêu chảy cấp không do xâm nhập có kèm theo đó là sốt và phân máu, nguyên nhân là các viêm ruột xuất tiết do vi khuẩn, kí sinh trùng.
  • Nhóm 2: Tiêu chảy cấp không do xâm nhập không kèm theo tình trạng sốt và phân máu, nguyên nhân thường gặp là nhiễm virus, các nguyên nhân không nhiễm trùng, thuốc, ngộ độc, stress. Phân toàn nước, số lượng nhiều, ít khi kèm đau bụng, ít thay đổi toàn trạng.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy ở người lớn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy ở người lớn

2. Triệu chứng của tiêu chảy cấp ở người lớn

Tiêu chảy cấp ở người lớn có triệu chứng chính là tiêu chảy, thường có nôn kèm theo. Tiêu chảy có nghĩa là đi tiêu ra phân lỏng, thường xảy ra với tần suất ít nhất 3 lần/ngày. Phân có thể lẫn máu hoặc nhầy trong trường hợp nhiễm một số vi trùng. Đau quặn bụng hay gặp. Đau có thể sẽ giảm sau mỗi lần đi ngoài. Sốt, đau đầu, và đau chi đôi khi gặp.

Nếu xuất hiện nôn, thông thường chỉ kéo dài không quá 1 ngày, nhưng đôi khi lâu hơn. Tiêu chảy cấp ở người lớn thường tiếp diễn sau khi hết nôn và thường kéo dài vài ngày hay hơn thế. Đi ngoài phân hơi lỏng có thể kéo dài khoảng 1 tuần hay hơn thế trước khi phân trở về bình thường. Đôi khi các triệu chứng này kéo dài lâu hơn.

Tiêu chảy và nôn có thể sẽ gây ra tình trạng mất nước rất nguy hiểm nên khi thấy có dấu hiệu này bệnh nhân nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Mất nước nhẹ hay gặp và thường được phục hồi nhanh chóng bằng việc uống nhiều dịch. Tình trạng mất nước nghiêm trọng có thể sẽ gây tử vong trừ khi được chữa trị nhanh chóng. Do các cơ quan trong cơ thể cần một lượng dịch nhất định để thực hiện chức năng của chúng.

Các triệu chứng mất nước ở người lớn bao gồm: mệt mỏi, chóng mặt hay đầu óc quay cuồng, đau đầu, chuột rút, mắt trũng, tiểu ít, khô miệng và lưỡi, yếu người và trở nên kích thích. Còn các triệu chứng của mất nước nặng bao gồm: mất ý thức, nhịp tim tăng nhanh, hôn mê và tiểu rất ít. Cần có sự có sự can thiệp y tế ngay lập tức nếu rơi vào tình trạng này.

Mất nước do tiêu chảy cấp ở người lớn hay xảy ra ở những người: Người già yếu, phụ nữ mang thai. Những người bị tiêu chảy và nôn nghiêm trọng. Theo đó, cần đi khám bác sĩ nếu có các biểu hiện sau đây:

  • Nghi ngờ bị mất nước. Nôn nhiều lần và không thể duy trì đủ dịch trong cơ thể. Nôn hoặc đi ngoài ra máu.
  • Đau bụng dữ dội. Các triệu chứng nặng biểu hiện càng nặng, cảm thấy tình trạng càng trở nên xấu đi. Sốt cao liên tục.
  • Người già hay người đang mắc các bệnh nền như bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường ruột, bệnh thận, động kinh. Người bị suy giảm miễn dịch do điều trị hóa chất, điều trị corticoid lâu ngày, nhiễm HIV. Phụ nữ đang mang thai.

Tình trạng nôn ói gây mất nước ở người tiêu chảy
Tình trạng nôn ói gây mất nước ở người tiêu chảy

3. Phương pháp điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn

3.1 Điều trị ban đầu khi chưa xác định được nguyên nhân tiêu chảy

Bù nước và điện giải hay dịch truyền là một trong các phương pháp điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn. Mục đích giúp người bệnh tránh bị mất nước, hay điều trị nếu có mất nước. Chú ý là nếu nghi ngờ mất nước nặng, phải liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Cần uống ít nhất 200ml dịch sau mỗi lần tiêu chảy.
  • Lượng dịch được bù này sẽ cộng thêm với lượng dịch bình thường bạn uống. Ví dụ, một người lớn bình thường phải uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Lượng dịch 200ml sau mỗi lần tiêu chảy khuyến cáo ở trên là lượng thêm vào lượng dịch bình thường bạn muốn uống.
  • Nếu có nôn thì cần đợi khoảng đợi 5-10 phút sau đó bắt đầu uống trở lại và uống chậm hơn. Nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng dịch bù vào cơ thể.

Tuy nhiên, dung dịch bù nước điện giải được các chuyên gia y tế khuyên dùng cho những người yếu, người trên 60 tuổi, hay những người mắc các bệnh nền. Chúng được đóng gói dạng bột và có thể được bán ở các hiệu thuốc. (Các túi bột này cũng có thể có trong đơn thuốc). Hòa bột trong gói vào nước. Dung dịch bù nước điện giải có tỷ lệ cân bằng giữa các thành phần nước, muối và đường. Chúng không có tác dụng dừng hay làm giảm tiêu chảy cấp ở người lớn. Tuy nhiên, khi sử dụng lượng nhỏ đường và muối giúp cho nước được hấp thu tốt hơn từ ruột vào trong cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng các loại dung dịch đường muối chế biến tại nhà, vì lượng đường và muối phải đảm bảo chính xác tuyệt đối.


Dịch truyền bù nước bù điện giải
Dịch truyền bù nước bù điện giải

3.2. Điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn khi xác định nguyên nhân

Một số loại thuốc dùng để điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn do tác nhân xâm nhập gây bệnh:

  • Nhiễm Shigella nặng: Sử dụng thuốc Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x3 ngày.
  • Nhiễm Salmonella typhi: Sử dụng thuốc Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 10 ngày. Amoxicillin 750mg - 4 viên/ngày x 14 ngày. Cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 14 ngày.
  • Nhiễm Samonella: Sử dụng thuốc Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 10 ngày. Amoxicillin 750mg – 4 viên/ngày x 14 ngày. Cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 14 ngày.
  • Nhiễm Campylobacter: Sử dụng thuốc Errythromycin 250mg – 4 viên/ngày x 5 ngày. Clarithromycin 250mg – 4 viên/ngày x 5 ngày.
  • Nhiễm Yersinia: Sử dụng thuốc Doxycyclin 200mg ngày 1, sau đó 100mg/ngày x 4 ngày. Cotrimoxazol 960mg – 2 viên/ngày x 5 ngày. Ciprofloxacin 500mg – 2 viên/ngày x 5 ngày.
  • Lỵ amip: Sử dụng thuốc Tinidazol 2g/ngày x 3 ngàyMetronidazol 750mg – 3 viên/ngày x 5 ngày.
  • Nhiễm Vibrio choleare: Sử dụng thuốc Ciprofloxacin 1g liều duy nhất Vibramycin 300mg liều duy nhất.
  • Nhiễm Giardia: Sử dụng thuốc Tinidazol 2g liều duy nhất.
  • Nhiễm Stronggyloides stercoralis: Sử dụng thuốc Albendazol 400mg – 1 viên/ngày x 3 ngày. Ivermectin 150- 200mcg/kg liều duy nhất. Tiabendazol 25mg/kg – 2 viên/ngày x 3 ngày, tối đa 1500mg/liều.
  • Giun kim: Sử dụng thuốc Mebendazol 100mg – 2 viên/ngày x 3 ngày.
  • Nhiễm Cryptorporidium: Sử dụng thuốc Paromomycin 500 – 1000mg – 3 viên/ngày x 14 ngày. Azithromycin 500mg – 1 viên/ngày x 3 ngày.
  • Nhiễm Cyclospora: Sử dụng thuốc Cotrimoxazol 960mg – 3 viên/ngày x 14 ngày
  • Nhiễm Isospora belli: Sử dụng thuốc Cotrimoxazol 960mg – 3 viên/ngày x 14 ngày.

Tuy nhiên, các loại thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo không được tự ý sử dụng nếu chưa được chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tuổi dùng thuốc điều trị tiêu chảy khi chưa được bác sĩ kê đơn, không dùng nếu đi ngoài phân nhầy máu, hay sốt cao. Do vậy, nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho bạn và người thân.


Sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy cấp cần theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy cấp cần theo chỉ định của bác sĩ

4. Biện pháp phòng tránh tiêu chảy cấp ở người lớn

Một số nhiễm trùng gây ra tiêu chảy cấp ở người lớn rất dễ dàng lây lan từ người này sang người khác. Nếu bạn đang mắc tiêu chảy cấp, thì hãy tuân thủ những việc làm sau để tránh lây truyền nhiễm sang người khác:

  • Rửa tay đúng quy cách sau mỗi lần đi vệ sinh. Tốt nhất là sử dụng nước rửa tay hoặc bằng xà phòng. Làm khô tay hoàn toàn sau khi rửa. Không dùng chung khăn tắm và quần áo.
  • Cọ rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng dung dịch vệ sinh hoặc xà phòng ít nhất 1 lần 1 ngày.
  • Nghỉ việc, nghỉ học,... đến ít nhất 48 giờ sau lần tiêu chảy và nôn cuối cùng.

Không chuẩn bị hay phục vụ thức ăn cho người khác. Nếu bạn làm việc liên quan đến thực phẩm, ăn uống và mắc tiêu chảy hay nôn, bạn phải rời khu vực nấu ăn ngay lập tức. Đa số các trường hợp không cần sử dụng các biện pháp nào khác, ngoài việc tránh xa nơi làm việc đến ít nhất là 2 ngày sau lần tiêu chảy và nôn cuối cùng. Một số trường hợp đặc biệt cần phải nghỉ nhiều hơn. Có thể cần đến can thiệp của các chuyên gia đối với một số nguyên nhân không hay gặp gây tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn. Nếu nghi ngờ, hãy tìm đến bác sĩ.

Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm trùng được biết hay nghi ngờ do loại vi trùng có tên là Crystosporidium thì bạn không được bơi ở bể bơi trong vòng 2 tuần kể từ sau đợt tiêu chảy cuối cùng.

Những khuyến trên chủ yếu là để giúp phòng tránh sự lây lan vi trùng sang người khác. Tuy nhiên, khi không tiếp xúc với người bị tiêu chảy nhiễm trùng; việc bảo quản, chuẩn bị và nấu thức ăn hợp lý, và vệ sinh sạch sẽ sẽ giúp ta tránh được tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn. Đặc biệt là luôn luôn rửa tay:


Rửa tay là việc làm cần thiết giúp phòng tránh tiêu chảy cấp ở người lớn
Rửa tay là việc làm cần thiết giúp phòng tránh tiêu chảy cấp ở người lớn
  • Sau khi đi vệ sinh.
  • Trước khi chạm vào thức ăn.
  • Nên rửa tay trong khoảng thời gian giữa lúc chế biến thịt sống và thức ăn chín (Có thể có một số vi khuẩn trong thịt sống).
  • Sau khi làm vườn.
  • Sau khi chơi với thú nuôi cần vệ sinh tay chân sạch sẽ (những con vật khỏe mạnh có thể mang vi khuẩn có hại nào đó)

Biện pháp cơ bản là rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và đúng được biết như biện pháp làm giảm mạnh khả năng mắc tiêu chảy nhiễm trùng ở người lớn. Bạn cũng nên sử dụng thêm các biện pháp khác như tránh nước và các loại đồ uống có thể không an toàn, tránh rửa thức ăn bằng nước bẩn,...

Thông qua bài viết người lớn cũng có thể bị tiêu chảy cấp, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về vấn đề tiêu chảy cấp ở người lớn. Nhằm giúp mình và người thân phòng tránh hiệu quả căn bệnh này để luôn có được sức khỏe tốt nhất trong cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe