Thuốc Trimezola là một loại thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị một số tình trạng bệnh lý. Vậy thuốc Trimezola có tác dụng gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Thuốc Trimezola có tác dụng gì?
Thuốc Trimezola là một loại thuốc kháng sinh, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là:
- Sulfamethoxazol 400mg.
- Trimethoprim 80mg.
Sulfamethoxazole là một loại sulfamid phối hợp với trimethoprim là một loại kháng sinh tổng hợp dẫn xuất pyrimidin. Hai hoạt chất này thường được phối hợp với nhau theo tỉ lệ 1 trimethoprim và 5 sulfamethoxazol. Sự phối hợp này đã tạo lên tác dụng hiệp đồng làm tăng hiệu quả điều trị và giảm khả năng kháng thuốc.
Sulfamethoxazol có cấu trúc tương tự như acid para aminobenzoic (PABA). Hoạt chất này cạnh tranh với PABA nhờ có ái lực cao với dihydropteroat synthetase nên nó có tác dụng ức chế giai đoạn I của quá trình tổng hợp acid folic của vi khuẩn.
Sulfamethoxazole có phổ kháng khuẩn rộng, nó có tác dụng lên nhiều loại vi khuẩn ái khí gram âm và gram dương bao gồm: Staphylococcus, Legionella pneumophila, Streptococcus, Salmonella, Shigella, Neisseria gonorrhoeae, Neisseria meningitidis, E. coli, Enterobacter, Klebsiella, Proteus mirabilis, Proteus indol dương tính, Haemophilus influenzae,...
Các vi khuẩn kháng Sulfamethoxazole là: Enterococcus, Campylobacter và các loại vi khuẩn kỵ khí.
Trimethoprim là một loại kháng sinh có tác dụng kìm khuẩn, nó ức chế enzym dihydrofolate - reductase của vi khuẩn. Trimethoprim có khả năng chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu như là E. coli, Klebsiella, Enterobacter, Proteus, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus faecalis và nhiều loại vi khuẩn dạng coli.
Thuốc Trimezola được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Các trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn Gram (-), Gram (+), đặc biệt là đối với:
- Nhiễm lậu cầu.
- Nhiễm trùng đường tiểu cấp không biến chứng.
- Viêm phổi do Pneumocystis carinii.
- Nhiễm khuẩn do các loại vi khuẩn nhạy cảm với sulfamethoxazole và trimethoprim gây ra.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Đợt cấp viêm phế quản mạn.
- Viêm xoang cấp ở người lớn.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như lỵ trực khuẩn.
Thuốc Trimezola chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc.
- Người tổn thương đáng kể nhu mô gan, suy thận nặng.
- Phụ nữ có thai.
Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Trimezola trong các trường hợp sau:
- Rối loạn huyết học.
- Người già.
- Phụ nữ cho con bú.
- Thiếu G6PD.
- Thiếu folate.
- Suy thận.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Trimezola
Thuốc Trimezola được sử dụng bằng đường uống, bạn nên uống thuốc với một lượng nước vừa phải.
Liều lượng thuốc Trimezola cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, liều thuốc tham khảo cho người lớn trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sử dụng liều 1 - 2 viên/ lần, ngày 2 lần, điều trị trong 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Sử dụng liều 1 - 2 viên/ lần, ngày 2 - 3 lần, điều trị trong 10 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Sử dụng liều 1 - 2 viên/ lần, ngày 2 lần, điều trị liên tiếp trong 5 ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Trimezola
Trong quá trình sử dụng thuốc Trimezola, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Trimezola bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa.
- Viêm miệng.
- Phản ứng ngoài da.
- Ù tai.
- Hồng ban đa dạng.
- Hội chứng Stevens – Johnson.
- Lyell.
- Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính.
- Giảm tiểu cầu.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc Trimezola, bạn thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
4. Tương tác của thuốc Trimezola với các loại thuốc khác
Thuốc Trimezola có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc sau khi sử dụng cùng, bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid.
- Warfarin.
- Phenytoin.
- Methotrexate.
- Pyrimethamine
- Thuốc hạ đường huyết.
- Cyclosporin.
- Indomethacin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.