Morphin những lời “ đồn thổi” và sự thật

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Phi Yến - Khoa Ung bướu và Huyết học - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Là một loại thuốc trong nhóm thuốc giảm đau opioid, Morphin được thường được kê đơn thuốc điều trị. Việc sử dụng thuốc sai cách có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe.

1. Morphin là thuốc “gây nghiện”

Sự thật: Morphin là thuốc giảm đau mạnh có tác dụng từ hệ thần kinh trung ương. Khi bị đau mức độ nặng và dai dẳng, bạn cần có thuốc giảm đau mạnh để không gây đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau sẽ giảm khi các vết thương hoặc tổn thương khác trên cơ thể phục hồi.

Nhưng trong một số tình huống, tổn thương để lại di chứng hay tình trạng bệnh nặng không thuyên giảm, bạn cần dùng nhóm thuốc giảm đau như thuốc Morphin kéo dài. Khi đó cơ thể bắt đầu có biểu hiện “lệ thuộc” vào thuốc Morphin. Hiện tượng này được y học gọi là “lệ thuộc về thể chất”.

Tình trạng “nghiện” Morphin là tình trạng người bệnh không có vết thương hay bệnh tật nhưng đã sử dụng Morphin trong thời gian dài để nhằm mục đích đạt được cảm giác “phê” về tinh thần. Hiện tượng này được y học gọi là “ lệ thuộc về tinh thần”

Như vậy, dùng Morphin theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng bệnh tật, như giảm mức độ đau là nhu cầu chính đáng.

2. Morphin là thuốc “Gây suy hô hấp”

Sự thật là: Tất cả các loại thuốc đều có liều khởi đầu. Liều khởi đầu của Morphin là 5mg đường uống hay 2mg đường tiêm cho người lớn. Liều Morphin sẽ tăng dần, tương ứng với mức độ đau của người bệnh cho đến khi đạt hiệu quả giảm đau.

Hiện tượng suy hô hấp chỉ xảy ra khi dùng với liều cao đột ngột. Vì thế Morphin luôn được sử dụng theo nguyên tắc liều nhỏ và tăng dần theo mức độ bệnh. Người bệnh sẽ luôn được yêu cầu theo dõi tần suất nhịp thở. Nếu nhịp thở dưới 12 nhịp mỗi phút cần được sử dụng Naloxon.

3. Chỉ dùng Morphin khi “Bệnh nặng, sắp chết”

Sự thật: Mọi bệnh tật và với bất cứ giai đoạn nào của bệnh đều bị đau với các mức độ khác nhau. Morphin được chỉ định dùng nhằm mục đích giảm đau nhanh và mạnh giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn như giảm đau tốt để ăn, ngủ tốt, giao tiếp tốt với bạn bè và người thân. Từ đó bệnh nhân sẽ nhanh bình phục để trở lại cuộc sống trước đây.


Dùng Morphin theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng bệnh tật
Dùng Morphin theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng bệnh tật

4. Dùng Morphin “ Tiêm hiệu quả giảm đau hơn uống”

Sự thật: Hiệu quả giảm mức độ đau của Morphin theo đường dùng uống hay tiêm là như nhau khi quy đổi liều thuốc, tỷ lệ là 1/3. 1mg Morphin đường tiêm hiệu quả bằng 3mg Morphin đường uống.

Về thời gian đạt hiệu quả giảm đau thì Morphin tiêm đạt nhanh hơn uống. Vì thế luôn tạo cảm giác hiệu quả hơn. Nhưng dùng Morphin đường uống lại cho hiệu quả giảm đau dài hơn

5. Dùng Morphin “Gây ảo giác, lú lẫn”

Sự thật: Đây là tác dụng phụ của Morphin khi mới sử dụng với liều cao hay với người bệnh cơ thể yếu kèm tình trạng rối loạn chuyển hóa gan, thận

Khi dùng với liều nhỏ tăng dần liều, tình trạng này sẽ giảm sau 3 đến 5 ngày. Cần phân biệt với tình trạng an thần khi người bệnh giảm đau tốt và ngủ yên.

Để sử dụng thuốc Morphin an toàn và tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn, người bệnh cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ điều trị chính. Đồng thời, luôn tuân thủ các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe