Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, ThS. Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Táo bón cơ năng là bệnh lý gặp chủ yếu ở trẻ em từ 2 – 6 tuổi. Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không tiến hành chữa trị sớm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như hình thành trĩ, nứt kẽ hậu môn, suy dinh dưỡng,...
1. Táo bón cơ năng là gì?
Táo bón cơ năng hay còn gọi là táo bón chức năng là tình trạng trẻ không thể đi cầu hoặc đi cầu hết sức khó khăn nhưng lại không có bất cứ tổn thương thực thể nào ở đường tiêu hóa.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, táo bón cơ năng ở trẻ nhỏ chủ yếu do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh; chế độ ăn thiếu chất xơ và không cung cấp nước đủ; trẻ hay nhịn đi cầu. Đây được xem là táo bón sinh lý ở trẻ sơ sinh, tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không tiến hành chữa trị sớm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như hình thành trĩ, nứt kẽ hậu môn, suy dinh dưỡng,...
Táo bón chức năng được chia thành 3 loại chính:
- Táo bón có nhu động ruột bình thường: Các cơ ruột co bóp và thư giãn không quá nhanh, không quá chậm, nhưng lại khiến trẻ khó khăn đi ra ngoài.
- Táo bón nhu động ruột chậm: Hoạt động của cơ ruột bị chậm so với thông thường. Chất thải được di chuyển chậm trong lòng ruột.
- Táo bón do rối loạn bài xuất phân: Trẻ bị táo bón và có cảm giác muốn đi nhưng lại không thể đi được khiến trẻ bị đau.
2. Chẩn đoán táo bón cơ năng
Táo bón chức năng ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 4 tuổi được chẩn đoán khi có ít nhất 2 trong số triệu chứng dưới đây:
- Đi tiêu dưới 3 lần/tuần
- Tiền sử nín giữ phân
- Tiền sử tiêu phân cứng hoặc đau khi đi tiêu
- Tiền sử tiêu phân lớn
- Có khối phân lớn trong trực tràng.
- Đối với những trẻ đã biết tự đi tiêu, có thể bổ sung các tiêu chí sau:
- Ít nhất 1 lần/tuần đi tiêu không kiểm soát sau khi đã biết đi tiêu.
- Tiền sử tiêu phân lớn, nghẹt bồn cầu.
3. Điều trị và phòng ngừa táo bón cơ năng ở trẻ
Để điều trị bệnh táo bón ở trẻ em, bậc phụ huynh nên kiên nhẫn vì táo bón không hết nhanh như các bệnh thông thường và các bé cũng ít chịu hợp tác hơn.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa táo bón ở trẻ em cần phải kết hợp giữa sự thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi tiêu, hoạt động thể chất cùng với việc dùng thuốc (nếu bị táo bón và có chỉ định).
- Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp: Ở trẻ bị táo bón, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước và chất xơ theo nhu cầu thông thường (không cần dư). Chế độ dinh dưỡng là phương pháp rất cần thiết trong dự phòng táo bón. Đối với trẻ sơ sinh, nếu bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên chú ý khẩu phần ăn của mình, bởi thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng sữa; trẻ bú sữa công thức bị táo bón thì mẹ nên tìm hiểu và thay đổi loại sữa khác, nếu cần thiết thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
- Tập thói quen đi tiêu: Mẹ cần tập cho bé thói quen đi cầu tự nhiên, thích hợp. Tìm và khắc phục các nguyên nhân khiến trẻ nín giữ phân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.