Thuốc Neotazin được chỉ định khi người bệnh không thể kiểm soát được cơn đau thắt ngực hoặc các biện pháp điều trị khác không có tác dụng. Đọc tiếp bài viết để biết Neotazin là thuốc gì, công dụng cũng như cách sử dụng an toàn.
1. Thuốc Neotazin điều trị bệnh gì?
Thuốc Neotazin thuộc nhóm thuốc chống đau thắt ngực, có thành phần chính là Trimetazidine hàm lượng 35mg. Hoạt chất Trimetazidine có tác dụng làm tăng đáp ứng của mạch vành với tình trạng gắng sức sau 15 ngày điều trị, giảm những thay đổi một cách đột ngột của huyết áp khi phải gắng sức nhưng không làm thay đổi nhịp tim.
Thuốc Neotazin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có màu hồng cam và được chỉ định dùng như một liệu pháp điều trị bổ sung hoặc hỗ trợ trị liệu đang dùng để chữa các triệu chứng của bệnh đau thắt ngực không thể kiểm soát được.
Ngoài ra, thuốc Neotazin cũng được dùng để điều trị phụ trợ tình trạng ù tai, chóng mặt, rối loạn thị giác và suy giảm thị lực nhưng có nguồn gốc tuần hoàn.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Neotazin
Thuốc Neotazin được dùng theo đường uống trong bữa ăn. Thuốc chỉ được dùng ở người lớn với liều dùng phổ biến là 1 viên/lần, 2 lần/ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý liều dùng với các nhóm đối tượng sau:
- Người bị suy thận trung bình (có chỉ số thanh thải creatinin từ 30 - 60ml/phút): 1 viên Neotazin/ngày, nên dùng thuốc vào bữa ăn sáng.
- Người cao tuổi: 1 viên Neotazin/ngày, nên dùng thuốc vào bữa ăn sáng. Do chức năng thận ở người cao tuổi thường suy giảm theo độ tuổi nên liều dùng tương tự như người bị suy thận trung bình, tuy nhiên cần thận trọng khi đưa ra liều dùng ở nhóm đối tượng này.
3. Tác dụng phụ của thuốc Neotazin
Thuốc Neotazin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất như sau:
- Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, ngứa, nổi mẩn, mày đay, suy nhược cơ thể.
- Hiếm gặp: Hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, hạ huyết áp động mạch và tư thế đứng, chóng mặt, ngã, mặt đỏ bừng.
- Chưa rõ tần suất: Run, khó hoặc chậm vận động, tăng trương lực cơ (các triệu chứng của bệnh Parkinson); hội chứng chân không nghỉ; đi đứng không vững, rối loạn vận động, lơ mơ, mất ngủ, táo bón, phù mạch, nổi mụn mủ toàn thân (cấp tính), viêm gan, tiểu cầu giảm, mất bạch cầu hạt.
Khi thấy bất kỳ biểu hiện nào khác thường sau khi dùng thuốc Neotazin, người bệnh cần ngừng và liên hệ bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được tư vấn.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Neotazin
Neotazin không được dùng ở những đối tượng sau đây:
- Người bị dị ứng, mẫn cảm với thành phần của thuốc;
- Người bị hội chứng chân không nghỉ, bệnh Parkinson hoặc các rối loạn vận động khác;
- Bệnh nhân suy thận mức độ nặng (có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút).
- Người bị kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu lapp lactase không được dùng thuốc vì Neotazin có chứa lactose.
- Phụ nữ đang mang thai cũng không được dùng thuốc Neotazin hoặc nếu đang sử dụng mà phát hiện có thai thì cần báo cho bác sĩ biết để xem xét;
- Đối với phụ nữ đang nuôi con cho bú, thông tin nghiên cứu còn hạn chế nên khuyến cáo không sử dụng.
Ở bệnh nhân đang điều trị với thuốc tăng huyết áp, cần thận trọng theo dõi khi dùng Neotazin vì thuốc có thể gây tụt huyết áp, đi không vững, té ngã.
Bệnh nhân suy thận trung bình hoặc người cao tuổi (>75 tuổi) cần sử dụng thuốc thận trọng.
Khi dùng thuốc Neotazin cần hạn chế các hoạt động lái xe, điều khiển máy móc vì thuốc có thể gây tác dụng phụ là chóng mặt, lơ mơ.
Thuốc Neotazin có thể tương tác với thuốc ức chế men MAOIs. Việc sử dụng Neotazin cùng với bất kỳ loại thuốc nào cũng cần được theo dõi thận trọng vì thông tin tương tác thuốc còn hạn chế.
Tóm lại, thuốc Neotazin được dùng để điều trị cơn đau thắt ngực như một liệu pháp bổ sung ở người bệnh không thể kiểm soát được hoặc là liệu pháp hỗ trợ ở người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.