Tuyến giáp đóng vai trò rất quan trọng, do đó khi bị cắt bỏ do các nguyên nhân có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể. Hầu hết bệnh nhân sau cắt tuyến giáp đều cần sử dụng thuốc hỗ trợ kéo dài. Vậy thuốc uống sau mổ tuyến giáp là gì và cần sử dụng như thế nào?
1. Tại sao phải mổ tuyến giáp?
Bướu tuyến giáp hay còn gọi có tên gọi dân gian là bướu cổ, bao gồm bướu lành tính đơn thuần (do thiếu iốt hay thiếu hormon giáp) và bướu bệnh lý (do cường giáp). Trong bệnh bướu giáp đơn thuần, tình trạng suy giảm hormon Thyroxin đã kích thích tuyến yên tăng bài tiết TSH (Thyroid Stimulating Hormone) để kích thích tuyến giáp tăng hoạt động quá để bù trừ, tuy nhiên khả năng sản xuất hormon của tuyến giáp không cải thiện do thiếu iot, hậu quả cuối cùng là tuyến giáp tăng kích thước và hình thành bướu giáp.
Trong trường hợp bướu giáp đơn thuần lan tỏa không độc thì Levothyroxine (thuốc uống tuyến giáp điều trị suy giáp) có thể được sử dụng nhằm mục đích giảm kích thước tuyến giáp, tuy nhiên khi bướu giáp phát triển quá mức đến một mức độ nào đó đủ để gây hại thì phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần bướu quá to gây chèn ép.
Sau phẫu thuật tuyến giáp bệnh nhân cần sử dụng Levothyroxin lâu dài, đôi khi suốt đời với điều kiện đúng liều và đúng cách khi chức năng tuyến giáp không còn khả năng sản xuất ra hormon phục vụ cho các hoạt động của cơ thể.
2. Thuốc uống sau mổ tuyến giáp là gì?
Người bệnh sau khi cắt tuyến giáp được yêu cầu sử dụng thuốc uống tuyến giáp nhằm mục đích thay thế nội tiết tố nội sinh. Thuốc uống sau mổ tuyến giáp có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân khỏi tình trạng suy giáp, một tình trạng xảy ra ở 11-28% người trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Thuốc uống tuyến giáp thường được sử dụng nhất trên lâm sàng là Levothyroxine. Hoạt chất này có tác dụng thay thế hormon giáp tự nhiên, quá đó giúp có thể duy trì hoạt động trao đổi chất bình thường và đồng thời giảm nguy cơ bướu giáp tái phát. Việc sử dụng loại thuốc uống sau khi cắt tuyến giáp cần tuân theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Thời điểm để sử dụng thuốc uống sau mổ tuyến giáp: Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 2 năm đầu sau phẫu thuật cắt tuyến giáp thì lượng hormone giáp dự trữ trong cơ thể vẫn đủ để bệnh nhân duy trì trạng thái bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể sử dụng thuốc uống sau khi cắt tuyến giáp với liều lượng từ thấp đến cao, tăng dần theo y lệnh của bác sĩ điều trị:
- Với bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp: Cần sử dụng thuốc uống tuyến giáp cả đời do đã mất đi hoàn toàn cơ quan sản xuất;
- Với bệnh nhân cắt bán phần tuyến giáp: Cần sử dụng thuốc uống tuyến giáp với liều lượng cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi đã tính toán dựa trên tình trạng của người bệnh.
Vậy mục đích bổ sung thuốc uống tuyến giáp sau phẫu thuật là gì? Quá trình cắt bỏ tuyến giáp khiến lượng hormon giáp sụt giảm đột ngột, điều này sẽ kích thích vùng hạ đồi tăng bài tiết hormon TSH (theo cơ chế điều hòa ngược) nhằm mục đích kích thích tăng bài tiết hormon tuyến giáp vào trong máu. Quá trình sử dụng thuốc uống sau mổ tuyến giáp sẽ hỗ trợ làm ổn định nồng độ TSH và tránh các biến chứng, đặc biệt là suy giảm sau mổ tuyến giáp.
Hướng dẫn sử dụng thuốc uống tuyến giáp Levothyroxine:
- Thời điểm uống thuốc: Thuốc uống tuyến giáp hấp thu tại đường tiêu hóa với tỷ lệ khoảng 48-79%, trong đó vị trí hấp thu thuốc tốt nhất là hồi tràng, hỗng tràng và một phần tá tràng. Đặc biệt khi bụng đói thuốc uống tuyến giáp sẽ hấp thu tốt hơn, do đó thời gian dùng thuốc tốt nhất là 60 phút trước ăn sáng hoặc trước khi đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau ăn tối) và lưu ý cần dùng cách ít nhất 4 giờ so với các loại thuốc khác;
- Liều lượng sử dụng: Liều thuốc uống tuyến giáp ban đầu được chỉ định dựa vào cân nặng của bệnh nhân sau phẫu thuật. Sau đó tùy theo kết quả xét nghiệm máu mà điều chỉnh sau 6-8 tuần. Lưu ý với bệnh nhân thừa cân hay béo phì, liều lượng thuốc uống tuyến giáp cần điều chỉnh thấp hơn so với liều theo cân nặng hiện tại.
3. Lưu ý về thuốc uống sau khi cắt tuyến giáp
Việc sử dụng thuốc uống sau khi cắt tuyến giáp cần lưu ý một số vấn đề sau:
3.1. Đảm bảo đúng liều
Levothyroxin chủ yếu dùng theo đường uống, bên cạnh đó có thể tiêm mạch hoặc tiêm bắp. Liều dùng của thuốc uống tuyến giáp phải được điều chỉnh cẩn thận theo nhu cầu và đáp ứng của mỗi bệnh nhân, vì có thể thay đổi liên tục theo thời gian, tuổi tác và mức độ đáp ứng thuốc của cơ thể. Nhiệm vụ của người bệnh là tái khám định kỳ và thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormon giáp trong máu, qua đó bác sĩ sẽ đưa ra điều chỉnh thích hợp cho từng giai đoạn. Một lưu ý đặc biệt là người bệnh không nên tự ý thay đổi liều thuốc uống sau mổ tuyến giáp, vì có nguy cơ dẫn đến một số tác dụng phụ như nhịp tim nhanh hay loạn nhịp, tăng thèm ăn, mất ngủ hoặc run tay chân...
3.2. Đúng thời điểm uống thuốc
Thuốc uống tuyến giáp như đã nhắc phần trên là hấp thụ tốt ở hồi tràng, hỗng tràng và một phần tá tràng. Bụng đói sẽ giúp thuốc hấp thu tốt hơn với nồng độ đỉnh đạt được sau 2 giờ uống thuốc (có thể lâu hơn khoảng 3-4 giờ nếu uống đồng thời với các thuốc khác hoặc thực phẩm cản trở hấp thu). Do đó, các khuyến cáo hiện nay yêu cầu bệnh nhân nên sử dụng thuốc uống tuyến giáp ít nhất 60 phút trước ăn sáng hoặc trước đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau ăn tối).
3.3. Chú ý tác dụng phụ
Quá trình sử dụng thuốc uống sau khi cắt tuyến giáp cần chú ý đến một số biểu hiện của tình trạng cường giáp như sụt cân, hồi hộp, đánh trống ngực, dễ bị kích thích, vã mồ hôi, run, đau đầu, mất ngủ, không chịu được nóng, sốt... Bên cạnh đó là một số tác dụng ngoại ý khác. Do đó bệnh nhân nếu gặp các triệu chứng nêu trên cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý.
3.4. Chú ý tương tác thuốc
Việc sử dụng các loại thuốc khác trong khi dùng thuốc uống tuyến giáp Levothyroxin có thể gây ra một số tương tác và dẫn đến một số biểu hiện không mong muốn như giảm hấp thu hoặc tăng tốc độ đào thải Levothyroxin hoặc ảnh hưởng đến khả năng liên kết Levothyroxin trong máu. Một số loại thuốc được sử dụng rộng rãi như nhóm ức chế bơm proton (PPI), Statin, viên sắt, viên bổ sung calci, Raloxifene và nội tiết tố nữ Estrogen... có thể cản trở hấp thu Levothyroxin, dẫn đến bệnh nhân đang được kiểm soát tốt lại chuyển sang giai đoạn nhược giáp.
3.5. Chú ý đến dinh dưỡng
Một trong những tác dụng chính của thuốc uống tuyến giáp Levothyroxine là kích thích chuyển hóa của hầu hết cơ quan trong cơ thể, từ đó tăng giải phóng năng lượng, tạo ra nhiệt và do đó nhiều người bệnh sẽ có cảm giác nóng trong người, sụt cân, tim đập nhanh, hồi hộp... Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc bổ gan để giảm tác dụng phụ này, tuy nhiên chúng khá đắt tiền và lợi ích khi dùng kèm Levothyroxine vẫn chưa rõ ràng. Thay vì sử dụng thuốc bổ gan thì bệnh nhân chỉ cần ăn uống đầy đủ, đảm bảo uống đủ nước, tăng cường thêm các loại rau xanh thanh nhiệt như rau má, mã đề...
4. Dinh dưỡng hỗ trợ sau mổ tuyến giáp
Trước phẫu thuật, người bệnh được yêu cầu ngừng ăn uống từ đêm trước ngày phẫu thuật. Khi quá trình phẫu thuật cắt tuyến giáp hoàn thành và khi thuốc mê hết tác dụng thì hầu hết người bệnh sẽ cảm thấy đói. Giai đoạn đầu người bệnh cần sử dụng thức ăn dạng lỏng, nước, sinh tố... để cung cấp dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ quá trình hồi phục.
Chúng có thể bao gồm:
4.1. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C cần cho quá trình chữa lành vết thương và kích thích lên mô sẹo. Vitamin C tan trong nước nên bệnh nhân sau cắt tuyến giáp có thể sử dụng thuận lợi, đặc biệt là các loại trái cây và rau quả như cam, chanh, dâu tây, bông cải xanh, rau bina, ớt chuông ngọt, cà chua...
4.2. Thực phẩm chứa kẽm
Kẽm là khoáng chất vi lượng được tìm thấy trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và hỗ trợ chức năng hệ thống miễn dịch. Thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt là nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời.
4.3. Thực phẩm giàu canxi
Quá trình cắt bỏ tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tuyến cận giáp, dẫn đến hiện tượng người bệnh bị hạ canxi máu. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra tạm thời và bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc bổ sung canxi trong vài ngày. Các triệu chứng nhận biết thiếu canxi bao gồm tê và cảm giác ngứa ran ở môi hay bàn tay và lòng bàn chân, cảm giác kiến bò trên da, chuột rút và co thắt cơ, đau đầu, lo lắng và trầm cảm... Để cải thiện tình trạng này bệnh nhân nên tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa (như phô mai, sữa chua...).
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về cách dùng thuốc uống sau mổ tuyến giáp để từ đó có cách dùng thuốc đúng đắn, nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.