Có thể chữa khỏi lao màng bụng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Những tổn thương ở phổi hoặc các cơ quan như tử cung, ruột, buồng trứng....có thể khiến cho vi khuẩn lao hình thành và đến màng bụng thông qua đường máu hoặc đường bạch huyết. Lao màng bụng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác trong ổ bụng nên thường phát hiện chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị bệnh.

1. Bệnh lao màng bụng là gì?

Lao màng bụng là bệnh lý phổ biến của lao ổ bụng, là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính,tuy nhiên thường gặp nhất ở tuổi thanh niên và đối tượng là nữ giới. Trong giai đoạn sớm bệnh lao màng bụng khó phát hiện vì những triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, mờ nhạt. Đến giai đoạn cuối, những biểu hiện lâm sàng trở nên phong phú vì đã gây tổn thương sang các cơ quan khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm cho bệnh tiến triển phức tạp và biến chứng nặng nề dẫn đến tử vong.

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao màng bụng nhưng thường gặp nhất là dưới 40 tuổi, theo thống kê, bệnh nhân nữ mắc bệnh lao màng bụng chiếm đến gần 90% tổng số ca mắc bệnh, còn lại là những người nghiện rượu nặng, làm việc quá sức, suy giảm miễn dịch, sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, thiếu ăn nhất là thiếu đạm và vitamin...

2. Con đường lây truyền vi khuẩn lao màng bụng

Có 4 con đường đưa vi khuẩn lao vào màng bụng để gây bệnh lao màng bụng cho người bệnh, bao gồm:

  • Thứ nhất: Vi khuẩn lao từ hạch mạc treo lan tràn theo đường bạch huyết hoặc đường tiếp cận để tới màng bụng.
  • Thứ hai: Vi khuẩn từ hồi manh tràng hoặc ruột non lan tràn qua thành ruột tới màng bụng.
  • Thứ ba: Vi khuẩn bằng đường máu từ từ các tổn thương lao ở xa trong ổ bụng.
  • Thứ tư: Vi khuẩn lan tràn từ ống Fallop bị lao tới màng bụng, điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhiễm lao màng bụng ở nữ giới lại cao hơn.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu không cẩn thận thì rất dễ bị nhiễm bệnh, một khi đã mắc lao màng bụng thì sẽ gặp rất nhiều nguy cơ đối với việc sinh con, mang thai...

3. Dấu hiệu nhận biết lao màng bụng

Bệnh nhân mắc bệnh lao màng bụng trong giai đoạn sớm sẽ có những dấu hiệu lâm sàng rất mờ nhạt nên khó phát hiện, bệnh ở giai đoạn cuối thì dấu hiệu rõ ràng hơn.

Tùy theo vị trí tổn thương lao, có lao màng bụng khu trú hay lan tỏa mà các biểu hiện lâm sàng ở người bệnh khá đa dạng. Trong thể lao màng bụng mạn tính sẽ chia thành: Lao thể cổ trướng, thể loét bã đậu và thể xơ dính.


Dấu hiệu nhận biết lao màng bụng
Dấu hiệu nhận biết lao màng bụng

Lao màng bụng thể cổ trướng:

Người bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng là sốt nhẹ trong thời gian dài, hay sốt về chiều và đêm, khi sốt đến 39-40 độ thì người bệnh có thể nhận ra nhưng nếu sốt nhẹ thì người bệnh có thể không nhận ra. Trong trường hợp này người bệnh thường chán bụng, ăn uống kém, khó tiêu và đầy bụng, gầy sút, ra mồ hôi trộm, dễ bị đau bụng âm ỉ kéo dài ở ổ bụng hoặc đau từng cơn với vị trí đau không rõ ràng, bị rối loạn tiêu hóa và bụng sẽ to dần lên ở mức độ vừa, khi người bệnh ngồi hoặc đứng thì bụng sẽ bị xệ và lồi ra phía trước, thăm khám có thể thấy những mảng chắc, rải rác khắp bụng.

Lao màng bụng thể bã đậu:

Đây là một thể nặng có thể gây ra những ổ áp-xe địa phương và có thể gây tình trạng vỡ, tràn dịch màng bụng, rò mủ ra thành bụng hoặc rò mủ vào đại tràng, chất bã đậu sẽ theo phân ra ngoài. Người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào do suy mòn hoặc các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa, bệnh sẽ đặc biệt nguy hiểm khi có các dấu hiệu lao phổi và lao các cơ quan khác.

Lao màng bụng thể xơ dính:

Là thể nặng nhất của lao màng bụng mạn tính và là giai đoạn tiếp theo của loét bã đậu hoặc lao màng bụng cổ trướng, vì là thể xơ dính nên có thể làm thắt ruột và gây hội chứng bán tắc ruột hoặc tắc ruột cần phải can thiệp bằng ngoại khoa. Người bệnh mắc lao màng bụng thể xơ dính còn có thể bị viêm dính quanh gan, viêm tắc vòi tắc, viêm tắc mật. Thể bệnh này dễ diễn tiến nặng và khiến người bệnh tử vong.

4. Bệnh lao màng bụng có thể chữa khỏi không?

Bệnh lao màng bụng có thể chữa khỏi không là thắc mắc của rất nhiều người, tuy nhiên, để trả lời được câu hỏi này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là vị trí tổn thương lao và thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn. Hiện nay, người bệnh có thể chữa khỏi lao màng bụng nếu điều trị bệnh với thuốc kháng lao đúng phác đồ và đủ thời gian.

Bệnh lao màng bụng nếu không được điều trị sớm có thể để lại di chứng lên hệ tiêu hóa và lan tràn vi khuẩn gây nguy hiểm cho tính mạng và lây lan cho cho xã hội.

Việc điều trị lao màng bụng chủ yếu là liệu pháp ánh nắng và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc lao đặc hiệu như Rimifon và Streptomycin, Rifampicin...Tùy theo từng thể bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa với nguyên tắc và phác đồ như trong điều trị bệnh lao phổi còn điều trị ngoại khoa chỉ đặt ra cùng với điều trị thuốc lao khi người bệnh xuất hiện biến chứng tắc ruột.

Ngoài việc tuân thủ điều trị lao màng bụng theo chỉ dẫn của bác sĩ thì người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, đủ chất và ngủ đúng giờ để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Vũ Văn Quân đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp chuyên khám và điều trị bệnh lý ngoại khoa của đường tiêu hóa, gan, mật, tụy và các bệnh lý của phúc mạc ổ bụng, thành bụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe