Thuốc Acedanyl có thành phần chính là Acetyl leucin hàm lượng 500 mg, thuộc nhóm thuốc hướng thần kinh. Thuốc Acedanyl được sử dụng phổ biến trong điều trị chóng mặt và hỗ trợ điều trị buồn nôn, nôn. Tìm hiểu các thông tin khái quát như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Acedanyl sẽ giúp cho bệnh nhân và người nhà nâng cao hiệu quả điều trị.
1. Acedanyl là thuốc gì?
Thuốc Acedanyl được bào chế dưới viên nén, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất : Acetyl leucin (Acetyl-DL-leucine) hàm lượng 500 mg.
- Tá dược : Vừa đủ 1 viên nén 500 mg.
Acetyl-DL-leucine tác dụng trực tiếp trên tế bào tiền đình ốc tai của hệ thần kinh trung ương ở mức trung bình, thông qua tác động lên các Nơron thần kinh trong điều kiện bất thường như khử cực hay tăng phân cực, từ đó giúp phục hồi các tế bào thần kinh tiền đình ốc tai trung ương trở về trạng thái điện cực nghỉ bình thường của nó.
2. Thuốc Acedanyl có tác dụng gì?
Thuốc Acedanyl được chỉ định điều trị trong các trường hợp chóng mặt và hỗ trợ điều trị buồn nôn, nôn trong gặp trong ngộ độc thuốc, ngộ độc thực phẩm, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa hay phù tạng, hoặc trong bất kỳ bệnh cảnh nào...
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Acedanyl không được phép kê đơn:
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Acedanyl.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Acetyl-DL-leucine.
- Phụ nữ có thai hay phụ nữ đang cho con bú.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Acedanyl
Liều dùng
Người lớn
- Liều khuyến cáo : Uống 2 viên (1000 mg)/lần x 2 lần/ngày uống vào bữa ăn sáng và tối.
- Tăng liều : Uống 3 – 4 viên (1500 – 2000 mg)/lần x 2 lần/ngày.
- Thời gian điều trị: Từ 10 đến 5 hoặc 6 tuần tùy vào đáp ứng của bệnh nhân.
Trẻ em
- Không khuyến cáo sử dụng
4. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Acedanyl
Sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Acetyl leucin thường ít xảy ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc Acedanyl với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như sau:
- Hiếm gặp: Rối loạn tiêu hóa nhẹ như chán ăn, khó tiêu. Dị ứng quá mẫn như phát ban, đỏ da, nổi mày đay, mẩn ngứa, nặng nhất có thể dẫn đến sốc phản vệ. Rối loạn thần kinh nhẹ như hoa mắt, đau đầu, buồn ngủ và giảm thị lực.
Nên ngừng thuốc khi phát hiện các tác dụng phụ trên hoặc các triệu chứng bất thường khác sau khi uống thuốc Acedanyl, đồng thời nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc Acedanyl hay đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý sử dụng thuốc Acedanyl ở các đối tượng
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Acedanyl ở trẻ em, vì những nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế.
- Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu về tác dụng có hại của Acetyl-DL-leucine có trong thuốc Acedanyl trên phụ nữ mang thai còn khá hạn chế. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc Acedanyl trên đối tượng này khi thật sự cần thiết.
- Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có nghiên cứu tin cậy về việc hoạt chất Acetyl-DL-leucine có thể đi qua sữa mẹ hay không. Vì thế, tránh sử dụng thuốc Acedanyl ở phụ nữ đang cho con bú.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường ít gặp phải những tác dụng phụ như hoa mắt, đau đầu, buồn ngủ và giảm thị lực... sau khi sử dụng thuốc Acedanyl.
6. Tương tác thuốc Acedanyl
Chưa có các nghiên cứu về tương tác thuốc giữa Acedanyl và các thuốc khác. Tuy nhiên, bệnh nhân và người nhà cần cung cấp thông tin về các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang sử dụng để được bác sĩ điều trị tư vấn cụ thể về những tương tác có hại có thể gặp phải.
Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Acedanyl. Bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Acedanyl, đồng thời tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.