Thuốc Capime 1g được bào chế dưới dạng bột pha tiêm với thành phần chính là Cefepime hydrochloride tương đương Cefepime 1g và tá dược. Vậy thuốc Capime 1g có tác dụng gì và cách sử dụng loại thuốc này như thế nào?
1. Thuốc Capime 1g có tác dụng gì?
Thành phần chính trong thuốc Capime 1g là Cefepime, đây là thuốc kháng sinh bán tổng hợp nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 4. Nó có tác dụng trên các loại vi khuẩn như Enterobacteriaceae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, Neisseria gonorrhoeae, Moraxella catarrhalis, các chủng Staphylococcus (trừ chủng Staphylococcusaureus kháng methicillin).
Thuốc Capime 1g có tác dụng kháng khuẩn do ức chế quá trình tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn.
Sau khi tiêm bắp, Cefepime trong thuốc Capime 1g được hấp thu nhanh và hoàn toàn. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết thanh tùy thuộc vào liều dùng và thường xuất hiện sau khi tiêm 30 phút. Sau đó Cefepime thâm nhập vào phần lớn các mô và các dịch (như là dịch mật, dịch màng bụng, dịch phế quản và nước tiểu).
Trong cơ thể, Cefepime rất ít bị chuyển hóa, chỉ có khoảng 7% liều thuốc. Thời gian bán thải của thuốc là khoảng 2 giờ. Khoảng 80% liều thuốc Capime tiêm được đào thải theo nước tiểu qua lọc cầu thận, độ thanh thải Cefepime của thận bình thường là khoảng 130ml/phút. 85% liều thuốc được đào thải dưới dạng không đổi trong nước tiểu.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Capime 1g
Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn nặng đường tiệu niệu có biến chứng bao gồm cả trường hợp có viêm bể thận kèm theo.
- Viêm phổi nặng bao gồm cả trường hợp có kèm theo nhiễm khuẩn huyết do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây ra.
- Nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc của da do các chủng vi khuẩn Staphylococcusaureus nhạy cảm với methicillin và do các chủng vi khuẩn Streptococcus pyogenes nhạy cảm với Cefepime gây ra.
Capime 1g chống chỉ định trong trường hợp người mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin hoặc L– Arginine.
Thận trọng khi sử dụng thuốc trong các trước trường hợp sau:
- Bệnh nhân có tiền sử phản ứng phản vệ với thuốc Penicillin, vì có khoảng 5 – 10% bệnh nhân dị ứng với kháng sinh nhóm Penicillin sẽ có dị ứng chéo với kháng sinh nhóm Cephalosporin. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng cần phải dùng thuốc kháng sinh nhóm Beta– lactam thì có thể sử dụng nhóm thuốc Cephalosporin nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ và phải có sẵn các phương tiện để điều trị sốc phản vệ.
- Giảm liều Capime 1g ở người bệnh suy thận.
- Cần kiểm tra bằng mắt các dung dịch thuốc Capime 1g trước khi tiêm để xem có tủa không.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Capime 1g cho người lái tàu xe hoặc vận hành máy.
- Chưa xác định được tác dụng và tính an toàn của thuốc Capime 1g ở trẻ dưới 12 tuổi.
- Có thể dùng thuốc Capime 1g cho phụ nữ có thai, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lợi hại cho cả mẹ và thai nhi trước khi chỉ định.
- Một lượng nhỏ Cefepime trong thuốc được tiết vào sữa mẹ. Vì vậy có 3 vấn đề có thể xảy ra cho trẻ bú sữa mẹ đang dùng thuốc:
- Thay đổi hệ vi khuẩn trong ruột.
- Tác động trực tiếp của thuốc Capime lên trẻ.
- Gây trở ngại cho đánh giá kết quả nuôi cấy vi khuẩn cần làm khi trẻ có biểu hiện sốt cao.
- Vì vậy cần theo dõi trẻ bú sữa mẹ đang sử dụng thuốc Capime 1g.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Capime 1g
3.1. Liều dùng
Liều thuốc Capime 1g cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, liều thuốc tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:
Người lớn và trẻ em > 12 tuổi:
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng có biến chứng (bao gồm cả có viêm bể thận kèm theo), nhiễm khuẩn da và cấu trúc của da nặng: Sử dụng liều 2g/lần tiêm tĩnh mạch, ngày 2 lần cách nhau 12 giờ, trong 10 ngày.
- Điều trị viêm phổi nặng, cả trường hợp có nhiễm khuẩn huyết kèm theo: Sử dụng liều 2g/lần, ngày 2 lần cách nhau 12 giờ, trong 7 – 10 ngày.
Bệnh nhân bị suy thận (độ thanh thải creatinin < 60ml/phút): Sử dụng liều ban đầu bằng liều cho người có chức năng thận bình thường. Tính toán liều Capime 1g duy trì tùy theo độ thanh thải creatinin của bệnh nhân:
- Độ thanh thải creatinin từ 30 – 60ml/phút: Sử dụng liều bình thường trong 24 giờ.
- Độ thanh thải creatinin từ 10 – 30ml/phút: Sử dụng liều bằng 50% liều bình thường trong 24 giờ.
- Độ thanh thải creatinin < 10ml/phút: Sử dụng liều bằng 25% liều bình thường trong 24 giờ.
- Với bệnh nhân đang lọc máu: Vì 68% lượng Cefepime trong cơ thể sẽ mất đi sau 3 giờ lọc máu nên sau mỗi lần lọc máu cần sử dụng một liều tương đương với liều ban đầu để bù lại.
- Với bệnh nhân đang thẩm tách phúc mạc ngoại trú: Sử dụng liều thường dùng nên cách 48 giờ một lần.
3.2. Cách dùng thuốc Capime 1g
Thuốc có thể được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 – 5 phút hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp sâu.
- Truyền tĩnh mạch ngắt quãng: Pha 1 lọ thuốc Capime 1g vào 10ml, 50ml hoặc 100ml dịch tiêm truyền tĩnh mạch (có thể sử dụng dung dịch tiêm Sodium chloride 0,9%, Dextrose 5%, Lactate ringer và Dextrose 5%) để có dung dịch với nồng độ thuốc tương ứng là 100mg/ml, 20mg/ml hoặc 10mg/ml. Liều thuốc Capime 1g cần dùng sẽ được tính và cho vào dịch truyền tĩnh mạch. Thực hiện truyền tĩnh mạch ngắt quãng thuốc Capime 1g trong khoảng 30 phút.
- Tiêm bắp: Sử dụng 2,4ml dung môi thích hợp (như là nước cất pha tiêm, dung dịch tiêm Sodium chloride 0,9%, dung dịch Lidocaine hydrochloride 0,5% hay 1%, Dextrose 5%) vào lọ thuốc có chứa 1g Cefepime để tạo thành dung dịch có nồng độ thuốc xấp xỉ 280 mg/ml.
- Các dung dịch thuốc Capime 1g đã pha để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch giữ được độ ổn định trong vòng 18 giờ ở nhiệt độ phòng 20 – 25oC, nếu để trong tủ lạnh 2 – 8oC thì giữ được thuốc ổn định trong 7 ngày.
Quá liều thuốc Capime 1g có thể xử trí bằng cách lọc máu thận nhân tạo hoặc lọc máu qua màng bụng: Biện pháp lọc máu trong 3 giờ sẽ lấy đi được 68% lượng Cefepime trong cơ thể.
4. Tác dụng phụ của thuốc Capime 1g
- Tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm có: Tiêu chảy, phát ban, đau chỗ tiêm...
- Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Capime 1g gồm có: Sốt, nhức đầu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu hạt, viêm tắc tĩnh mạch nếu tiêm tĩnh mạch, buồn nôn, nôn, tăng các enzym gan phục hồi được....
- Tác dụng phụ hiếm gặp của Capime 1g gồm có: Phản ứng phản vệ, chóng mặt, giảm bạch cầu trung tính, hạ huyết áp, giãn mạch, đau bụng, đau khớp...
Trong quá trình sử dụng thuốc Capime 1g, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn cần ngừng thuốc, báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
5. Tương tác của thuốc Capime 1g với các loại thuốc khác
- Tránh sử dụng đồng thời thuốc Capime 1g với Furosemid, vì dễ gây điếc.
- Nếu cần sử dụng đồng thời Capime 1g với các thuốc Aminoglycoside, Metronidazole, Ampicillin (ở nồng độ cao hơn 40mg/ml), Vancomycin hoặc Aminophylline thì phải truyền riêng rẽ các loại thuốc trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.