Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích

Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhằm hạn chế sự tăng trưởng của khối u. Thuốc thường được áp dụng với những bệnh nhân ung thư giai tiến triển và di căn xa, khi các phương pháp điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị không thể giải quyết được.

1.Liệu pháp nhắm trúng đích là gì?

Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư là phương pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể có liên quan đến sự phát triển, tiến triển và lây lan của ung thư.

Mỗi loại ung thư sẽ có những thuốc điều trị đích khác nhau. Khác với hóa trị hoặc xạ trị, thuốc điều trị đích khi vào cơ thể chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Do đó, khối u bị ngăn chặn sự phát triển, ngừng lan rộng, thậm chí tiêu biến.

Liệu pháp nhắm trúng đích khác với phương pháp hóa trị thông thường ở một số vấn đề sau:

  • Mục tiêu của các thuốc điều trị đích là những tế bào cụ thể liên quan đến ung thư, trong khi hầu hết các liệu pháp hóa trị liệu tiêu chuẩn tác động lên tất cả các tế bào ung thư và tế bào bình thường có tốc độ phân chia nhanh chóng;

  • Liệu pháp nhắm trúng đích hoạt động bằng cách tương tác với các mục tiêu cụ thể, trong khi hóa trị tiêu chuẩn được xác định là phải giết chết tế bào;
  • Các thuốc điều trị đích đa số sẽ ngăn chặn sự tăng sinh của tế bào ác tính, còn các chất hóa học thông thường là những chất gây độc tế bào.

Các liệu pháp nhắm trúng đích hiện đang là trọng tâm trong phát triển các thuốc điều trị ung thư. Liệu pháp này được xem là nền tảng của y học chính xác bằng cách sử dụng thông tin di truyền của gen và protein người để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh.

XEM THÊM: Liệu pháp nhắm trúng đích có thể điều trị loại ung thư nào?


Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư

2.Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích

Các nhà khoa học kỳ vọng điều trị ung thư bằng liệu pháp nhắm trúng đích sẽ có ưu điểm ít độc hại hơn hóa trị liệu truyền thống, vì mục tiêu của thuốc điều trị đích tập trung vào tế bào ung thư hơn là tế bào bình thường. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của thuốc điều trị đích vẫn rất đáng kể.

2.1. Các vấn đề liên quan đến da

Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích trên da bao gồm phát ban hoặc thay đổi khác trên da. Những tác dụng không mong muốn này thường phát triển chậm trong vài ngày đến vài tuần sau khi bắt đầu điều trị. Cần phân biệt những dấu hiệu này với tình trạng dị ứng thuốc.

Phản ứng dị ứng thuốc điều trị đích thường khởi phát đột ngột (trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi dùng thuốc). Các dấu hiệu dị ứng bao gồm phát ban (các vết hằn trên da tồn tại một ngày hoặc lâu hơn) và cảm giác ngứa dữ dội. Một số triệu chứng của tình trạng dị ứng nặng như khó thở, chóng mặt, đau cổ họng, đau ngực hoặc sưng môi, lưỡi.


Phát ban là dấu hiệu dị ứng thuốc điều trị đích
Phát ban là dấu hiệu dị ứng thuốc điều trị đích

  • Phát ban: Đây là tác dụng phụ của thuốc điều trị đích trên da hay gặp nhất. Nguy cơ phát ban và mức độ nặng phụ thuộc loại và liều lượng thuốc điều trị đích. Đa số trường hợp, dấu hiệu phát ban là nhẹ, biểu hiện tương tự mụn trứng cá trên vùng da đầu, mặt, cổ, ngực và lưng. Nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể;
  • Phát ban thường khởi phát bằng dấu hiệu đỏ da và sưng tấy. Những tuần đầu điều trị ung thư bằng liệu pháp nhắm trúng đích là giai đoạn thường tồi tệ nhất. Khoảng một tháng sau, da bắt đầu đóng vảy, rất khô và đỏ. Vài tuần sau đó, xuất hiện các nốt đỏ hình tròn, phẳng hoặc nổi lên bề mặt da và có mủ ở trung tâm. Ở một số bệnh nhân tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Phát ban có thể kèm ngứa, bỏng hoặc châm chích và có thể đau nhức. Mức độ phát ban có thể giảm hoặc duy trì trong thời gian điều trị còn lại và sẽ khỏi hoàn toàn khi ngưng điều trị khoảng một tháng;
  • Da khô: Dấu hiệu này rất phổ biến với nhiều loại thuốc điều trị đích. Da khô có thể khởi phát trong vài tuần đầu, nhưng hầu hết bệnh nhân dùng liệu pháp nhắm trúng đích đều bị khô da sau 6 tháng điều trị. Da sẽ rất khô, giòn, ngứa, đóng vảy và thậm chí nứt ra, thường gặp ở bàn tay và bàn chân;
  • Ngứa: Dấu hiệu phát ban, khô da có thể kèm cảm giác ngứa ngáy khó chịu;

2.2. Đỏ, đau nhức xung quanh móng tay, móng chân

Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích có thể gặp là sưng tấy, đỏ và đau nhức xung quanh móng tay và móng chân. Tình trạng này hay xảy ra với ngón chân và ngón tay cái. Những tổn thương này có thể bị bội nhiễm. Đặc biệt, móng tay, móng chân có thể bị giòn và mọc chậm hơn.

2.3. Hội chứng bàn tay-chân (HFS)


Hội chứng bàn tay-chân (HFS) ở bệnh nhân điều trị ung thư
Hội chứng bàn tay-chân (HFS) ở bệnh nhân điều trị ung thư

Hội chứng bàn tay-chân (HFS) có mối liên quan đến nhiều thuốc điều trị ung thư, bao gồm cả liệu pháp nhắm trúng đích. Nguyên nhân hội chứng HFS vẫn chưa rõ ràng. Tình trạng này có thể do tổn thương các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân hoặc do thuốc rò rỉ ra khỏi mạch máu và gây ra tổn thương.

Đau, ngứa hoặc tê ở bàn tay, bàn chân là những triệu chứng sớm nhất của HFS. Sau đó, lòng bàn tay, bàn chân trở nên sưng đỏ tương tự dấu hiệu cháy nắng và đôi khi bị phồng rộp. Vùng da bị ảnh hưởng trở nên khô, bong tróc và nứt nẻ.

HFS gây đau đớn, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và thực hiện các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Nếu các dấu hiệu HFS quá nghiêm trọng có thể cần phải dùng thuốc giảm đau. Cần báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện dấu hiệu của hội chứng này vì điều trị sớm giúp ngăn chặn nó diễn tiến nặng hơn.

2.4. Thay đổi sự phát triển tóc

Một số loại thuốc điều trị đích có thể khiến tóc bệnh nhân mỏng hơn, khô và dễ gãy hoặc thậm chí xoăn. Sử dụng thuốc điều trị ung thư kéo dài có thể dẫn đến hói hoặc rụng tóc hoàn toàn.

Bên cạnh đó, lông mặt ở cả 2 giới có thể phát triển, mọc nhanh hơn bình thường. Những thay đổi này thường không xảy ra ngay lập tức, nhưng khi điều trị lâu dài những thay đổi trên sẽ dễ xảy ra hơn.

2.5. Thay đổi màu tóc hoặc màu da

Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích có thể làm da hoặc tóc chuyển sang màu vàng. Một số bệnh nhân khác, tóc và da trở nên sẫm màu hơn. Điều này có xu hướng biến mất sau khi điều trị kết thúc.


Khi dùng thuốc điều trị đích có thể làm da chuyển sang màu vàng
Khi dùng thuốc điều trị đích có thể làm da chuyển sang màu vàng

2.6. Thay đổi mắt và vùng xung quanh mắt

Mắt của bệnh nhân có thể bị bỏng, khô hoặc đỏ. Ở một số người, mí mắt bị đỏ, mềm và sưng lên, lông mi có thể bị khô. Khi mí mắt biến dạng hoặc khô kéo dài có thể làm tổn thương giác mạc. Trao đổi với bác sĩ để ghi nhận những thay đổi trên và phòng tránh bị thương, đau hoặc nhiễm trùng.

2.7. Huyết áp cao

Một số loại thuốc điều trị đích, đặc biệt là thuốc ức chế hình thành mạch máu, có thể làm tăng huyết áp bệnh nhân. Bệnh nhân có thể không có biện pháp nào ngăn chặn tác dụng phụ này nhưng bác sĩ sẽ cần theo dõi huyết áp bệnh nhân chặt chẽ hơn. Một số bệnh nhân cần sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp ở mức an toàn trong quá trình điều trị ung thư.

2.8. Rối loạn đông máu

Một số thuốc điều trị đích can thiệp vào sự phát triển của mạch máu mới và dẫn đến bệnh nhân dễ bị bầm tím và chảy máu, tác dụng phụ này hiếm gặp. Quan trọng là phát hiện những dấu hiệu này vì thật sự không có biện pháp ngăn chặn chúng.

Chảy máu (bao gồm chảy máu dạ dày ruột) có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, báo ngay cho bác sĩ nếu bạn đi ngoài ra máu, phân sẫm màu hoặc đen hoặc có máu đỏ tươi trong phân.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích có thể bao gồm cả cục huyết khối ở phổi và mạch máu chi dưới, cũng như gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhận biết các dấu hiệu như đột ngột sưng, đau ở cánh tay hoặc chân, đau ngực, khó thở đột ngột, thay đổi thị lực, yếu cơ, co giật hoặc khó nói... và tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.


Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích có thể gây ra nhồi máu cơ tim
Tác dụng phụ của thuốc điều trị đích có thể gây ra nhồi máu cơ tim

2.9. Vết thương chậm lành

Thuốc điều trị đích ngăn chặn phát triển của mạch máu mới và vô tình cản trở quá trình chữa lành vết thương. Vì một số loại thuốc có tác dụng phụ này nên chúng cần được dừng sử dụng trước khi thực hiện bất kỳ cuộc phẫu thuật, bao gồm cả tiểu phẫu nha khoa.

2.10. Tổn thương tim

Liệu pháp nhắm trúng đích có thể gây hại cho tim, đặc biệt khi điều trị kèm với hóa trị. Bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng tim mạch trước khi bắt đầu điều trị ung thư. Các triệu chứng tác dụng phụ này bao gồm đau ngực, ho nhiều hơn, khó thở (đặc biệt là vào ban đêm), tăng cân nhanh, chóng mặt, ngất xỉu hoặc sưng chân.

2.11. Các tác dụng phụ của thuốc điều trị đích khác

Một số tác dụng phụ của thuốc điều trị đích tương tự các loại thuốc hóa trị tiêu chuẩn, và bao gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Lở miệng;
  • Khó thở;
  • Ho;
  • Mệt mỏi thường xuyên;
  • Đau đầu.

Lở miệng
Lở miệng

3.Tác dụng phụ kéo dài bao lâu?

Không phải bất kỳ bệnh nhân nào sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích đều gặp tác dụng phụ. Mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ địa người bệnh. Hầu hết các tác dụng phụ cả thuốc điều trị đích sẽ biến mất theo thời gian sau khi điều trị kết thúc và khi các tế bào khỏe mạnh phục hồi. Thời gian phục hồi ở mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và các loại thuốc được chỉ định sử dụng. Bởi vì các loại thuốc điều trị đích vẫn còn khá mới nên thật khó để đưa ra con số chính xác về việc các tác dụng phụ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ của thuốc điều trị đích sẽ kéo dài suốt đời khi chúng gây tổn thương lâu dài cho tim, phổi, thận hoặc cơ quan sinh sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.gov, cancer.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe