Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Ung thư thực quản là ung thư phổ biến hiện nay, với tỷ lệ người mắc bệnh này càng tăng cao. Phương pháp điều trị đối với những bệnh nhân bị ung thư thực quản là thực hiện phẫu thuật cắt thực quản. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư chưa di căn, cắt thực quản một phần hoặc toàn bộ có thể điều trị ung thư.
1. Phẫu thuật cắt thực quản điều trị ung thư thực quản
- Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến thường gặp hiện nay, xếp thứ 5 trong ung thư đường tiêu hóa.
- Ung thư thực quản là bệnh mà khối u ác tính xuất hiện từ các tế bào biểu mô của thực quản khiến các tế bào không phân chia theo cấu trúc của cơ thể. Triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị ung thư thực quản là khó nuốt và sụt cân trầm trọng. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp ba lần so với nữ giới.
- Đối với bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn sau, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật cắt bỏ thực quản, có thể một phần hoặc toàn bộ kết hợp với các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị.
- Nếu khối u ác tính nằm ở phần dưới thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một phần thực quản có tế bào ung thư và một phần dạ dày cùng với một đoạn 15-20cm thực quản bình thường phía trên.
- Nếu khối u ác tính nằm phần trên hoặc ở giữa thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ toàn bộ thực quản nhằm đảm bảo loại bỏ hết mô có chứa tế bào ung thư.
2. Cắt thực quản diễn ra như thế nào?
Phẫu thuật cắt thực quản có thể được thực hiện bằng 2 cách sau:
2.1 Phẫu thuật cắt thực quản mở ngực
Bác sĩ thực hiện cắt thực quản thông qua vết cắt lớn ở cổ, bụng hoặc ở ngực. Có thể thực hiện phẫu thuật bằng các cách tiếp cận khác nhau như: Phẫu thuật cắt thực quản qua ngực (thực quản được cắt bỏ qua các đường rạch chính nằm ở bụng và ngực), qua khe hoành (thực quản được cắt bỏ qua các đường rạch chính nằm ở bụng và cổ) hoặc thông qua các vết rạch ở cổ, bụng hoặc ngực.
2.2 Phẫu thuật cắt thực quản bằng nội soi
Phương pháp điều trị nội soi thực quản sẽ giúp nạo bỏ hết cả các hạch, phẫu thuật nội soi cắt bỏ thực quản. Đây là phương pháp thường được các bác sĩ lựa chọn vì tính hiệu quả cao. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê. Sau khi cắt thực quản và nạo vét hạch trung thất, động mạch phế quản phải được bảo tồn, hai đoạn thực quản cắt rời được khâu nối lại và ống dẫn lưu màng phổi được đặt, thông khí nở phổi phải.
Bệnh nhân sẽ tiếp tục được thực hiện phẫu thuật vùng bụng để nạo vét hạch quanh dạ dày và tạo hình ống dạ dày để thay thế thực quản. Tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Một máy ảnh nhỏ giúp bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy mọi thứ trong quá trình phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở cổ trái để phẫu thuật tích thực quản cổ.
Thực quản có chứa khối u và ống dạ dày được kéo ngược lên qua trung thất ra ngoài cổ. Để thực hiện được phẫu thuật cắt thực quản bằng nội soi, bác sĩ phẫu thuật phải có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Thực hiện phẫu thuật nội soi giúp người bệnh giảm nguy cơ bị nhiễm trùng và hồi phục nhanh hơn. Bệnh nhân bị ung thư thực quản có thể được chữa khỏi bằng cách cắt thực quản và các hạch bạch huyết liền kề khi các tế bào ung thư chưa lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Khi thực hiện phẫu thuật cắt thực quản theo phương pháp mổ mở hay nội soi, các hạch bạch huyết liền kề cũng cần được loại bỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kiểm tra xem các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư hay không. Nếu chúng chứa các tế bào ung thư, điều đó đồng nghĩa là khối u đã lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này giúp bác sĩ đưa ra các phương án điều trị phù hợp cho từng đối tượng, thường ở giai đoạn này, phẫu thuật cắt bỏ thực quản sẽ kèm theo các phương pháp điều trị khác như hóa trị hoặc xạ trị.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, số hạch bạch huyết được nạo vét sẽ khác nhau. Bác sĩ phẫu thuật có thể nạo vét các hạch bạch huyết xung quanh dạ dày.
3. Biến chứng sau cắt thực quản
Phẫu thuật cắt thực quản có thể gây ra một số biến chứng như:
- Bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc sau phẫu thuật, chảy máu hoặc bị nhiễm trùng.
- Thường bị biến chứng phổi, chẳng hạn như viêm phổi khiến người bệnh phải nằm viện trong thời gian dài, thậm chí có thể gây tử vong.
- Bệnh nhân có thể bị thay đổi giọng nói.
- Rò miệng nối.
- Hẹp miệng nối thực quản khiến người bệnh khó nuốt.
- Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn do dạ dày tiêu hóa thức ăn chậm vì các dây thần kinh điều khiển co thắt bị ảnh hưởng sau phẫu thuật.
- Sau phẫu thuật, cơ vòng thực quản dưới thường bị cắt bỏ và thay đổi do phẫu thuật khiến mật và dịch trong dạ dày trào ngược lên thực quản khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng ợ nóng.
Đối với một số trường hợp, thay vì lựa chọn phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn các loại phẫu thuật nhỏ nhằm làm giảm nhẹ các vấn đề do ung thư gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.