Công dụng thuốc Zagcef

Thuốc Zagcef công dụng như thế nào cho người sử dụng? Người bệnh nào có thể được chỉ định dùng thuốc Zagcef và dùng với liều lượng ra sao? Những câu hỏi đặt ra liên quan đến thông tin về thuốc Zagcef sẽ có câu trả lời chi tiết và cụ thể trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Thành phần và công dụng của Zagcef

Zagcef có thành phần gồm Trimethoprim 80 mg và Sulfamethoxazol 400 mg được bào chế dưới dạng viên nén.

Trimethoprim thành phần của Zagcef có tác dụng kìm khuẩn, ức chế enzym dihydrofolate – reductase của vi khuẩn. Bên cạnh đó, Trimethoprim chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu như khuẩn E. coli, Proteus, Klebsiella, Enterobacter, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus faecalis và nhiều vi khuẩn dạng coli khác.

Trimethoprim được sử dụng riêng hoặc có thể phối hợp với sulfamethoxazol trong Zagcef. Trong một vài trường hợp, dùng riêng Trimethoprim tốt hơn phối hợp, như điều trị đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, trimethoprim khuếch tán tốt vào trong màng nhầy phế quản bị viêm.

Tùy vào tình trạng từng bệnh của từng người mà tác dụng của Zagcef và các thành phần của thuốc này sẽ có hiệu quả khác nhau.

2. Chỉ định và chống chỉ định của Zagcef

Thuốc Zagcef được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm với Sulfamethoxazole và Trimethoprim - thành phần của Zagcef
  • Người bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Người bệnh viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn.
  • Người nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Người bệnh có các đợt cấp viêm phế quản mạn.
  • Bệnh viêm xoang mủ cấp ở người lớn.
  • Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như lỵ trực khuẩn.

Thuốc Zagcef công dụng điều trị phổ biến các trường hợp người bệnh nhiễm trùng vi khuẩn gram âm và dương, đặc biệt là nhiễm lậu cầu, nhiễm trùng đường tiểu cấp không có biến chứng, người bệnh viêm phổi do khuẩn Pneumocystis carinii.

Bên cạnh đó thuốc Zagcef chống chỉ định với người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, cũng như người có tổn thương đáng kể ở nhu mô gan, suy thận nặng và phụ nữ có thai.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Zagcef

Đối với người lớn dùng thuốc Zagcef

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: sử dụng Zagcef trong 10 ngày với liều dùng 1-2 viên/lần, ngày 2 lần.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp: Sử dụng Zagcef trong 10 ngày, mỗi lần uống 1-2 viên, ngày 2-3 lần.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như lỵ trực khuẩn: uống thuốc Zagcef trong vòng 5 ngày, uống mỗi lần 1-2 viên, ngày 2 lần.

Nếu người bệnh uống quá liều thuốc Zagcef cần phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử trí kịp thời, tránh tình huống nguy hiểm xảy ra.

Người bệnh có thể quên một liều thuốc Zagcef trong quá trình sử dụng điều trị. Nếu như vậy, có thể bỏ qua liều quên nếu thời gian quên quá gần với thời gian uống liều tiếp theo. Tuy nhiên thông thường Zagcef có thể uống trong khoảng 1-2h so với chỉ định.

4. Tác dụng phụ của Zagcef

Thuốc Zagcef có các tác dụng phụ hiếm gặp như rối loạn tiêu hóa, viêm miệng, ù tai, hội chứng Stevens – Johnson, Lyell, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu.

Các triệu chứng tác dụng phụ này sẽ mất đi khi người bệnh ngừng thuốc. Nhưng nếu tình trạng nghiêm trọng người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ và đến cơ sở y tế để được tư vấn xử trí kịp thời.

5. Ai cần lưu ý khi sử dụng Zagcef?

  • Người rối loạn huyết học
  • Người cao tuổi
  • Phụ nữ cho con bú, phụ nữ đang cho con bú
  • Người bệnh thiếu G6PD, thiếu folat
  • Người bệnh suy thận, suy gan
  • Trẻ em dưới 15 tuổi
  • Người bị nhược cơ, hôn mê gan
  • Người bệnh viêm loét dạ dày

Các đối tượng trên cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ khi bắt đầu sử dụng thuốc Zagcef nếu có thể.

Với các thông tin trên về thuốc Zagcef, hy vọng quý vị có thể biết cách sử dụng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe