Tazopar là một loại kháng sinh phối hợp có phổ tác dụng rộng đối với nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Vậy thành phần và cơ chế tác dụng của thuốc là gì?
1. Tazopar là thuốc gì?
Tazopar chứa thành phần chính là Piperacillin và Tazobactam.
Thành phần Piperacillin - là kháng sinh họ penicillin bán tổng hợp có phổ rộng trên nhiều vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí gram âm và gram dương. Thuốc tác dụng bằng cách ức chế sự hình thành vách tế bào của vi khuẩn, từ đó ngăn cản sự nhân lên của chúng. Thuốc không hấp thu qua đường tiêu hóa, sử dụng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau khi vào hệ tuần hoàn, thuốc phân bố vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể kể cả dịch não tủy, cuối cùng thải trừ qua nước tiểu và mật.
Thành phần Tazobactam - là kháng sinh nhóm beta-lactam (triazolyl methyl penicillanic acid sulfone), một chất ức chế mạnh đối với nhiều chủng bêta-lactamase, đặc biệt là các men qua trung gian plasmid, đây là các men thường gây đề kháng với Penicillin và kháng sinh nhóm Cephalosporin chủ yếu là các Cephalosporin thế hệ ba.
Sự kết hợp của Tazobactam và Piperacillin trong Tazopar làm gia tăng phổ kháng khuẩn của piperacillin kể cả các vi khuẩn đề kháng với các kháng sinh khác trong nhóm beta-lactam, điều trị các nhiễm khuẩn phối hợp hoặc điều trị bao vây trước khi có kết quả kháng sinh đồ.
2. Chỉ định của thuốc Tazopar
Thuốc Tazopar được sử dụng điều trị trong các trường hợp nhiễm khuẩn sau đây
- Các nhiễm khuẩn toàn thân hay các nhiễm khuẩn trên các chủng vi khuẩn nhạy cảm ở đường hô hấp dưới, hệ tiết niệu có biến chứng.
- Các nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm trùng da và mô mềm.
- Nhiễm trùng máu.
- Bệnh lý nhiễm trùng sản phụ khoa.
- Bệnh lý đa nhiễm trùng.
- Các nhiễm khuẩn phối hợp ở bệnh nhân suy giảm sức đề kháng khi chưa có kết quả kháng sinh đồ.
3. Chống chỉ định của thuốc Tazopar
Không sử dụng thuốc Tazopar trong các trường hợp sau
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần Piperacillin, kháng sinh nhóm Cephalosporin, chất ức chế bêta-lactamase hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Trẻ em dưới 12 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Tazopar.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Tazopar
- Sử dụng thuốc với một lượng nhỏ ở bắp tay để thử phản ứng dị ứng cho cơ thể trước khi dùng thuốc với liều chỉ định.
- Kiểm tra chức năng gan, thận và chức năng hệ tạo máu trước khi điều trị hoặc khi điều trị dài ngày với thuốc Tazopar.
- Theo dõi chức năng đông, chảy máu của bệnh nhân suốt quá trình điều trị do nguy cơ chảy máu có thể xuất hiện khi dùng kháng sinh họ họ beta lactam.
- Điều trị thuốc dài ngày cần đề phòng các chủng vi khuẩn kháng thuốc gây bội nhiễm hay nhiễm các loại nấm.
- Dùng thuốc liều cao đường tĩnh mạch có thể gây kích động thần kinh cơ hoặc co giật.
- Thận trọng khi dùng thuốc trên bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc độc tế bào, thuốc lợi tiểu do nguy cơ hạ Kali máu.
- Tazopar dùng liều cao ngắn ngày để điều trị lậu có thể làm mờ các triệu chứng của bệnh giang mai.
- Chưa đủ bằng chứng đảm bảo tính an toàn cho thai nhi và trẻ bú mẹ, vì vậy phụ nữ có thai và đang cho con bú cần cân nhắc lợi ích khi dùng thuốc.
4. Tương tác thuốc của Tazopar
Dùng đồng thời Probenecid với Tazopar làm tăng thời gian bán hủy và tốc độ thanh thải của thuốc, làm giảm sinh khả dụng của thuốc.
Các thuốc kháng đông, Heparin liều cao khi phối hợp sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng đông máu, chức năng tiểu cầu,...
5. Liều dùng và cách dùng thuốc Tazopar
Cách dùng
- Tazopar được bào chế dưới dạng bột pha tiêm hàm lượng 4,5g. Pha thuốc với 20ml nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9% để tiêm tĩnh mạch. Nếu dùng đường truyền tĩnh mạch thì pha loãng với ít nhất 50ml dung dịch.
- Không pha chung với các thuốc khác trong cùng một ống tiêm hay chai dịch truyền.
- Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 15-25°C, hạn sử dụng trong 3 năm.
Liều dùng
- Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em trên 12 tuổi: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ (4,5g)/ lần x 3 lần/ ngày.
- Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận từ 20-80 ml/phút: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ (4,5g)/ lần x 3 lần/ ngày.
- Bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận từ nhỏ hơn 20ml/ phút: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ (4,5g)/ lần x 2 lần/ ngày.
- Bệnh nhân suy thận chạy thận nhân tạo: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ (4,5g)/ lần x 2 lần/ ngày. Sau mỗi chu kỳ chạy thận tiêm tĩnh mạch 1⁄2 lọ (4,5g)/ lần.
6. Tác dụng phụ của thuốc Tazopar
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Tazopar
- Viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối.
- Phản ứng dị ứng, ngứa, hồng ban, nổi mày đay, chàm.
- Táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.
- Bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Viêm vùng niêm mạc miệng.
- Yếu cơ, đau cơ.
- Hạ huyết áp, ảo giác, sốt, đỏ phừng mặt, mệt mỏi, phù.
- Giảm số lượng bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan, tăng tiểu cầu, test Coomb dương tính.
- Hạ Kali máu, tăng men gan thoáng qua, tăng ure, creatinin máu.
Tóm lại, Tazopar là kháng sinh phối hợp có phổ kháng khuẩn rộng, kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ trong các nhiễm khuẩn phối hợp, các nhiễm khuẩn nặng chưa có kết quả kháng sinh đồ. Sử dụng thuốc phải theo đúng thời gian và liều lượng để tránh tình trạng kháng thuốc gây bội nhiễm.