Glucosamine là hoạt chất tự nhiên trong cơ thể, có vai trò trong việc hình thành và chữa lành mô sụn. Tuy nhiên, theo tuổi tác nồng độ của hoạt chất này bị giảm đi gây ra những bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Vì thế, việc bổ sung các chế phẩm có chứa Glucosamine được xem như một phương pháp hỗ trợ điều trị những bệnh lý này. Vậy tác dụng thật sự của hoạt chất này là gì và có nên uống Glucosamine mỗi ngày không?
1. Glucosamine là gì?
Glucosamine là một hoạt chất tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể con người, đặc biệt xuất hiện nhiều và tập trung ở sụn khớp. Glucosamine là sự kết hợp của các chuỗi đường gồm Glutamine, Glucose và những Protein đặc hiệu. Đây là các thành phần rất thiết yếu tham gia vào quá trình hình thành nên sợi collagen, từ đó hình thành và tạo được sự vững chắc các bộ phận như sụn, gân, khớp, dây chằng, lớp chất nhầy (hoạt dịch) bao quanh các ổ xương...
Ngoài cơ thể con người, chất này còn được tìm thấy ở một số loài động vật vỏ cứng như cua, ốc, là tôm... Tuy nhiên, theo một số báo cáo, Glucosamine thường sẽ bị mất đi thông qua quá trình nấu nướng.
Tuổi càng cao, nồng độ Glucosamine càng giảm dần do một số bộ phận trên cơ thể bị mất chức năng hoặc chức năng bị suy giảm, từ đó gây ra những triệu chứng và những bệnh lý về cơ xương khớp. Vì thế, việc sử dụng các loại dược phẩm dạng viên, bột, nước... chứa Glucosamine như một biện pháp hỗ trợ và điều trị tình trạng này.
2. Tác dụng của Glucosamine
Dạng bổ sung của Glucosamine được chia thành 3 loại gồm Glucosamine hydrochloride (HCL), Glucosamine sulfate và N-acetylglucosamine (GlcNAc). Glucosamine được sử dụng phổ biến trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp bao gồm:
- Giảm đau khớp, chống viêm: Làm cho vận động đi lại trở nên dễ dàng hơn, thoải mái trong việc vận động mạnh, tham gia thể thao.
- Giảm triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp: Glucosamine làm tăng khả năng bôi trơn của dịch khớp thông qua cơ chế tăng sản xuất chất nhầy dịch khớp nên tăng độ nhớt, từ đó giúp các khớp giảm cảm giác đau, vận động linh hoạt và dễ dàng hơn.
- Ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp, tránh sự sự phá hủy sụn khớp, đồng thời làm giảm các gốc tự do (Superoxide), chất gây phá hủy tế bào sinh sụn trong xương.
Theo bộ y tế Việt Nam, Glucosamine thường được sử dụng trong viêm thoái hóa khớp gối, các vị trí khác ngoài khớp gối thường không được khuyến cáo.
3. Uống Glucosamine lâu dài có tốt không?
Tuy có hiệu quả là thế, nhưng do còn thiếu các dữ liệu về nghiên cứu quy mô lớn, dài hạn và nhất quán về lợi ích cùng tính độ an toàn của Glucosamine, việc sử dụng các chế phẩm thuốc có chứa Glucosamine cần được cân nhắc cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh các thuốc này đang được người dân mua bán và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Các câu hỏi như thuốc Glucosamine uống bao lâu thì có tác dụng hoặc nên uống Glucosamine trong bao lâu để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa tránh được những tác dụng phụ của thuốc, là thắc mắc chung của hầu hết các bệnh nhân.
3.1. Liều lượng và thời gian sử dụng
Liều lượng:
- Người lớn trên 18 tuổi: Uống 1200 – 1500 Glucosamine mỗi ngày, chia làm 3 lần. Có thể sử dụng đơn động hoặc phối hợp các loại thuốc khác như Chondroitin uống 1200 mg mỗi ngày.
- Người dưới 18 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng.
Thời gian sử dụng:
Việc dùng Glucosamine mỗi ngày có thể cải thiện triệu chứng hiệu quả. Tác dụng của Glucosamine mang tính chất tích lũy dần dần, thời gian dùng thuốc thường tùy vào từng cá thể, có thể sử dụng liên tục trong 2 – 3 tháng hoặc ở một số người có thể sử dụng 4 – 6 tháng để thấy kết quả rõ rệt.
Tuy nhiên, các tổ chức y tế khuyến cáo bệnh nhân không nên sử dụng Glucosamine liên tục kéo dài quá 6 tháng vì có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn, trong đó đặc biệt phải kể đến là suy giảm chức năng gan, thận. Vì thế, bệnh nhân nên dành ra một khoảng nghỉ, không sử dụng thuốc khoảng 1 – 2 tháng, để các hệ thống chuyển hóa trong cơ thể được hồi phục ở trạng thái tốt nhất.
Thời điểm dùng thuốc:
Một số báo cáo đã chứng minh rằng, bệnh nhân nên sử dụng Glucosamine trong khi ăn hoặc uống ngay khi vừa ăn xong vì khi đó thuốc sẽ phát huy tối đa tác dụng. Tốt nhất thì bệnh nhân nên sắp xếp thời gian sinh hoặc ăn uống kèm dùng thuốc đúng giờ.
Một lưu ý nhỏ khi uống Glucosamine là hãy uống cùng với thật nhiều nước để làm tăng khả năng hấp thu vào cơ thể, từ đó nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị.
3.2. Tác dụng phụ khi sử dụng Glucosamine
Việc sử dụng các chế phẩm Glucosamine với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như:
- Phản ứng quá mẫn: Rối loạn mô da biểu hiện qua triệu chứng ban đỏ, nóng, mẩn ngứa, ban da, phù mạch, nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón....
- Rối loạn thần kinh: Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ngủ gà, mất ngủ...
- Tim mạch: Phù ngoại vi, rối loạn nhịp...
- Rối loạn chuyển hóa cơ thể: Tăng Cholesterol máu, tăng lipid máu, tăng đường máu, tăng men gan, thậm chí có thể gây tổn thương gan nặng, suy giảm chức năng thận
- Các dấu hiệu khác như: Rối loạn tầm nhìn, rụng tóc, viêm thận kẽ, xuất huyết trên da
4. Những lưu ý khi sử dụng Glucosamine
Thận trọng khi sử dụng Glucosamine lâu dài trên những đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Hiện nay, vẫn chưa có báo cáo đáng tin cậy để xác định được liệu rằng Glucosamine có an toàn cho trẻ sơ sinh để sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú hay không. Do đó, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc có chứa Glucosamine.
- Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị hen suyễn: Một số bệnh nhân bị hen suyễn sẽ có tiến triển nặng hơn khi dùng Glucosamine và thường cải thiện sau khi ngừng sử dụng loại thuốc này. Hiện nay, chưa có thêm nhiều báo cáo tin cậy về độ an toàn của Glucosamine trên đối tượng này, vì thế bệnh nhân bị hen suyễn nên theo dõi kỹ sức khỏe khi bắt đầu bổ sung Glucosamine.
- Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị tiểu đường: Có một số trường hợp ghi nhận Glucosamine có thể làm tăng nồng độ đường trong máu ở những bệnh nhân đái tháo đường. Tuy rằng Glucosamine được đánh giá là khá an toàn đối với hầu hết bệnh nhân tiểu đường, những người mắc bệnh này nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khi sử dụng.
- Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh tăng nhãn áp: Glucosamine có thể làm tăng áp lực trong mắt, gây nên tăng nhãn áp.
- Huyết áp cao: Hiện nay, có khá nhiều bằng chứng khác nhau khẳng định về việc Glucosamine có thể làm tăng huyết áp. Do đó, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên theo dõi huyết áp chặt chẽ khi dùng Glucosamine.
Một số tương tác thuốc gặp phải:
- Glucosamine có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với Heparin.
- Glucosamine làm tăng tính kháng Insulin.
- Glucosamine đường uống có thể làm tăng hấp thu thuốc Tetracycline ở đường tiêu hóa.
- Glucosamine có thể phối hợp điều trị với thuốc giảm đau chống viêm Steroid hoặc không Steroid.
Glucosamine là một hoạt chất được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao trong việc dự phòng và hỗ trợ điều trị tình trạng thoái hóa khớp, đặc biệt là khớp gối. Tuy nhiên, việc điều trị với liều lượng cao và thời gian kéo dài có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí là ở mức nghiêm trọng. Vì thế, trước khi quyết định sử dụng Glucosamine, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, để có được một liệu trình điều trị an toàn và hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.