Thuốc Frazine được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, nhằm điều trị cho các trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp, da và đường tiểu,...Đồng thời giúp dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu. Để dùng thuốc Frazine hiệu quả và ngăn ngừa nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ trị liệu đã được bác sĩ khuyến cáo trước đó.
1. Thuốc Frazine là gì?
Frazine là thuốc kháng sinh được kê đơn để điều trị cho các tình trạng viêm nhiễm như nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiểu, viêm túi mật, viêm phúc mạc và viêm vùng chậu,... Hiện nay, thuốc Frazine được điều chế và sản xuất bởi Kyung Dong Pharm Co., Ltd – Hàn Quốc dưới dạng bột pha tiêm.
Trong mỗi lọ thuốc Frazine có chứa thành phần hoạt chất chính là Ceftriaxone hàm lượng 1g. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số tá dược phụ trợ khác vừa đủ hàm lượng thuốc.
2. Công dụng thuốc Frazine là gì?
2.1 Tác dụng của hoạt chất Ceftriaxone
Ceftriaxone đóng vai trò là 1 Cephalosporin thế hệ 3, được sử dụng rộng rãi dưới dạng tiêm nhằm điều trị các tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Cơ chế hoạt động chung của Ceftriaxone là diệt khuẩn nhờ khả năng ngăn chặn sự tăng trưởng của chúng.
Theo nghiên cứu cho biết, quá trình sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bị ức chế do Ceftriaxone gắn vào protein liên kết penicillin (PBP). Đây đều là những protein tham gia vào việc cấu tạo nên màng tế bào vi khuẩn.
Ngoài ra, Ceftriaxone cũng được áp dụng trước khi tiến hành các thủ thuật nha khoa cho người mắc bệnh tim (chẳng hạn như van tim nhân tạo) nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tim, đặc biệt là tình trạng viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Frazine
Thuốc Frazine được dùng theo đơn của bác sĩ để điều trị các trường hợp nhiễm trùng sau đây:
- Nhiễm trùng đường hô hấp.
- Nhiễm trùng tai – mũi – họng.
- Nhiễm trùng thận – tiết niệu sinh dục.
- Nhiễm trùng máu.
- Viêm màng não mủ.
- Dự phòng nhiễm trùng da, xương khớp, nhiễm trùng hậu phẫu.
- Nhiễm trùng vết thương và mô mềm.
- Viêm túi mật.
- Viêm phúc mạc.
- Viêm đường mật.
- Nhiễm trùng đường tiêu hoá.
- Nhiễm trùng ở bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng.
- Nhiễm trùng ổ bụng.
- Bệnh lậu.
Chống chỉ định:
- Chống chỉ định Frazine cho người bị dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với Cephalosporin hay bất kỳ thành phần nào có có trong thuốc.
- Không dùng Frazine cho người bị suy thận, trẻ sơ sinh thiếu tháng hay người có tiền sử dị ứng với penicillin.
- Chống chỉ định tương đối Frazine cho thai phụ hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.
3. Nên dùng thuốc Frazine với liều lượng bao nhiêu?
Thuốc Frazine được bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Do đó thuốc sẽ được dùng bằng đường tiêm IM (tiêm bắp) hoặc IV (tiêm tĩnh mạch). Dưới đây là liều dùng thuốc Frazine cụ thể dựa theo khuyến cáo chung của bác sĩ:
- Liều cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Tiêm 1 – 2g/ ngày, hoặc 4g/ ngày đối với trường hợp nặng.
- Liều cho trẻ từ 15 ngày tuổi – 12 tuổi: Tiêm liều 20 – 80mg/ kg thể trọng.
- Liều cho trẻ dưới 14 ngày tuổi: Tiêm liều từ 20 – 50mg/ kg thể trọng/ ngày.
- Liều điều trị viêm màng não: Tiêm liều 100mg/kg/ lần/ ngày. Có thể dùng liều tối đa 4g/ ngày.
- Liều điều trị bệnh lậu: Tiêm bắp liều duy nhất 250mg.
- Liều dự phòng nhiễm trùng hậu phẫu: Tiêm trước mổ khoảng 30 – 90 phút liều 1 – 2g.
Thuốc Frazine được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ. Do đó bệnh nhân cần tránh tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
4. Thuốc Frazine gây ra các tác dụng phụ gì?
Trong trường hợp gặp phải các dấu hiệu cảnh báo phản ứng dị ứng sau khi tiêm thuốc Frazine, chẳng hạn như sưng mặt, sưng lưỡi, sưng môi, sưng họng, phát ban hoặc khó thở, người bệnh cần đến cơ sở ý tế ngay để được chữa trị. Ngoài ra, người bệnh cũng nên báo cho bác sĩ sớm nhất có thể khi xuất hiện một số tác dụng phụ nghiêm trọng sau:
- Tiêu chảy lỏng như nước hoặc có lẫn máu.
- Ớn lạnh, sốt, nổi mẩn, sưng hạch, ngứa, cảm giác mệt mỏi hoặc đau khớp.
- Xuất hiện các đốm trắng hay vết lở loét trên môi hoặc trong miệng.
- Tình trạng chảy máu bất thường ở miệng, mũi, trực tràng hoặc âm đạo.
- Xuất hiện các nốt tím hay đỏ ở dưới da.
- Bầm tím da, phát ban da, tê yếu cơ, đau cơ hoặc ngứa nặng.
- Da có màu nhợt nhạt, lú lẫn, yếu cơ thể hoặc nước tiểu sậm màu.
- Khó đi tiểu, bí tiểu hoặc đi tiểu ít hơn bình thường.
- Co giật hoặc động kinh.
- Sưng đau / kích thích tại vị trí tiêm.
- Phân có màu phấn.
- Buồn nôn, đầy hơi, ợ nóng hoặc đau dạ dày sau khi ăn.
- Đau bụng nghiêm trọng, cơn đau có thể lan ra sau lưng.
- Các phản ứng da nghiêm trọng như đau họng, sốt, bỏng mắt, đau da, sưng lưỡi/ mặt, tím da, phát ban, bong tróc hoặc phồng rộp da.
Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể xảy ra khi điều trị bằng thuốc Frazine, bao gồm:
- Nôn ói, đau dạ dày.
- Kích ứng, đau hoặc có cục cứng tại nơi tiêm.
- Sưng ngứa lưỡi.
- Phản ứng thái quá, đau đầu, chóng mặt.
- Ngứa âm đạo.
- Đổ nhiều mồ hôi.
Không phải tất cả người bệnh khi dùng Frazine đều gặp phải những tác dụng phụ trên. Trong một số trường hợp có thể xuất hiện các phản ứng bất lợi khác chưa được đề cập đến. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào về các tác dụng phụ sau khi dùng thuốc Frazine, bệnh nhân nên trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa.
5. Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Frazine
5.1 Các tình trạng sức khoẻ có thể ảnh hưởng đến thuốc Frazine
Thực tế, một số tình trạng sức khoẻ có thể đem lại những tác động bất lợi cho việc sử dụng thuốc Frazine. Người bệnh cần báo cho bác sĩ trước khi quyết định điều trị bằng Frazine nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào dưới đây:
- Tiêu chảy.
- Thiếu máu.
- Viêm tụy.
- Bệnh túi mật.
- Có tiền sử mắc bệnh dạ dày hoặc ruột, chẳng hạn như viêm đại tràng.
- Tình trạng tăng bilirubin máu (không dùng Frazine cho trẻ sơ sơ sinh < 28 ngày tuổi hoặc trẻ sinh non mắc bệnh này).
- Bệnh gan hoặc thận.
- Suy dinh dưỡng (dùng thuốc Frazine có thể khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ và bệnh nhân cần phải sử dụng thêm vitamin K).
5.2 Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Frazine?
Dưới đây là một số lưu ý mà bệnh nhân cần nắm rõ khi điều trị bằng thuốc Frazine nhằm đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả:
- Thận trọng khi bắt đầu điều trị Frazine cho những bệnh nhân bị tiểu đường, rối loạn nhịp tim hoặc dị ứng với penicillin.
- Hiện chưa có đầy đủ nghiên cứu chứng minh thuốc Frazine là an toàn cho phụ nữ mang thai và người nuôi con bú. Do đó, những đối tượng bệnh nhân này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định điều trị.
- Cần tránh dùng thuốc Frazine với một số loại thuốc khác nhằm tránh nguy cơ xảy ra tương tác, bao gồm Calcium gluceptate, Calcium chloride, Calcium acetate, Dung dịch Ringer, Dung dịch Lactated ringer và thuốc lợi tiểu. Tốt nhất, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ các loại dược phẩm hiện đang dùng, bao gồm cả chất bổ sung, thuốc bổ, vitamin, thực phẩm chức năng hay thảo dược.
- Nếu trót bỏ lỡ 1 liều thuốc Frazine, người bệnh cần nhanh chóng tiêm bù liều (khoảng 1 – 2 giờ kể từ khi nhỡ liều). Tránh sử dụng quá gần với thời gian của liều thuốc tiếp theo hoặc tiêm gấp đôi liều so với quy định.
- Trong trường hợp tiêm quá liều Frazine và gặp phải các phản ứng bất lợi, bệnh nhân cần ngừng điều trị và báo cho bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời. Bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp điều trị hỗ trợ nhằm làm giảm các triệu chứng quá liều cho bệnh nhân.
- Kiểm tra hạn sử dụng của Frazine trước khi dùng nhằm tránh trường hợp tiêm thuốc đã quá hạn.
- Nếu bột pha tiêm Frazine có dấu hiệu bất thường về kết cấu, màu sắc hoặc xuất hiện nấm mốc, bệnh nhân cần ngừng điều trị.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Frazine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Frazine là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.