Drotaspasm là thuốc giãn cơ, thường được chỉ định điều trị đau bụng kinh, cơn đau quặn thận và mật, đau do co thắt dạ dày,... Vậy công dụng và cách sử dụng thuốc như thế nào?
1. Drotaspasm là thuốc gì?
Drotaspasm có thành phần chính Drotaverin hydroclorid - là thuốc giãn cơ trơn, ức chế phosphodiesterase IV.
Drotaspasm là một hoạt chất có tác dụng chống co thắt thông qua cơ chế ức chế men phosphodiesterase (PDE) IV - một enzyme chịu trách nhiệm cho sự phân hủy của cyclic adenosine monophosphate (cAMP). Ức chế men PDE IV làm tăng nồng độ AMP vòng trong tế bào làm giảm hoạt tính của chuỗi myosin nhẹ (MLCK) và ion calci (Ca2+) nội bào ở tế bào cơ trơn, dẫn đến giãn cơ trơn.
Thành phần Drotaverin trong thuốc Drotaspasm không kháng các cholinergic, chỉ định điều trị co thắt hoặc co giật các cơ trơn hệ tiêu hóa, đường mật, tim và tử cung. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm đau trong hội chứng ruột kích thích, đau đầu, đau bụng kinh nguyên phát.
Drotaspasm hấp thu nhanh sau khi uống và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương 95 - 98% sau 1 giờ. Thuốc có thể đi vào khắp các mô trong cơ thể, không qua hàng rào máu não, qua được nhau thai và sữa mẹ. Sau khi vào cơ thể thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ qua đường nước tiểu.
2. Chỉ định của thuốc Drotaspasm
Drotaspasm được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau
- Cơn đau quặn thận do sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm bể thận, viêm co thắt bàng quang.
- Cơn đau quặn mật do co thắt cơ trơn đường mật trong sỏi túi mật, sỏi ống mật, viêm túi mật, viêm tụy.
- Đau bụng do co thắt cơ trơn đường tiêu hóa.
- Co thắt đại tràng do táo bón, hội chứng đại tràng kích thích.
- Co thắt cơ trơn tử cung gây đau bụng kinh, dọa sảy thai, co cứng tử cung.
3. Chống chỉ định của thuốc Drotaspasm
Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Drotaspasm:
- Dị ứng với drotaverin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, suy tim phân suất tống máu thấp không có chỉ định dùng thuốc Drotaspasm.
- Block nhĩ thất độ II, II trên ECG.
- Trẻ em dưới 1 tuổi không dùng thuốc Drotaspasm.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Drotaspasm
- Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa porphyrin cần thận trọng khi dùng thuốc Drotaspasm.
- Bệnh nhân huyết áp thấp cần theo dõi kỹ khi dùng thuốc.
- Thuốc có thể qua được nhau thai và sữa mẹ nên thận trọng cân nhắc lợi ích khi Người lái xe hoặc đang vận hành máy móc cần lưu ý khi dùng thuốc vì thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt.
5. Tương tác của thuốc Drotaspasm
- Phối hợp Drotaspasm với các thuốc điều trị Parkinson có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
- Rượu bia, thuốc lá hoặc thực phẩm có cồn có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc.
6. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Drotaspasm
Cách dùng:
- Drotaspasm được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 40mg. Uống trực tiếp với một lượng nước vừa đủ.
Liều dùng:
- Người lớn: 1-2 lần x 2 -3 lần/ ngày.
- Trẻ trên 6 tuổi: 1 viên/ lần x 2-3 lần/ ngày.
- Trẻ em từ 1 - 6 tuổi: 1⁄2 - 1 viên/ lần x 2 - 3 lần/ngày.
7. Tác dụng phụ của thuốc Drotaspasm
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Drotaspasm:
- Buồn nôn, nôn, táo bón.
- Đau đầu, chóng mặt, mất ngủ.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Hạ huyết áp.
- Phản ứng dị ứng, phù mạch, nổi mày đay, ngứa.
Như vậy, Drotaspasm là thuốc giãn cơ, các tác dụng giảm co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, đường tiết niệu - sinh dục. Thuốc cho hiệu quả sử dụng cao, dễ dùng, tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.