Sốt rét là bệnh lý do ký sinh trùng gây ra, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
1. Bệnh sốt rét là gì?
- Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra sau khi bị muỗi Anophen đốt từ 10 -15 ngày. Ký sinh trùng gây bệnh sốt rét có thể lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu, dùng chung bơm kim tiêm có dính máu của người nhiễm.
- Triệu chứng khi bị sốt rét có thể biểu hiện như sốt nhiễm khuẩn thông thường, nhưng cũng có khi biểu hiện nặng nề trong sốt rét ác tính. Thông thường, bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn: Rét run – sốt – vã mồ hôi, sốt đi kèm đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, tăng nhịp tim, thở nhanh, ho, đau nhức cơ xương khớp, đau bụng, tiêu chảy,... Trường hợp sốt ác tính sẽ sốt liên tục, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, rét, nổi da gà, co giật, rối loạn ý thức,... người bệnh có thể bị phình to lách, gan to, người xanh xao, suy nhược, suy thận và thiếu máu nặng.
- Tùy từng chủng Plasmodium người bệnh mắc phải sẽ có thời gian ủ bệnh, các triệu chứng bệnh nặng nhẹ hay tính chất cơn sốt khác nhau.
2. Nguyên nhân và quá trình gây bệnh sốt rét
- Nguyên nhân gây bệnh sốt rét là do ký sinh trùng họ Plasmodium. Có 5 chủng ký sinh trùng gây bệnh ở người bao gồm: P.vivax, P.falciparum (2 chủng nguy hiểm), P.malariae, P.ovale (ít nguy hiểm hơn) và P. knowlesi (gây bệnh chủ yếu trên khỉ, nhưng cũng có thể gây sốt rét nặng ở người). Tại Việt Nam đã phát hiện 3 chủng gây bệnh là: P. falciparum, P.vivax và P.malariae.
- Ký sinh trùng gây bệnh ở người thông qua vật chủ trung gian là muỗi Anophen. Muỗi Anophen phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa. Khi muỗi hút máu người bệnh sốt rét thì hút theo giao bào của ký sinh trùng sốt rét, giao bào đực và cái kết hợp tạo thành noãn trong cơ thể muỗi rồi phát triển thành ký sinh trùng non di chuyển lên tuyến nước bọt của muỗi chờ cơ hội xâm nhập vào người khác.
- Sau khi vào cơ thể người, Plasmodium sẽ vào máu và đến gan, phát triển trong tế bào gan, giải phóng ký sinh trùng non vào máu. Ký sinh trùng non gồm 2 thể vô tính và thể hữu tính: thể vô tính xâm nhập, phát triển và phá vỡ hồng cầu; thể hữu tính tạo thành giao bào, không vào hồng cầu mà chờ muỗi hút máu để quay lại vòng đời mới.
- Ở các chủng P.vivax và P.ovale, ký sinh trùng không vào máu mà “ngủ” tại gan đợi cơ hội để phát triển, vì vậy gây ra các triệu chứng sốt tái phát sau nhiều tháng thậm chí là sau nhiều năm.
3. Điều trị bệnh sốt rét
Sốt rét là một bệnh lý nguy hiểm, cần điều trị triệt để theo đúng phác đồ để phòng ngừa tái phát và tránh lây lan.
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị sớm ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, tốt nhất trong 12 giờ đối với trẻ em và 24 giờ đối với người lớn.
- Điều trị đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian của phác đồ.
- Điều trị triệt để cả “thể ngủ” trong gan đối với các chủng Plasmodium vivax, Plasmodium ovale để tránh lây lan và phòng tái phát.
- Theo dõi chặt chẽ kết quả điều trị để có biện pháp xử trí, thay đổi phác đồ kịp thời và thích hợp.
3.2. Điều trị sốt rét thông thường
Điều trị cắt cơn sốt rét:
- Nhiễm chủng Plasmodium vivax: Chloroquine 25mg/ kg cân nặng chia thành 3 ngày uống. 2 ngày đầu uống 10 mg/ kg cân nặng/ ngày, ngày thứ 3 uống 5 mg/ kg cân nặng HOẶC Artesunat 16 mg/ kg cân nặng chia thành 7 ngày uống. Ngày đầu tiên, uống 4 mg/ kg cân nặng, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, uống mỗi ngày 2 mg/ kg cân nặng (không dùng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu trừ trường hợp sốt rét ác tính). Ngoài ra, người bệnh cũng có thể uống Quinin sulfat 10mg/ kg/ lần x 3 lần/ ngày, uống trong 7 ngày.
- Nhiễm chủng Plasmodium falciparum: Sử dụng các loại thuốc phối hợp có dẫn xuất Artemisinin (không dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu).
Điều trị chống tái phát và lây lan ký sinh trùng sốt rét:
- Primaquine viên 13,2mg chứa 7,5mg bazơ.
- Liều dùng: 0,5mg bazơ/ kg cân nặng/ ngày.
3.3. Điều trị sốt rét ác tính
- Artesunat: Tiêm tĩnh mạch với liều 2,4 mg/ kg cân nặng trong giờ đầu tiên; Tiêm nhắc lại với liều 1,2 mg/ kg cân nặng sau 24 giờ. Sau đó dùng liều 1,2 mg/ kg cân nặng/ ngày cho đến khi bệnh nhân có thể dùng thuốc uống.
- Dùng thuốc Artesunat đủ liều trong 7 ngày.
4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị sốt rét
Thuốc Chloroquin:
- Một số biệt dược hay sử dụng như Nivaquin, Delagyl, Resorchin, Aralen,... được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 250mg chứa 150mg base thường gây ra các phản ứng như:
- Ngứa, kích ứng đường tiêu hóa gây buồn nôn, nôn. Nên dùng kèm với các loại thuốc có chứa magnesi, nhôm hoặc calci để giảm các triệu chứng kích ứng.
- Dùng dài ngày gây rối loạn thị giác, bạc tóc và bạc lông.
- Ở trẻ em khi dùng liều cao dễ gây dị ứng, hạ huyết áp, suy hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy Chloroquine chống chỉ định ở bệnh nhân có bệnh lý võng mạc, thận trọng khi dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Để đề phòng các tương tác thuốc và các phản ứng không mong muốn nên sử dụng chloroquine cách xa các loại thuốc khác khoảng 2 giờ.
Thuốc Dihydroartemisinin-piperaquine:
- Đây là loại thuốc phối hợp 2 thành phần dihydroartemisinin 40mg và piperaquine phosphate 320mg, các biệt dược hay dùng gồm artekin, arterakine, CV Artecan,...
- Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra là gây phản ứng dị ứng, ngứa, kích ứng đường tiêu hóa,... Nặng nề hơn có thể gây mệt mỏi, suy nhược, tăng huyết áp,...
- Thuốc không được sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Thuốc Artesunat:
- Thuốc tương đối lành tính, ít gây các tác dụng phụ nghiêm trọng, một số phản ứng nhẹ thoáng qua như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Trên hệ thần kinh có thể gây nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
- Trừ trường hợp sốt rét ác tính, không sử dụng Artesunat cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
Thuốc Quinin:
- Được bào chế dưới dạng viên hàm lượng 250mg hoặc 500mg; dạng ống tiêm quinin chlohydrat 500mg, quinin diclohydrat 500mg.
- Sau khi dùng thuốc có thể gây phản ứng thường gặp là “hội chứng quinin” bao gồm triệu chứng chóng mặt, ù tai, nhức đầu, buồn nôn.
- Thành phần thuốc dễ gây các phản ứng dị ứng, ngứa, phát ban, nổi mày đay. Dùng dài ngày có thể gây nôn, kích thích thần kinh, lo sợ, mê sảng, ngất, giảm thân nhiệt, hạ huyết áp, giảm thính lực, giảm thị lực,...
- Tiêm bắp kéo dài tại cùng một vị trí gây đau và có thể hoại tử.
- Quinin chống chỉ định ở bệnh nhân suy chức năng gan, suy chức năng thận, bệnh nhân có các bệnh lý về mắt, tai, tim mạch, bệnh nhân nhược cơ, phụ nữ đang mang thai các tháng cuối thai kỳ.
Thuốc primaquin:
- Được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 13,2mg trong đó chứa 7,5mg primaquin base.
- Sau khi dùng thuốc thường gặp các phản ứng như rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, buồn nôn, có cứng cơ bụng mức độ nhẹ đến vừa.
- Nặng nề hơn, bệnh nhân có thể bị thiếu máu nhẹ, thiếu máu tán huyết, tăng bạch cầu, tăng methemoglobin máu, tăng huyết áp, loạn nhịp tim,...
5. Phòng ngừa bệnh sốt rét
Bệnh sốt rét có thể phòng ngừa bằng các biện pháp dưới đây:
- Luôn ngủ trong mùng để phòng ngừa muỗi đốt, đặc biệt là khi ngủ ở nơi có nhiều cây cối, bụi rậm hay trong rừng.
- Phun thuốc diệt muỗi định kỳ, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi, dùng hương đuổi muỗi ở những khu vực có lưu hành muỗi Anophen.
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, khơi thông dòng nước chảy quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước.
- Uống thuốc dự phòng ngắn ngày nếu ở trong khu vực đang lưu hành dịch sốt rét.
Tóm lại, sốt rét là một bệnh lý có thể điều trị nhưng đòi hỏi phác đồ và yêu cầu sử dụng thuốc nghiêm ngặt. Các thuốc điều trị sốt rét gây nhiều phản ứng không mong muốn cho cơ thể, do đó không được tự ý điều trị tại nhà và lạm dụng các loại thuốc khi chưa có chẩn đoán chính xác bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.