Thuốc Godartem có thành phần chính là Artemether và Lumefantrin, thường được sử dụng trong điều trị sốt rét. Khi sử dụng Godartem, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, đau bụng.
1. Godartem là thuốc gì?
Thuốc Godartem là thuốc kê đơn trong điều trị sốt rét, thành phần hoạt chất chính của thuốc là Artemether và Lumefantrin.
Dạng bào chế: viên nén. Mỗi viên chứa 80mg Artemether, 480mg Lumefantrin và tá dược vừa đủ 1 viên.
Dạng đóng gói: hộp 1 vỉ x 6 viên
2. Công dụng thuốc Godartem
Artemether và Lumefantrin đều có tác dụng diệt thể phân liệt của ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu. Cơ chế tác dụng của hai chất này là ngăn cản sự chuyển đổi hem thành hemozin không độc (hem là chất độc trung gian được tạo thành từ quá trình thủy phân hemoglobin).
Bên trong các hồng cầu bị bệnh, ký sinh trùng sốt rét sẽ ăn và thoái hóa hemoglobin, do đó giải phóng sắt dưới dạng hem có độc tính. Hem sẽ tập trung ở không bào tiêu hóa của ký sinh trùng sốt rét. Sau đó, hem sẽ được chuyển hóa thành hemozin không độc.
Sau khi uống, Artemether sẽ phân bố chủ yếu tại không bào tiêu hóa của ký sinh trùng sốt rét và cản trở quá trình chuyển hóa từ hem thành hemozin, đồng thời phá hủy hemozin để giải phóng hem và các gốc tự do. Bên cạnh đó, Lumefantrin tác động vào quá trình khử độc của ký sinh trùng sốt rét. Artemether và lumefantrin cùng có tác dụng ức chế tổng hợp acid nucleic và protein của ký sinh trùng sốt rét, dạng kết hợp này có tác dụng diệt nhanh thể giao tử.
3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Godartem
Thuốc Godartem thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Sốt rét không biến chứng do Plasmodium falciparum ở bệnh nhân có trọng lượng cơ thể trên 35kg.
- Sốt rét trong khu vực dịch tễ kháng chloroquin.
Chống chỉ định: tuyệt đối không sử dụng thuốc Godartem trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Godartem
- Người lớn, trẻ em có trọng lượng cơ thể dưới 35kg
- 3 tháng đầu thai kỳ
4. Liều lượng và cách dùng thuốc Godartem
Để Godartem phát huy tốt hiệu quả chống sốt rét và tránh các ảnh hưởng bất lợi, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng hoặc ngưng thuốc khi thấy bệnh tình thuyên giảm. Ngoài ra, không đưa thuốc Godartem cho người khác sử dụng khi thấy họ có những triệu chứng giống bạn.
Liều lượng:
- Khởi đầu: 1 viên, 8 tiếng sau uống 1 viên.
- Sau 24 giờ: uống 1 viên
- Sau 36 giờ: uống 1 viên
- Sau 48 giờ: uống 1 viên
- Sau 60 giờ: uống 1 viên
Tổng cộng là 6 viên.
Cách dùng: Nên uống thuốc cùng với bữa ăn giàu chất béo hoặc sữa. Bệnh nhân sốt rét thường chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn uống, vì thức ăn giúp tăng hấp thu Godartem. Trường hợp bệnh nhân nôn mửa trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc thì cho bệnh nhân uống lại liều khác.
Làm gì khi quên một liều thuốc Godartem?
- Hãy uống ngay một liều khác khi nhớ ra, có thể cách 1 – 2 giờ so với giờ so với giờ thông thường.
- Nếu thời điểm đó gần với thời điểm sử dụng thuốc tiếp theo hãy bỏ qua và uống liều tiếp theo như hướng dẫn.
- Không uống gấp đôi lượng thuốc để bù lại liều đã quên.
Làm gì khi quá liều thuốc Godartem?
- Khi quá liều, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như bất thường trên tim, rối loạn nhịp tim, rối loạn hệ thần kinh trung ương. Cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, cần mang theo tất cả thuốc mà bệnh nhân đã dùng. Phương pháp điều trị ngộ độc thuốc Godartem bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, có thể dùng than hoạt tính để giảm lượng thuốc hấp thu vào máu. Ngoài ra cần theo dõi điện tim và nồng độ kali máu của bệnh nhân.
5. Tác dụng không mong muốn thuốc Godartem?
Ngoài tác dụng điều trị mà Godartem đem lại, bạn cũng có thể gặp những tác dụng bất lợi như:
- Thường gặp: hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, ho, nhịp tim nhanh, đau cơ khớp, phát ban, ngứa, mệt mỏi, suy nhược, ...
- Chưa rõ tần suất: ngủ gà, co cơ không tử chủ, rối loạn cảm giác, dáng đi bất thường, mất điều hòa vận động
- Hiếm gặp: quá mẫn
Thông báo với bác sĩ khi có những triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc.
6. Tương tác thuốc Godartem?
Khi điều trị nhiều loại thuốc khác nhau, có thể gây ra hiện tượng hiệp đồng hoặc cạnh tranh giữa các thuốc và làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc. Vì vậy, cần thông báo với bác sĩ về tất cả các thuốc đang sử dụng để tránh xảy ra hiện tượng tương tác thuốc. Các thuốc có thể tương tác với thuốc Godartem như:
- Mefloquin
- Quinin
- Halofantrin
- Thuốc an thần
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Godartem
Sử dụng thuốc Godartem cho phụ nữ có thai: chống chỉ định sử dụng Godartem trong giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ. Trong giai đoạn 6 tháng tiếp theo, chỉ dùng thuốc khi lợi ích điều trị cho mẹ vượt trội hơn tác hại đối với thai nhi.
Không sử dụng thuốc Godartem cho người lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao vì thuốc này có thể gây chóng mặt, mất ngủ, ...
Sử dụng Godartem trên phụ nữ cho con bú: đợi ít nhất 28 ngày sau khi dùng thuốc mới cho trẻ bú.
Thận trọng khi dùng thuốc Godartem cho các đối tượng sau: bệnh nhân suy chức năng gan, thận, không ăn uống được.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Godartem, người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.