Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nghiêm Bảo - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đốt sống chẻ đôi là một trong những bệnh dị tật về cột sống xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra, gây ảnh hưởng đến một số thành phần có trong ống thần kinh người bệnh. Để điều trị chứng đốt sống chẻ đôi thì phương pháp hiệu quả nhất được sử dụng hiện nay đó là điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật đốt sống chẻ đôi để xử lý những phần có thoát vị thần kinh xảy ra trên bệnh nhân.
1. Đốt sống chẻ đôi là gì?
Dị tật đốt sống chẻ đôi là một dị tật bẩm sinh, xuất hiện ở cột sống người bệnh khiến cho cung sau cột sống không thể đóng kín gây ra tình trạng thoát vị tủy và màng tủy. Tỷ lệ của tật đốt sống chẻ đôi hằng năm được ước tính là 0.05- 0.25/1000 trẻ sinh sống. Tình trạng đốt sống chẻ đôi được nghiên cứu là do trong quá trình tạo phôi, thường là vào tuần thứ 3 đến tuần thứ 5 của phổi thì sự tạo thành ống thần kinh nguyên phát có xảy ra sai sót nên đã dẫn đến tình trạng này. Dị tật bẩm sinh nứt đốt sống có thể xảy ra đơn thuần hoặc kèm theo với một số dị tật khác trên cơ thể hoặc nảy sinh một dị tật thứ phát trên não bộ bệnh nhân.
Dị tật đốt sống chẻ đôi được phân làm 2 dạng chính đó là:
- Dị tật hở: Là tình trạng thoát vị ống thần kinh ra khỏi bề mặt da, gồm thoát vị màng tủy và thoát vị tủy- màng tủy.
- Dị tật kín: Thoát vị được che phủ bởi lớp da và mỡ dưới da. Dạng dị tật kín thường có những tổn thương kèm theo như u mỡ, u bì, u nang ống tiêu hóa, tủy bám thấp hay tủy chẻ đôi...
Một số nguyên nhân được nghiên cứu là gây ra dị tật chẻ đôi đốt sống đó là:
- Yếu tố di truyền: Trong gia đình bệnh nhân có anh chị em ruột mắc bệnh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh
- Ô nhiễm môi trường
- Một số vấn đề về kinh tế xã hội như kinh tế khó khăn, nạn chiến tranh, sử ảnh hưởng của thiên tai và những thảm họa trong môi trường sống.
- Đối với người phụ nữ mang thai nếu cơ thể bị thiếu acid folic hoặc trong quá trình mang thai người mẹ có sử dụng thuốc điều trị động kinh như Valproic acid hoặc vitamin A thì có khả năng con sinh ra sẽ mắc phải dị tật bẩm sinh nứt đốt sống.
- Một số tình trạng bệnh lý ở phụ nữ có thai hư béo phì, đái tháo đường... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
- Nguyên nhân về đột biến gen.
Những triệu chứng điển hình để nhận biết được dị tật đốt sống chẻ đôi ở trẻ sơ sinh như sau:
- Khối u xuất hiện dọc đường giữa lưng và thắt lưng, nhất là vị trí đốt sống thắt lưng- đốt sống cùng.
- Trong trường hợp dị tật thuộc dạng hở thì khối u sẽ có dạng nang, bên trong chứa dịch não tủy, nhìn qua màng nhện có thể thấy được hình ảnh của ống thần kinh. Nếu nang vỡ, sẽ dẫn đến tình trạng viêm màng não, lúc nào cơ thể sẽ có một số biểu hiện của nhiễm trùng mủ.
- Dấu khuyết mỏm gai, bản sống của một số đốt sống dọc theo đường cột sống.
- Bề mặt da xuất hiện chùm lông, da thừa, hố lõm kích thước nhỏ.
- Có thể có u máu da hoặc bớt sắc tố.
- Bệnh nhân có dấu hiệu gù và vẹo cột sống, biến dạng gối cũng như gót chân.
- Khi tiểu tiện thì mất đi sự kiểm soát, tiểu bị ngắt quãng hoặc tiểu một cách liên tục.
- 2 chi dưới yếu liệt, giảm hoặc mất cảm giác và phản xạ.
- Có sự tiến triển của đầu nước.
2. Phẫu thuật đốt sống chẻ đôi
Có rất nhiều phương pháp để điều trị chứng đốt sống chẻ đôi, trong đó với những trường hợp phức tạp như khối thoát vị đã xuất hiện ngoài bề mặt da hoặc chèn ép thần kinh dẫn đến tình trạng yếu liệt thì biện pháp phẫu thuật đốt sống chẻ đôi bằng đường vào phía sau là một lựa chọn điều trị hiệu quả. Nếu những dị tật bẩm sinh nứt đốt sống mức độ nhỏ và không có những ảnh hưởng đến thần kinh thì tuyệt đối không được áp dụng phương pháp này.
Phương thức để tiến hành mổ đốt sống chẻ đôi đường vào phía sau bao gồm những bước như sau:
- Rạch da theo đường ngang hoặc dọc cột sống, lưu ý nếu thoát vị ngoài da thì tránh việc rạch một cách trực tiếp.
- Tách những phần cơ cạnh sống ở 2 bên đường rạch.
- Dùng kính vi phẫu để thực hiện phẫu tích quanh phần thoát vị mà không tiếp xúc vào khối thoát vị đó.
- Dùng những dụng cụ chuyên dụng để mở rộng phần cung sau, tiếp tục bộc lộ rõ phần màng tủy quanh khối thoát vị.
- Xử lý màng tủy bằng cách dùng cân cơ đùi để khâu và tạo hình màng tủy.
- Đóng đầy đủ các lớp giải phẫu bao gồm Placode, màng cứng, cân cơ, lớp dưới da và lớp da.
- Dán kín vết mổ bằng keo chuyên dụng cho phẫu thuật.
Sau khi kết thúc phẫu thuật đốt sống chẻ đôi thì cần lưu ý theo dõi, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là một số vấn đề như sau:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp và thường xuyên xoay mình, vận động nhẹ. Tránh nằm ngửa sẽ gây ra tình trạng chèn ép vết thương vừa phẫu thuật.
- Vệ sinh vết mổ thường xuyên.
- Thông tiểu trong 5- 7 ngày.
- Chú ý đo vòng đầu cho trẻ mỗi ngày, thực hiện siêu âm xuyên thóp 2 lần/tuần để kiểm tra những tình trạng bất thường của não thất.
- Lưu ý một số biến chứng có thể xảy ra như rò dịch não tủy, nhiễm trùng vết thương, đầu nước tiến triển..., cần được thông báo với bác sĩ điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường để kịp thời dẫn lưu dịch não tủy, điều trị kháng sinh hay đặt VP shunt cho bệnh nhân.
- Các biến chứng muộn dị tật cột sống chẻ đôi cần lưu ý như VP shunt có vấn đề, tủy bám thấp, rỗng tủy, bàng quang thần kinh, chân khoèo... Một số nguyên tắc xử lý các biến chứng này như kiểm tra lại VP shunt, cắt dây tận cùng và thực hiện dẫn lưu nang rỗng của tủy, thông tiểu ngắt quãng hay áp dụng nẹp chỉnh hình trên bệnh nhân.
Đốt sống chẻ đôi là một dị tật cột sống ở trẻ nhỏ không nên bỏ qua và cần được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thần kinh cũng như tính mạng của trẻ. Nếu trẻ đã có những dấu hiệu tổn thương về thần kinh thì cần có chỉ định phẫu thuật cột sống chẻ đôi bằng đường sau để hạn chế tối đa những hậu quả không mong muốn từ dị tật này.