Chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù cần phải lưu ý điều gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & Nội khoa , Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Xơ gan là diễn biến cuối cùng của các bệnh lý về gan mật, bệnh tiến triển qua hai giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Bệnh nhân xơ gan mất bù phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu, vì vậy chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù cần phải hết sức lưu ý, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan mất bù.

1. Vài nét về bệnh xơ gan mất bù

Xơ gan là bệnh lý hay gặp của gan khi chức năng gan suy giảm do các tế bào bình thường được thay thế bởi các mô xơ, không có chức năng. Xơ gan biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng như người bệnh hay mệt mỏi nhiều, tăng cân, phù toàn thân hoặc bụng chướng do tràn dịch màng bụng (hay còn gọi là cổ chướng).

Bệnh nhân xơ gan biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, tùy từng cơ địa và thể trạng của bệnh nhân mà giai đoạn xơ gan mất bù đến sớm hay muộn. Khi đã ở giai đoạn mất bù nghĩa là các cơ chế bù trừ của cơ thể cho sự suy giảm chức năng gan không đáp ứng được, tình trạng bệnh nhân giảm sút rõ rệt, khả năng làm việc suy giảm nặng.

Phù là triệu chứng hay gặp nhất, vị trí phù thường ở 2 chi dưới với tình chất phù mềm, ấn vào để lại vết lõm, khoảng 1-2 phút sau vết lõm mới biến mất và không có cảm giác đau. Nguyên nhân gây phù ở bệnh xơ gan mất bù chủ yếu là do khả năng tổng hợp protein của gan giảm, làm giảm áp suất keo trong lòng mạch và làm mất dịch ra bên ngoài các mô xung quanh.

Ngoài phù ngoại biên thì bệnh nhân còn tràn dịch màng bụng (nguyên nhân cũng do giảm protein máu), bụng bệnh nhân to bè, báng và hay được gọi với khái niệm cổ chướng.

Kèm theo hiện tượng cổ trướng là các mạch máu vùng bụng bên nhân nổi rõ hơn, lộ trên bề mặt da, ngoằn ngoèo. Đây được gọi là tuần hoàn bàng hệ do tăng áp lực tĩnh mạch cửa của xơ gan gây ra.


Bệnh xơ gan mất bù còn kèm theo hiện tượng cổ trướng
Bệnh xơ gan mất bù còn kèm theo hiện tượng cổ trướng

2. Chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù

  • Kê cao chân (cao hơn so với tim) khi bệnh nhân nằm nghỉ để lượng dịch phù được trở về tim, giảm phù chi và giảm khó chịu cho bệnh nhân.
  • Chế độ dinh dưỡng hạn chế muối (natri): Chế độ ăn càng mặn thì lượng nước tích tụ lại trong cơ thể bệnh nhân càng nhiều, phù và cổ chướng càng nặng nề hơn, gây khó thở cho bệnh nhân.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu kali như cam, chuối, bưởi... vì trong quá trình điều trị thì bệnh nhân thường được sử dụng các loại lợi tiểu gây mất kali để giảm phù. Do đó, cần bổ sung lượng kali mất do thuốc lợi tiểu gây ra.
  • Theo dõi cân nặng thường xuyên để kiểm soát quá trình tăng cân ở bệnh nhân xơ gan mất bù.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch của cơ thể ở bệnh nhân xơ gan đã rất yếu, nguy cơ cao dễ bị các bệnh lý nhiễm trùng và làm bệnh nặng hơn.
  • Thực đơn dinh dưỡng đa dạng để bổ sung các chất dinh dưỡng, chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, mỗi bữa ăn ăn ít để tránh gan làm việc quá tải.

Người bệnh xơ gan mất bù cần bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều kali
Người bệnh xơ gan mất bù cần bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều kali

3. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan mất bù

Ở giai đoạn xơ gan mất bù, bệnh nhân thường gặp nhiều mệt mỏi, ăn uống, tiêu hóa kém hơn do chức năng gan đã suy giảm nặng. Khi đó, bệnh nhân thường thiếu hụt năng lượng để cơ thể hoạt động và càng mệt mỏi, uể oải hơn. Do đó, chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù cần hợp lý, bổ sung chất thiếu và hạn chế chất không cần thiết giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe.

Biến chứng nặng nề của xơ gan ở giai đoạn mất bù chính là hôn mê gan. Cơ chế chính là do tăng đạm trong chế độ ăn, do đó người bệnh cần hạn chế các loại thức ăn có nhiều đạm. Cảnh giác với táo bón ở bệnh nhân xơ gan mất bù vì có thể gây hậu quả nặng nề với hội chứng não – gan.

Cơ chế của hôn mê gan và hội chứng não-gan là lượng đạm dư thừa hoặc không được hấp thu hết khi đến đại tràng, dưới tác động của vi khuẩn đường ruột sản sinh nhiều NH3, nồng độ NH3 tăng cao sẽ đi vào máu và lên não gây ngộ độc.


Người bệnh xơ gan mất bù nên hạn chế ăn thực phẩm giàu đạm
Người bệnh xơ gan mất bù nên hạn chế ăn thực phẩm giàu đạm

4. Lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan mất bù

  • Chế độ ăn giảm lượng đạm thông thường, gia tăng các loại đạm cơ thể không tổng hợp được (loại protein có các acid amin mạch nhánh). Bệnh nhân nên sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, đạm quý, ít béo như: Thịt lợn nạc, gà nạc, cá nạc, trứng, sữa bột tách bơ và đặc biệt là các loại đậu và chế phẩm từ đậu.
  • Chế độ ăn giảm muối, tăng kali.
  • Hạn chế táo bón bằng cách tăng cường chất xơ trong chế độ ăn. Chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây. Yêu cầu cơ bản là bệnh nhân nên đi ngoài 2-3 lần/ngày. Khi cần thiết cần sử dụng thêm thuốc nhuận tràng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây còn làm bổ sung kali cho bệnh nhân.
  • Hạn chế chất béo từ động vật, không nên ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Thay thế lượng mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật, bơ. Chú ý không nấu ở nhiệt độ quá cao trong thời gian dài.
  • Bệnh nhân cần đảm bảo lượng nước uống từ 1 đến 1.2 lít mỗi ngày. Bên cạnh đó nên dùng các thức uống, đồ ăn có tính lợi mật, nhuận gan như: lá trà xanh, lá cây nhọ nồi, nhân trần, Atiso...
  • Tuyệt đối không được uống rượu, thuốc lá, các chất kích thích có khả năng gây độc hại cho gan.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ các lưu ý đặc biệt nêu trên vừa giúp bệnh nhân ăn uống ngon hơn, bổ sung năng lượng cơ thể vừa có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng xơ gan cũng như phòng ngừa biến chứng của xơ gan mất bù.


Ăn nhiều rau xanh có lợi cho bệnh nhân xơ gan bù nước
Ăn nhiều rau xanh có lợi cho bệnh nhân xơ gan bù nước

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe