Chất dẫn truyền thần kinh giúp cho các tế bào có thể liên kết được với nhau. Nếu chất này suy giảm, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình trao đổi của các tế bào và khiến cho nhiều bộ phận không thể hoạt động được bình thường nên phải sử dụng các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh. Vậy khi nào thì cần chỉ định dùng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi?
1. Chất dẫn truyền thần kinh là gì?
Dẫn truyền thần kinh là chất giúp cho các thông tin được kết nối, lan truyền giữa các tế bào thần kinh, nó di chuyển rất nhanh từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác. Các chất này liên quan mật thiết với:
- Mọi quá trình vận động của cơ bắp
- Mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ
- Mọi thứ đi vào cơ sở của tri giác và trí nhớ.
2. Cơ chế hoạt động của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh
Tăng dẫn truyền thần kinh là việc thông qua liên kết tĩnh điện với các vị trí hoạt hóa enzym cholinesterase. Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi có hiệu lực trực tiếp lên các cấu trúc hệ thần kinh cholinergic và tác động lên cả hệ thần kinh trung ương qua đường phản xạ.
3. Các chỉ định của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi
- Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi được chỉ định trong các bệnh lý về thần kinh như:
- Người bị mắc các bệnh liên quan đến não: rối loạn ngôn ngữ, di chứng liệt, chấn thương sọ não, mất trí nhớ sau khi bị đột quỵ, liệt não ở trẻ mới sinh, liệt não do viêm não
- Những người cần phải điều trị để tăng cường trí nhớ, hồi phục trí nhớ, điều trị và hỗ trợ phòng ngừa bệnh Alzheimer
- Người bị mắc các bệnh liên quan đến tủy sống: bại liệt do các các bệnh tủy sống
- Người bị mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh ngoại vi: viêm đa dây thần kinh, tổn thương dây thần kinh mặt, tổn thương thần kinh do các nguyên nhân khác nhau.
- Người bị mắc các bệnh thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh: nhược cơ, loạn dưỡng cơ tiến triển, teo cơ thần kinh, tăng trương lực cơ loạn dưỡng, xơ cứng cơ rải rác, teo cơ tủy sống, tăng trương lực cơ bẩm sinh.
- Người có các tình trạng mệt mỏi mãn tính, thường gặp các triệu chứng đau sợi cơ.
- Có thể sử dụng để điều trị chứng liệt ruột sau khi phẫu thuật, bị biến chứng bàng quang, ...
4. Chống chỉ định của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi
Các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:
- Người bị hen phế quản
- Người bị tim mất bù, tim đập chậm
- Người mắc bệnh động kinh
- Phụ nữ đang mang thai, đang trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Lưu ý: các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi cần được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, tức là không vì có bất cứ lý do nào mà những trường hợp đó lại được linh hoạt sử dụng thuốc.
5. Liều dùng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên
Với các loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên sử dụng bằng đường tiêm bắp, tiêm dưới da và sử dụng liều tăng dần:
- Trường hợp là người lớn: sử dụng 5-15mg/ngày
- Trường hợp là trẻ em: sử dụng 0.25 - 5mg/ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh.
Lưu ý: thời gian sử dụng thuốc cần phải thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ vì nó sẽ phải phụ thuộc vào đặc điểm của bệnh và khả năng đáp ứng thuốc của riêng từng người. Thông thường thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 40 đến 60 ngày, sau đó từ 1 đến 1,5 tháng có thể được lặp lại 2-3 lần. Với những trường hợp phải sử dụng liều cao thì nên chia nhỏ liều thành 2-3 lần/ngày.
Dùng trong trường hợp phẫu thuật: sử dụng liều duy nhất từ 5-10mg/ngày, sử dụng khi thực hiện phẫu thuật được 12h. Liều chuẩn tối ưu thường dùng là 0,3mg/kg/ngày.
Trong trường hợp người bệnh bị suy thận: sử dụng 4mg/ngày, dùng ít nhất trong vòng 1 tuần. Sau đó có thể tăng liều lên 4mg/2 lần/ngày, sử dụng ít nhất trong vòng 4 tuần tiếp. Lưu ý chỉ được sử dụng tối đa 8mg x 2 lần/ngày.
Trong trường hợp quá liều: khi phát hiện ra bản thân sử dụng quá liều thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ về số lượng thuốc đã dùng và tình trạng hiện tại của bản thân để nhanh chóng được xử trí kịp thời.
6. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi
Trong quá trình sử dụng thuốc, ngoài công dụng chính mà các loại thuốc này mang lại, người bệnh còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Chảy nhiều nước bọt
- Tăng tiết phế quản
- Đổ mồ hôi
- Chảy nước mũi.
7. Tương tác của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi
Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi với các loại thuốc khác như: Ketoconazol, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, Digoxin, chẹn thủ thể beta.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được kiến thức về các chỉ định của thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi. Lưu ý, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh ngoại vi là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.