Liệt ruột cơ năng là một trong những tình trạng hiếm gặp, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Nắm vững nguyên nhân, triệu chứng liệt ruột cơ năng sẽ giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm để chủ động điều trị kịp thời.
1. Liệt ruột cơ năng là gì?
Liệt ruột cơ năng là tình trạng nhu động ruột ngừng hoạt động, dẫn tới cản trở quá trình lưu thông hơi, dịch tiêu hóa và thức ăn trong lòng ruột. Bệnh liệt ruột cơ năng chiếm khoảng 3 - 5% tổng số bệnh nhân liệt ruột. Các trường hợp còn lại là liệt ruột cơ học.
Các triệu chứng cơ bản của bệnh là: bệnh nhân có cảm giác đau bụng nhẹ, đầy hơi, buồn nôn, táo bón; bụng mềm hoặc phình to, căng ra; giảm hoặc mất nhu động ruột.
2. Nguyên nhân gây liệt ruột cơ năng là gì?
Một số nguyên nhân dẫn đến liệt ruột gồm:
- Vi khuẩn hoặc virus gây viêm nhiễm đường ruột (viêm dạ dày - ruột);
- Sử dụng thuốc: Thuốc kháng acid, opioid, warfarin, chlorpromazine, amitriptyline;
- Rối loạn chuyển hóa: Thiếu máu, giảm áp lực thẩm thấu, hạ kali, natri, magie;
- Viêm phổi;
- Nhồi máu cơ tim;
- Chấn thương: Gãy cột sống, gãy xương sườn;
- Đau quặn thận, đau quặn mật;
- Chấn thương đầu, các phẫu thuật thần kinh;
- Viêm phúc mạc, viêm ổ bụng;
- Có máu tụ sau phúc mạc.
3. Biện pháp chẩn đoán liệt ruột cơ năng
Liệt ruột cơ năng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, lứa tuổi, giới tính nào. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như hoại tử ruột, viêm phúc mạc ổ bụng, thủng ruột,... Do vậy, việc khám và phát hiện bệnh sớm là vô cùng cần thiết.
Tình trạng liệt ruột được xác định dựa trên nhiều yếu tố như vị trí liệt ruột, mức độ liệt ruột, cơ chế, nguyên nhân gây liệt ruột,... Tùy mức độ của triệu chứng, sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số biện pháp chẩn đoán như: Siêu âm ổ bụng, chụp X-quang, chụp CT scan, chụp cản quang, nội soi,... Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần làm xét nghiệm máu để đánh giá chi tiết tình trạng nhiễm trùng hoặc rối loạn chuyển hóa, giúp kiểm tra mức độ tổn thương của ruột.
Người bệnh có thể không cần thực hiện toàn bộ các biện pháp này. Căn cứ vào tiền sử, mức độ bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định lựa chọn một số biện pháp chẩn đoán phù hợp nhất.
4. Phương pháp điều trị liệt ruột cơ năng
Thông thường, liệt ruột sẽ tự khỏi sau 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân vẫn còn đau sau 3 ngày phẫu thuật thì nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu không tự khỏi, bệnh nhân có thể được chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị như: Hút dịch dạ dày, điều chỉnh nước - điện giải, đặt sonde trực tràng, kích thích nhu động ruột,... Trường hợp tình trạng liệt ruột vẫn không khỏi thì các bác sĩ có thể hội chẩn, xem xét thực hiện phẫu thuật.
Liệt ruột cơ năng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân nên chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường của sức khỏe để sớm phát hiện bệnh lý và có phương án điều trị phù hợp, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.