Sụn là một loại mô liên kết mịn, sáng bóng, có màu trắng bao phủ các đầu xương. Thoái hóa sụn khớp dẫn đến viêm xương khớp cấp và mãn tính. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm hạn chế vận động ở người lớn tuổi. Đi bộ và tập thể dục sẽ hữu ích với chất nhờn sụn khớp.
1. Thoái hóa sụn khớp và viêm khớp
Sụn đệm giúp các đầu xương di chuyển nhẹ nhàng và dễ dàng dựa vào nhau. Lớp màng hoạt dịch bao quanh khớp và tạo ra một chất nhờn sụn khớp dày giúp giữ cho sụn khỏe mạnh. Bao hoạt dịch có thể bị viêm và dày lên khi sụn bị hao mòn, dẫn đến viêm và khiến chất lỏng tích tụ thêm trong khớp, gây sưng tấy.
Các khớp thường bị viêm nhất là:
- Khớp đầu gối
- Khớp hông
- Khớp tay
- Khớp đôi chân
- Khớp xương sống
Sụn khớp thoái hóa nhiều làm các xương bên dưới sẽ không có đủ lớp sụn đệm. Khi các bề mặt xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, khớp và các mô xung quanh sẽ xuất hiện thêm cơn đau và viêm. Nếu xương tiếp tục mài và cọ xát với nhau, các gai xương bắt đầu phát triển. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất ở các khớp bị viêm.
2. Quá trình lão hóa tự nhiên
Càng lớn tuổi, cảm giác đau nhẹ hoặc nhức khớp càng phổ biến hơn, đặc biệt là khi bạn: Đứng, leo cầu thang, tập thể dục. Lúc này cơ thể bạn cũng không phục hồi nhanh chóng như lúc trước. Những triệu chứng thường gặp nhất ở người mắc bệnh viêm khớp là sụn khớp thoái hóa theo tuổi tác và cứng khớp, đặc biệt là sau khi ngồi hoặc nằm trong thời gian dài.
Khi sụn - bộ phận giảm xóc tự nhiên của cơ thể, bị hao mòn, các khớp khó thực hiện tốt những hoạt động bình thường trong cuộc sống. Độ săn chắc của cơ và sức mạnh của xương cũng giảm dần theo tuổi tác, khiến các hoạt động thể chất trở nên khó khăn hơn và tác động nhiều đến cơ thể.
3. Các yếu tố nguy cơ của viêm khớp
3.1. Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ phổ biến của viêm khớp. Theo CDC, vào năm 2040, ước tính 26% dân số Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên được bác sĩ chẩn đoán mắc một dạng viêm khớp. Gần 50% người trên 65 tuổi được bác sĩ thông báo mắc viêm khớp.
Những người trẻ và năng động cũng có thể phát triển viêm khớp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp là do chấn thương thể thao hoặc tai nạn. Tiền sử chấn thương hoặc tai nạn có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp trong tương lai.
3.2. Cân nặng
Thừa cân có thể tạo thêm áp lực cho: khớp nối, sụn, xương. Áp lực này đặc biệt ảnh hưởng đến đầu gối và hông, làm hạn chế các hoạt động thể chất của bạn. Trong khi vận động thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ hàng ngày, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển viêm khớp.
3.3. Tiền sử gia đình
Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp. Nếu bạn có các thành viên trong gia đình đang sống chung với tình trạng này, nhiều khả năng bạn cũng phát triển viêm khớp.
3.4. Giới tính
Theo CDC, hầu hết các loại viêm xương khớp phổ biến hơn ở phụ nữ,.
3.5. Nghề nghiệp
Một số nghề nghiệp làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp, chẳng hạn như: xây dựng, nông nghiệp, lao công, buôn bán lẻ... Do đặc thù của công việc, người làm nghề phải sử dụng cơ thể nhiều hơn, khiến các khớp dễ bị hao mòn.
4. Điều trị viêm khớp
Viêm khớp không có cách chữa trị. Thay vào đó, mục tiêu của điều trị là kiểm soát cơn đau và giảm các yếu tố góp phần làm cho triệu chứng nặng hơn. Bước đầu tiên trong điều trị viêm khớp là giảm đau bằng cách thực hiện kết hợp:
- Dùng thuốc
- Tập thể dục
- Vật lý trị liệu
Phác đồ điều trị viêm khớp thường được điều chỉnh sao cho phù hợp với lối sống của mỗi bệnh nhân và các tác nhân gây ra đau nhức.
4.1. Thuốc uống trong điều trị viêm khớp
Một số người mắc bệnh viêm khớp cần dùng thuốc không kê đơn (OTC) để kiểm soát cơn đau. Ví dụ:
- Acetaminophen (Tylenol)
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): aspirin và ibuprofen (Advil, Motrin).
4.2. Thuốc tiêm điều trị viêm khớp
Tiêm steroid có thể giúp giảm đau ở các khớp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không nên làm dụng thuốc trong thời gian dài để tránh gây thêm tổn thương khớp.
Đối với những người bị viêm khớp gối hoặc hông, Đại học Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR) và Tổ chức Viêm khớp (AF) đặc biệt khuyến nghị tiêm vào khớp một loại corticosteroid được gọi là glucocorticoid. Tuy nhiên chưa đủ bằng chứng về tác dụng của tiêm glucocorticoid vào khớp bàn tay.
Các glucocorticoid được FDA chấp thuận bao gồm:
- Triamcinolone acetonide (Zilretta)
- Methylprednisolone (Depo-Medrol)
- Betamethasone (Celestone Soluspan)
Ngoài ra, tiêm axit hyaluronic chỉ được FDA chấp thuận để sử dụng cho khớp gối và thường không được sử dụng cho các khớp khác, chẳng hạn như bàn tay hoặc hông.
4.3. Phẫu thuật viêm khớp
Phẫu thuật thường được chỉ định cho những người bị viêm khớp nặng kèm theo suy nhược. Phẫu thuật nắn xương là một quy trình sắp xếp lại xương bằng cách cắt và đặt lại vị trí. Phương pháp này đôi khi được thực hiện xung quanh khớp gối để giúp kiểm soát các triệu chứng đau do viêm khớp.
Đôi khi phương pháp hợp nhất xương được thực hiện để điều trị các sụn khớp thoái hóa nghiêm trọng. Việc cắt khớp háng hoặc đầu gối hiếm khi được thực hiện, nhưng quá trình hợp nhất có thể được tiến hành trên các khớp khác, chẳng hạn như khớp: ngón tay, cổ tay, mắt cá chân
Đối với các khớp háng và khớp gối bị viêm nặng, thay toàn bộ khớp (tạo hình khớp) có thể giúp giảm đau lâu dài và cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống.
5. Thay đổi lối sống và các biện pháp điều trị viêm khớp tại nhà
Thực hiện một số điều chỉnh đơn giản trong lối sống không chỉ kiểm soát cơn đau, giảm các triệu chứng mà còn giúp cho xương và khớp trở nên khỏe mạnh. Điều này cũng có thể cải thiện chức năng cũng như chất lượng cuộc sống.
5.1. Tập thể dục
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường cơ bắp và giữ cho xương chắc khỏe. Hoạt động thể chất cũng giúp cải thiện khả năng vận động của khớp.
Không nên thực hiện các bài tập có tác động mạnh, chẳng hạn như: quần vợt, chạy, nhảy. Thay vào đó, lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, chẳng hạn như: đánh gôn, bơi lội, yoga, đạp xe
Các bài tập trên đều dễ thực hiện cho các khớp. Ngoài ra, cũng có một số bài tập chuyên biệt để chữa viêm và đau khớp, cũng như tập phục hồi chức năng cho người bị viêm khớp.
5.2. Liệu pháp nóng hoặc lạnh
Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên các khớp bị đau có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
5.3. Thiết bị hỗ trợ
Sử dụng thiết bị hỗ trợ giúp giảm bớt áp lực và hỗ trợ các khớp xương, chẳng hạn như dùng thanh nẹp và gậy.
5.4. Nghỉ ngơi
Dành thời gian cho các khớp bị đau nhức được nghỉ ngơi đầy đủ giúp giảm đau và giảm sưng.
5.5. Giảm cân
Giảm cân ít nhất 5 pound (tương đương 2,3 kg) có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm khớp, đặc biệt là ở các khớp lớn như đầu gối và hông.
Tóm lại, tình trạng đau và nhức các khớp ở người lớn tuổi rất phổ biến, đặc biệt là khi họ đứng, leo cầu thang hay tập thể dục. Sự thoái hóa sụn khớp cũng có thể dẫn đến viêm khớp theo thời gian. Để giúp giảm đau và kiểm soát các triệu chứng, bạn có thể áp dụng cả phương pháp điều trị y tế và thay đổi lối sống. Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị viêm khớp phù hợp với bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com - webmd.com