Oziapanto là thuốc ức chế chọn lọc bơm proton, chuyên dùng trong điều trị loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản. Khác với nhiều thuốc đường tiêu hóa, Oziapanto được dùng dưới dạng tiêm, vì vậy người bệnh cần hiểu rõ thuốc Oziapanto trước khi dùng.
1. Thuốc Oziapanto là gì
Oziapanto là thuốc dùng điều trị bệnh đường tiêu hóa, cụ thể là các bệnh lý trào ngược dạ dày do loét tá tràng. Oziapanto được bào chế dưới dạng lọ bột pha tiêm, với thành phần chính là Pantoprazol Natri, mỗi lọ thuốc Oziapanto chứa 40mg Pantoprazol Natri. Dùng thuốc Oziapanto theo đường tiêm tĩnh mạch.
2. Công dụng thuốc Oziapanto
- Công dụng chính của thuốc Oziapanto chính là ức chế chọn lọc bơm proton, nên thuốc Oziapanto được dùng trong điều trị các bệnh lý mà dạ dày tiết acid dịch vị nhiều, không kiểm soát.
- Pantoprazole là thành phần chính của thuốc Oziapanto, đây là một dẫn xuất hóa học của benzimidazol.
- Tác dụng chính của Pantoprazole là len lỏi vào các ống tiết acid của tế bào thành dạ dày, chuyển thành sulfenamid có hoạt tính, sulfenamid này sẽ liên kết không thuận nghịch với enzym H=/K+ATPase (còn gọi là enzym bơm proton) có trên bề mặt của tế bào thành dạ dày. Với việc khiến cho enzym này bị ức chế, quá trình tiết acid vào thành dạ dày bị ngưng lại. Điểm vượt trội của Pantoprazole chính là giúp cho dạ dày không tiết acid dù bị kích thích bởi bất kỳ tác nhân nào. Nhưng tác dụng của thuốc Oziapanto lại phụ thuộc vào liều dùng được nạp vào cơ thể. Với liều dùng thông thường, tác dụng ức chế bài tiết acid của Oziapanto kéo dài trong 24 giờ.
- Theo các báo cáo lâm sàng khi người bệnh dùng thuốc có chứa Pantoprazole theo đường uống và đường tiêm thì dùng theo đường tiêm có tác dụng nhanh hơn. Với liều tiêm từ 20mg - 120mg thì thuốc sẽ bắt đầu có tác dụng sau 15 - 30 phút tiêm. Tác dụng tiết acid dạ dày kéo dài trong vòng 24 giờ đồng hồ.
- Thành phần chính Pantoprazole trong thuốc Oziapanto hấp thu nhanh và đạt nồng độ đỉnh khá nhanh khi dùng theo đường tiêm. Mức sinh khả dụng của thuốc là trên 77% (77% là mức dùng theo đường uống). Oziapanto có liên kết mạnh mẽ với 98% liều lượng gắn với protein huyết thương.
- Về mức độ thải trừ, Oziapanto có nửa đời thải trừ 0.7 - 1.9 giờ đồng hồ, thời gian này có thể kéo dài từ 3 - 6 giờ ở người bệnh suy gan hoặc chuyển hóa thuốc chậm do yếu tố di truyền. Thải trừ chủ yếu ở thận và một phần qua phân.
3. Chỉ định dùng thuốc Oziapanto
Trong các bệnh lý loét dạ dày hoặc bệnh lý mà tế bào thành dạ dày tiết nhiều acid dịch vị, thuốc Oziapanto được chỉ định dùng cho người bệnh. Hoặc tùy theo tình trạng bệnh lý nặng, cần dùng thuốc có khả năng ức chế bơm proton nhanh.
- Người bệnh bị trào ngược dạ dày - thực quản.
- Người bệnh loét dạ dày, tá tràng.
- Dùng Oziapanto trong điều trị dự phòng loét dạ dày, tá tràng do người bệnh dùng thuốc chống viêm không steroid.
- Các tình trạng tăng tiết acid dạ dày như hội chứng Zollinger - Ellison.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Oziapanto
Chống chỉ định sử dụng thuốc Oziapanto cho người bệnh có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc có trong tờ HDSD.
5. Liều dùng & cách dùng thuốc Oziapanto
Cách dùng: Có thể dùng Oziapanto theo đường tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch.
- Nếu dùng theo đường tiêm tĩnh mạch thì pha lọ bột Oziapanto 40mg với 10ml dung dịch NaCl 0.9%, thực hiện tiêm tĩnh mạch chậm trong 2 phút.
- Truyền tĩnh mạch: Pha lọ Oziapanto 40mg với 100ml dung dịch NaCl 0.9% hoặc dextran 5%, hoặc Ringer Lacate. Thời gian truyền Oziapanto tĩnh mạch là 15 phút.
- Lưu ý khi tiêm và truyền tĩnh mạch: Không nên pha trộn hoặc dùng chung dây chuyền với các thuốc mà người bệnh đã tiêm truyền trước đó
- Nếu dùng liều 20mg, thì pha với tỷ lệ một nửa các dung dịch đã nêu ở trên, phần dung dịch không dùng để pha thuốc nên được bỏ đi.
Liều dùng:
- Bệnh loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản nặng: mỗi lần dùng liều 40mg (1 lọ Oziapanto), ngày dùng 1 lần
- Người suy gan nặng: Có thể chọn giảm liều hoặc dùng cách ngày. Liều tối đa 20 mg/ ngày (nửa lọ/ ngày) hoặc 2 ngày dùng 1 lọ 40mg
- Người suy thận: Dùng liều như người bình thường
- Trẻ em: không nên sử dụng thuốc Oziapanto cho đối tượng này vì độ an toàn chưa được kiểm định.
- Thời gian điều trị với thuốc Oziapanto rất ngắn. Người bệnh nên chuyển sang dùng theo đường uống khi các triệu chứng bệnh suy giảm.
6. Tác dụng phụ của thuốc Oziapanto
Các tác dụng phụ hay ghi nhận trên bệnh nhân sử dụng là buồn nôn, tiêu chảy và nhức đầu. Các trường hợp biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể là ban da, ngứa và choáng váng.
Ít có trường hợp xảy ra các phản ứng như phù nền, sốt và viêm tĩnh mạch huyết khối.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Oziapanto
- Trước khi sử dụng thuốc Oziapanto nói riêng và các thuốc có tác dụng ức chế bơm proton khác, cần phải tìm hiểu rõ bệnh sử và loại trừ khả năng ung thư dạ dày của người bệnh. Vì thuốc ức chế bơm proton có thể che lấp đi triệu chứng làm chẩn đoán ung thư không chính xác.
- Cẩn thận sử dụng thuốc Oziapanto ở người bị gan (viêm gan cấp và mãn tĩnh, ung thư gan). Khi sử dụng ở đối tượng này thì nồng độ huyết thanh của thuốc Oziapanto có thể tăng nhẹ và thuốc bị giảm sự đào thải. Với người xơ gan hay suy gan nặng thì không nên dùng thuốc Oziapanto. Trong trường hợp cần thiết, nên dùng theo liều cách ngày hoặc giảm nửa liều kết hợp với theo dõi chức năng gan người bệnh.
- Nên thận trọng khi sử dụng Oziapanto ở người cao tuổi, người bị suy thận.
- Trong thời kỳ mang thai, nên sử dụng thuốc Oziapanto khi thật sự cần thiết, vì có nguy cơ làm chậm phát triển xương thai.
- Chưa rõ về khả năng bài tiết qua sữa mẹ hay không, tuy nhiên theo nghiên cứu trên chuột cống thì hoạt chất Pantoprazol có nguy cơ gây ung thư ở chuột. Do đó khuyến cáo không nên dùng Oziapanto khi đang cho con bú.
Oziapanto là thuốc ức chế bơm proton được dùng trong điều trị các bệnh lý trào ngược dạ dày, viêm dạ dày thực quản, loét tá tràng. Với hoạt chất chính Pantoprazol, thuốc Oziapanto được dùng theo đường tiêm, người bệnh dùng thuốc phải tuân thủ liều dùng mà bác sĩ chỉ định.