Viêm sụn sườn: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm sụn sườn là tình trạng đau của thành ngực do viêm các khớp nối giữa sụn xương sườn với xương ức. Dù vậy, đây không phải là một bệnh nghiêm trọng, thường sẽ giảm dần theo thời gian.

1. Cấu tạo giải phẫu khung xương sườn (lồng ngực)

Khung xương sườn là một cấu trúc xương bảo vệ phổi bên trong. Khi con người hít thở, cơ hoành sẽ di chuyển xuống, giúp không khí đi qua miệngmũi để vào trong phổi. Lúc này, lồng ngực cũng nở ra và đòi hỏi xương sườn cần phải chuyển động, nở ra. Vì xương có cấu trúc cứng và rắn, không có khuynh hướng bị bẻ cong hay dịch chuyển nên sụn sườn sẽ làm nhiệm vụ giúp khung xương sườn nở ra. Sụn xương là một chất mềm mại, rắn chắc nhưng co giãn được. Các sụn gắn xương sườn với xương ức và gắn xương ức với xương đòn. Các khớp giữa xương sườn và sụn là khớp sụn sườn. Các khớp giữa sụn và xương ức là khớp ức sườn. Các khớp giữa xương ức và xương đòn là khớp ức đòn.


Viêm sụn sườn được biểu hiện với những cơn đau nhói khi cử động mạnh
Viêm sụn sườn được biểu hiện với những cơn đau nhói khi cử động mạnh

2. Viêm sụn sườn là gì?

Viêm sụn sườn (còn gọi là viêm khớp sụn sườn) là hiện tượng đau và căng tức thành ngực do tình trạng viêm các khớp nối giữa sụn xương sườn với xương ức. Trong viêm sụn sườn, hiện tượng viêm xảy ra tại các khớp sụn sườn, khớp ức đòn, khớp ức sườn hoặc kết hợp viêm ở nhiều vị trí. Bệnh gây đau nhói, đau tăng khi bệnh nhân cử động hoặc đè ép. Viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày.

3. Nguyên nhân gây viêm sụn sườn

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây viêm sụn sườn. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng viêm sụn sườn có thể có liên quan tới các vấn đề sức khỏe sau:

  • Tập luyện quá sức hoặc đột ngột nâng vật nặng;
  • Chấn thương vùng ngực;
  • Ho nhiều và dai dẳng, ảnh hưởng tới cơ xương vùng ngực;
  • Nhiễm trùng khớp, nhiễm virus lao phổi hoặc vi khuẩn giang mai,...;
  • Viêm khớp mãn tính;
  • Có khối u vùng sụn sườn (khối u lành tính hoặc ác tính đều có thể gây bệnh).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm sụn sườn:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Hầu hết các ca mắc bệnh đều trong độ tuổi 10 - 21;
  • Nữ giới: Tỷ lệ mắc bệnh 70%;
  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì;
  • Sức đề kháng yếu;
  • Mắc ung thư phổi, ung thư vú hoặc u tuyến giáp;
  • Mắc các bệnh rối loạn tự miễn hoặc các bệnh về khớp;
  • Mắc bệnh đau sợi cơ (fibromyalgia);
  • Đã từng mắc hội chứng Tietze.

4. Chẩn đoán viêm sụn sườn

  • Chẩn đoán bệnh dựa trên triệu chứng và thăm khám lâm sàng;
  • Chỉ định chụp X-quang nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau một thời gian;
  • Xét nghiệm máu nếu cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

5. Viêm sụn sườn và cách điều trị

Thông thường, bệnh viêm sụn sườn sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bệnh như sau:


Khi có biểu hiện viêm sụn sườn, người bệnh nên đi khám để có phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất
Khi có biểu hiện viêm sụn sườn, người bệnh nên đi khám để có phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Dùng Ibuprofen hoặc Naproxen để giảm sưng viêm. Trước khi sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ nếu mắc bệnh tim, gan, thận, tăng huyết áp, loét dạ dày hoặc có tiền sử xuất huyết dạ dày. Các thuốc này không dùng khi đói, không sử dụng cho người đang uống thuốc kháng đông như warfarin hoặc người bị hen suyễn. Nếu bị đau bụng, khó tiêu, buồn nôn khi đang dùng thuốc kháng viêm, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc và lập tức đi khám lại;
  • Dùng nhiệt: Chườm nóng lên vùng viêm sụn sườn ức. Tuy nhiên, khi chườm nóng bệnh nhân chú ý không chườm quá nóng hoặc kéo dài quá lâu;
  • Tiêm cortisone: Dùng khi các phương pháp điều trị trên không phát huy hiệu quả như mong muốn;
  • Phong bế thần kinh liên sườn: Chỉ định cho một số ca viêm sụn sườn quá nặng. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc giảm đau tại chỗ xung quanh xương sườn bị đau để phong bế dây thần kinh liên sườn gần đó, làm gián đoạn xung thần kinh, ngưng cảm giác đau. Phong bế thần kinh liên sườn có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Trong trường hợp viêm sụn sườn nặng, tái phát, bác sĩ có thể thực hiện tiêm nhiều mũi để phá hủy lâu dài dây thần kinh gây đau;
  • Biện pháp không dùng thuốc: Một số biện pháp hỗ trợ giảm đau trong điều trị viêm sụn sườn gồm đắp lạnh, kích thích thần kinh bằng điện xuyên da - điện châm (TENS), châm cứu, các bài tập kéo dãn nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể thao làm cơn đau tăng lên,...

Viêm sụn sườn nhìn chung có tiên lượng khá tốt. Hầu hết các trường hợp nhẹ thường chỉ kéo dài 6 - 8 tuần và tự cải thiện dù không cần điều trị. Tuy nhiên, số ít bệnh nhân có thể bị viêm sườn sụn trên 6 tháng. Để kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình, bệnh nhân cần chú ý dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu dự định tập thể thao và báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh không thuyên giảm hoặc có những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu có triệu chứng của viêm sụn sườn thì bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, chẩn đoán và điều trị giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe