Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Phụ nữ có thai là đối tượng đặc biệt cần phải thận trong khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Trong thực tế, các bà mẹ thường băn khoăn, lo lắng khi phải dùng thuốc trong thai kỳ mà thường gặp là để điều trị các triệu chứng cảm lạnh, nghẹt hoặc sổ mũi. Không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc điều trị và không phải thuốc nào cũng có thể dùng cho phụ nữ có thai, những lời khuyên sau có thể giúp “mẹ bầu” khỏe và an tâm hơn trong thai kỳ.
1. Viêm mũi ở phụ nữ mang thai?
Phụ nữ có thai hay người lớn nói chung đều dễ mắc phải các triệu chứng hắt hơi, chảy mũi hoặc nghẹt mũi. Các triệu chứng này thường do cảm lạnh hoặc viêm mũi gây ra.
- Cảm lạnh: biểu hiện bao gồm ho, chảy mũi, hắt hơi, đau họng ...hiếm khi gặp sốt. Nguyên nhân thường do virus gây ra và tự khỏi sau 3 đến 7 ngày; đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài đến 2 tuần sau khi hồi phục. Người bệnh chỉ cần dùng các thuốc giảm triệu chứng thông thường tuy nhiên cũng cần phải thận trọng và lưu ý các triệu chứng tăng nặng của bệnh như sốt cao, kéo dài, biếng ăn hoặc khó thở... Khi gặp những biểu hiện như vậy, bệnh có thể đã diễn tiến nặng hơn sang viêm phế quản, viêm phổi ... cần phải được khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
- Viêm mũi dị ứng: là tình trạng viêm mũi gây ra bởi các tác nhân dị ứng như khói bụi trong không khí, phấn hoa, cỏ, bụi nhà hoặc lông thú vật, các loại nấm mốc trong môi trường. Triệu chứng bệnh bao gồm ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi, chảy nước mắt đôi khi đau ngứa họng, hai tai ... Để tránh khởi phát triệu chứng cần phải tránh tiếp xúc với các tác nhân gậy dị ứng.
- Viêm mũi thai kỳ: Là một dạng viêm mũi xuất hiện trong thai kỳ, thường trong khoảng 6 tuần cuối (hoặc trước đó) và dứt hẳn trong vòng 2 tuần sau khi sinh. Viêm mũi thai kỳ được xem là một dạng viêm mũi riêng, không do nguyên nhân dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc cảm lạnh. Có khoảng 20% phụ nữ có thai gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, có thể do sự mất cân bằng của các nội tiết tố (như estrogen) trong quá trình mang thai.
Dù do nguyên nhân nào các triệu chứng viêm mũi (ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi ...) đều gây sự khó chịu bất tiện cho người bệnh đặc biệt là phụ nữ có thai. Các triệu chứng dai dẳng, tái lại, đặc biệt là về đêm, còn khiến chất lượng giấc ngủ bị giảm sút, gây căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
2. Thuốc nhỏ mũi, xịt mũi nào dùng được cho phụ nữ có thai?
Tất cả các thuốc dùng cho “mẹ bầu” luôn phải được lựa chọn kỹ càng dựa trên sự cần thiết phải dùng thuốc và sự an toàn cho cả mẹ và bé. Trong mọi trường hợp, mẹ bầu nên đến được thăm khám phù hợp hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc. Một số trường hợp thông thường, không nghiêm trọng, các thuốc sau đây, thường có sẵn không cần kê đơn tại các nhà thuốc, có thể được sử dụng cho phụ nữ có thai.
- Xịt rửa mũi thông thường: Một số sản phẩm xịt mũi chứa nước muối đẳng trương (Sterima, Neilmed Nasamist, Humer, ...) là các lựa chọn an toàn giúp xịt rửa, vệ sinh mũi, giảm kích ứng, chảy mũi hoặc nghẹt mũi. Các thành phần này an toàn, không hấp thu vào cơ thể và có thể được sử dụng dài ngày để dự phòng và giảm triệu chứng của viêm mũi.
Thuốc xịt mũi chứa Corticosteroids (như mometasone, budesonide, beclomethasone ...): Có hiệu quả cao đặc biệt đối với viêm mũi dị ứng, giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi và chảy dịch mũi sau (gây ho, ngứa họng). Thuốc nên được sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và giới hạn thời gian dùng.
- Thuốc xịt giúp thông mũi (chứa oxymetazolin, xylometazolin): Thuốc xịt thông mũi có thể giúp làm giảm tạm thời tình trạng ngạt mũi nặng. Tuy nhiên, thuốc chỉ nên dùng trong thời gian ngắn ví dụ như 3 ngày hoặc ít hơn và chỉ nên dùng khi các lựa chọn khác không đáp ứng hoặc hiệu quả không đầy đủ. Khi sử dụng lâu dài, người bệnh có nguy cơ phụ thuộc thuốc, không có lợi.
- Ngoài ra, các thuốc kháng histamin đường uống: giúp giảm kích ứng, chảy mũi ... cũng được lựa chọn khi các dạng xịt mũi, nhỏ mũi không đạt hiệu quả mong muốn. Các thuốc như clorpheniramin (thế hệ 1, tác dụng phụ gây buồn ngủ) hoặc loratadine, cetirizine (thế hệ 2, ít gây buồn ngủ hơn) có thể được lựa chọn sử dụng.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi cho phụ nữ có thai
Phụ nữ mang thai khi dùng thuốc cần cẩn trọng. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi dành cho mẹ bầu:
- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc. Việc này giúp đảm bảo an toàn cho mẹ và bé cũng như giảm thiểu sử dụng các thuốc không cần thiết trong thai kỳ.
- Đến khám tại các cơ sơ y tế nếu các triệu chứng diễn ra dai dẳng, không khỏi ngay cả khi đã dùng các thuốc thông thường hoặc khi xuất hiện các triệu chứng khác lạ như sốt, khó thở, nổi mẩn đỏ... xuất hiện.
- Tránh tự ý mua và dùng các loại thuốc kê đơn, thuốc không rõ tính an toàn, không rõ tác dụng, hoặc mua theo lời khuyên của người khác. Cần thận trọng đặc biệt với các thuốc đường uống hoặc các loại thuốc được giới thiệu, quảng cáo mang lại tác dụng mạnh, tức thời,
Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mãn tính, viêm amidan, viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.
Để đăng ký khám và điều trị bệnh lý Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
UptoDate, Recognition and management of allergic disease during pregnancy, 2020,
W. Steven Pray, Gabriel E. Pray, Self-Care of Rhinitis During Pregnancy, 2014,
XEM THÊM