Thuốc Ampisid có tác dụng gì, có tiêu diệt được các chủng vi khuẩn không? Thực tế, Ampisid là thuốc kháng sinh, được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới, nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục hay đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết,...
1. Thuốc Ampisid có tác dụng gì?
Ampisid thuộc nhóm thuốc điều trị các bệnh do ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, virus và nấm, có thành phần chính là Sultamicillin (dưới dạng Sultamicillin tosilat dihydrat) hàm lượng 750mg. Sultamicillin có tác dụng tiêu diệt những chủng vi khuẩn nhạy cảm với Sultamicillin bằng cách ức chế sự sinh tổng hợp mucopeptid của vách tế bào. Sultamicillin có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
Thuốc Ampisid được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:
- Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới (viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi).
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục (viêm đài bể thận, bệnh lậu).
- Điều trị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não.
- Điều trị nhiễm khuẩn xương khớp, da và các cấu trúc mô mềm dưới da.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ampisid
Thuốc Ampisid được dùng theo đường uống, uống nguyên viên thuốc với nước, không được bẻ hoặc nhai thuốc để uống.
Liều dùng thuốc Ampisid cụ thể như sau:
- Trẻ em có cân nặng trên 30kg và người lớn: 1 viên/ lần, uống 2 lần/ ngày.
- Trẻ em có cân nặng dưới 30kg: 25 - 50mg/ kg cân nặng/ ngày, chia tổng liều để uống 2 lần/ ngày. Thời gian điều trị từ 5 - 14 ngày.
- Điều trị nhiễm lậu cầu không biến chứng: 750mg/ ngày (tương ứng với 3 viên), dùng một liều duy nhất.
Quá liều Ampisid do dùng thuốc liều cao hoặc trong thời gian dài có thể gây nhiễm khuẩn thứ phát như nhiễm tụ cầu vàng kháng penicillin, nấm Candida albicans hoặc trực khuẩn gram âm.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ampisid
Thuốc Ampisid có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với các cơ quan như sau:
- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau và co thắt vùng thượng vị, đau bụng, tiêu chảy, đại tiện phân lỏng.
- Hệ máu: Giảm tiểu cầu, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa eosin, tăng aminotransferase và hoặc bilirubin trong huyết thanh.
- Hệ tiết niệu: Ampisid có thể gây tác dụng phụ là viêm thận kẽ.
- Hệ thần kinh trung ương: Mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ, khó thở.
- Phản ứng phản vệ trên da: Nổi mày đay, phát ban từng rát, nổi sần, ngứa, viêm da tróc vảy, dị ứng.
Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Ampisid, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Ampisid
- Không dùng Ampisid ở người bị dị ứng với thành phần của thuốc hoặc có tiền sử dị ứng với penicillin. Nếu có phản ứng phản vệ do dị ứng với penicillin, người bệnh cần được dùng adrenalin ngay lập tức và tiêm tĩnh mạch corticoid. Đảm bảo đường thở và điều kiện đặt ống nội khí quản trong trường hợp cần thiết.
- Nếu có biểu hiện kháng thuốc Ampisid do bội nhiễm, cần ngưng dùng thuốc và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
- Người bệnh bị tiêu chảy sau khi dùng Ampisid cần cân nhắc chứng viêm ruột màng giả do Clostridium difficile.
- Nếu dùng thuốc Ampisid trong thời gian dài, người bệnh cần kiểm tra chức năng gan, thận và tạo máu định kỳ, nhất là khi có biểu hiện phát ban da lan tỏa. Sau khi nhiễm virus không được dùng thuốc.
- Phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng thuốc Ampisid trong trường hợp thật sự cần thiết. Tuy nhiên, phụ nữ đang nuôi con cho bú có thể được dùng thuốc.
- Bệnh nhân suy thận tiến triển có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/ phút cần được điều chỉnh liều dùng thuốc Ampisid. Người cao tuổi mặc dù chức năng thận có thể bị suy giảm và làm tăng thời gian bán thải của thuốc, tuy nhiên không cần điều chỉnh liều dùng.
- Dùng Ampisid cùng với ampicillin và sulbactam có thể làm tăng nồng độ và kéo dài thời gian tác dụng của thuốc; với allopurinol ở người bệnh tăng axit uric máu có thể làm tăng tỷ lệ phát ban trên da.
Công dụng của thuốc Ampisid là tiêu diệt các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiết niệu - sinh dục và ở cả trong máu, màng não, xương khớp, trên da hay các tổ chức dưới da.