Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hoá, đặc biệt là các bệnh lý tiêu hóa - gan mật, nội soi tiêu hoá.
Tình trạng suy giảm chức năng thận cấp tính ở những người bị bệnh gan cấp hoặc đợt cấp ở bệnh gan giai đoạn cuối được gọi là hội chứng gan thận (HCGT). Bệnh chủ yếu gặp ở người bệnh xơ gan cổ trướng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, viêm gan do rượu, hoặc hiếm gặp hơn như khối u gan, viêm gan tối cấp do các nguyên nhân khác nhau.
1. Nguyên nhân gây ra hội chứng gan thận
- Thường gặp ở người bệnh có biểu hiện xơ gan mạn tính.
- Hội chứng gan thận ở người có tổn thương gan cấp tính như: viêm gan do rượu; viêm gan do virus; viêm gan nhiễm độc do thuốc , các chất gây độc; tổn thương gan do sốc( sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, sốc giảm thể tích...)
- Các yếu tố thúc đẩy gồm: nhiễm trùng dịch cổ chướng; mất dịch do nôn, tiêu chảy; giảm albumin máu; tăng thể tích tuần hoàn...
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng gan thận
Triệu chứng điển hình của hội chứng gan thận là bệnh gan cấp tính hoặc đợt cấp trên nền bệnh gan mạn tính: mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Bệnh gan còn gây một số triệu chứng dễ nhận biết khác như vàng da vàng mắt, phù chân, tăng cân, những thay đổi về tâm thần như lú lẫn, mê sảng, có thể có nhiễm khuẩn toàn thân hoặc nhiễm khuẩn dịch cổ chướng, trên da có thể có xuất huyết do rối loạn đông máu, xuất hiện dấu sao mạch thường ở phần ngực trên (dấu sao mạch là u mạch hơi nổi trên mặt da và có nhánh mạch nhỏ lan tỏa ra xung quanh (giống mạng nhện), tuần hoàn bàng hệ.
Suy thận còn gây ra thiểu niệu, nước tiểu sẫm màu, và tích tụ dịch trong cơ thể.
3. Phân loại hội chứng gan thận
3.1 Type 1
Giai đoạn này đặc trưng bởi tình trạng suy thận tiến triển rất nhanh, trong vòng 2 tuần, có thể tăng gấp đôi creatinin huyết thanh ban đầu lên mức trên 220 umol/l.
Hiện tượng này có thể xuất hiện tự phát , nhưng thường sau các yếu tố thúc đẩy, đặc biệt là nhiễm trùng dịch cổ chướng, mất dịch, giảm albumin...
3.2 Type 2
Giai đoạn này đặc trưng bởi tình trạng suy thận tiến triển mức trung bình, thường là tự phát. Nồng độ creatinin từ 133- 226 umol/l.
Tiên lượng sống của bệnh nhân type 2 thường tốt hơn type 1 nhưng ngắn hơn bệnh nhân xơ gan không suy thận.
4. Các biện pháp điều trị bệnh hội chứng gan thận
4.1 Nguyên tắc điều trị hội chứng gan thận type 1
- Ghép gan là một trong những phương pháp điều trị triệt để hội chứng gan thận
- Trong khi chờ ghép gan thì điều trị duy trì bằng cách truyền albumin và sử dụng thuốc co mạch
- Nếu bệnh nhân không có suy gan nặng và thất bại với điều trị thuốc co mạch thì có thể làm TIPS
- Không sử dụng thuốc lợi tiểu với hội chứng gan thận type 1
- Chạy thận nhân tạo nếu có phù phổi cấp, tăng kali máu nặng hoặc toan chuyển hóa không đáp ứng điều trị
4.2 Nguyên tắc điều trị hội chứng gan thận type 2
- Ghép gan
- Điều trị cổ trướng bằng lợi tiểu khi natri niệu > 30 mEq/l
- Kết hợp chọc tháo dịch cổ trướng và truyền albumin khi có cổ trướng lớn
- Hạn chế dịch trong hạ natri máu
- Thuốc co mạch hoặc TIPS có thể cân nhắc sử dụng khi chờ ghép gan
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.