Gãy xương do căng thẳng

Bên cạnh bệnh lý gãy xương thông thường, có một thể gãy xương đặc biệt là gãy xương do mỏi hay gãy xương do căng thẳng. Bệnh lý này hay xảy ra ở các vận động viên chuyên nghiệp phải thực hiện một động tác lặp đi lặp lại. Vậy gãy xương do mỏi là gì?

1. Gãy xương do mỏi là gì?

Gãy xương do mỏi hay gãy xương do căng thẳng là tình trạng cấu trúc xương hoặc bè sương bị mất liên tục. Tuy nhiên, gãy xương căng thẳng đặc trưng với kiểu gãy không hoàn toàn và đường gãy thường chỉ là rãnh nứt ở phần vỏ xương, đây là điểm để phân biệt với gãy xương thông thường. Cơ chế bệnh sinh gãy xương do mỏi vẫn chưa được giải thích hoàn toàn và có thể liên quan đến sự mất cân bằng giữa sức mạnh xương và stress cơ học vượt ngưỡng đàn hồi xương lặp đi lặp lại liên tục. Hiện nay gãy xương căng thẳng được phân thành 2 loại:

  • Gãy xương do mỏi thật sự: Xảy ra do tình trạng quá tải lực tác động lên cấu trúc xương bình thường;
  • Gãy xương do mỏi bệnh lý: Lực tác động có thể bình thường nhưng do cấu trúc xương yếu nên dễ gãy (thường gặp trong loãng xương hoặc ung thư xương).

Gãy xương do căng thẳng thường gặp nhiều nhất ở các xương chịu lực chính của cơ thể như xương cẳng chân và bàn chân. Đối tượng hay mắc bệnh lý này là các vận động viên điền kinh, chiến sĩ trong quân đội phải mang vác nặng và hành quân xa. Tuy nhiên, trên thực tế gãy xương căng thẳng có thể xảy ra ở tất cả chúng ta, bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, một điều tương đối may mắn là loại gãy xương này không gây biến chứng.

2. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương do mỏi

Các yếu tố nguy cơ bên trong của gãy mỏi bao gồm:

  • Giới tính nữ: Liên quan đến tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ estrogen hoặc tam chứng tiền mãn kinh ở các vận động viên nữ (bao gồm tụt năng lượng, giảm mật độ xương và rối loạn kinh nguyệt);
  • Tuổi tác: Tỷ lệ gãy xương do căng thẳng giảm dần sau giai đoạn 17 tuổi ở nam và tăng dần ở nữ giai đoạn đầu hành kinh;
  • Chỉ số khối cơ thể BMI dưới 19, đồng nghĩa với thể trạng gầy;
  • Thói quen hoạt động thể lực ít từ trước;
  • Cấu trúc giải phẫu xương bất thường: Như lệch trục chi dưới, chân cao chân thấp do ngắn chi, bàn chân bẹt hoặc vòm cao.

Các yếu tố nguy cơ bên ngoài tác động đến gãy xương căng thẳng:

  • Thay đổi chương trình hay thói quen tập luyện;
  • Thay đổi giày tập hoặc sử dụng giày không phù hợp;
  • Cường độ tập luyện quá lớn;
  • Thi đấu hay tập trên bề mặt quá cứng;
  • Vận động viên chạy đường dài;
  • Sử dụng bia rượu, hút thuốc lá hoặc thiếu cung cấp vitamin D

3. Gãy xương do mỏi chẩn đoán như thế nào?

Quá trình chẩn đoán gãy xương do mỏi đòi hỏi người bệnh phải cung cấp một quá trình bệnh sử chi tiết, từ đó bác sĩ sẽ tiến hành các động tác thăm khám có trọng tâm liên quan đến các vấn đề mà người bệnh trình bày (điều này hỗ trợ tránh làm chậm trễ việc điều trị). Đa số trường hợp gãy xương do mổ than phiền về một cơn đau dai dẳng ở vị trí gãy, khởi phát âm thầm, mức độ tăng lên khi vị trí đó phải chịu lực lớn hoặc thực hiện động tác lặp lại, cơn đau có thể cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp gãy xương do căng thẳng không có triệu chứng, đặc biệt là ở các vận động viên chuyên nghiệp. Cần lưu ý là người bệnh hoàn toàn không có các tiền sử chấn thương, do đó chẩn đoán gãy xương do mỏi nên cân nhắc khi vừa có triệu chứng, vừa có các yếu tố nguy cơ nêu ở phần trên. Khi thăm khám, bệnh nhân sẽ đau nhói khi bác sĩ ấn hoặc gõ vào vùng gãy xương do mỏi, đôi khi kèm theo sưng, đỏ da và sờ ấm.

Quá trình hỏi bệnh và thăm khám là cơ sở để bác sĩ chỉ định các cận lâm sàng phù hợp vì gãy xương do mỏi chỉ được chẩn đoán xác định thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Trong số đó, chụp X quang là công cụ đầu tay với ưu điểm độ chuyên biệt cao, giá thành rẻ nhưng nhược điểm là có độ nhạy thấp nên chẩn đoán sót. Nếu khả năng cao là gãy xương do căng thẳng nhưng X quang không phát hiện được thì bác sĩ có thể chỉ định một số phương tiện hình ảnh học khác với độ nhạy cao hơn như cộng hưởng từ (MRI) hoặc xạ hình xương 3 pha. Trong đó, MRI có độ đặc hiệu khá cao và dễ tiếp cận nên được sử dụng rộng rãi hơn.

4. Các vị trí gãy xương do mỏi hay gặp

Trừ một vài trường hợp là các vận động viên thể thao đặc thù có tần suất vị trí gãy xương căng thẳng riêng biệt (như boxing gãy ở cổ xương đốt bàn số V) thì đa số trường hợp gãy mỏi còn lại xảy ra ở các xương nửa dưới thân mình, bao gồm cột sống thắt lưng, xương chậu, các xương chi dưới.

Về tổng thể, vị trí gãy xương do mỏi được phân chia dựa vào tiên lượng điều trị thành các vùng gãy nguy cơ cao và vùng gãy nguy cơ thấp:

  • Vùng gãy nguy cơ cao: Xương bàn ngón V, xương chày (thân trước), cổ xương đùi, xương bánh chè, cổ xương sên, mắt cá trong, xương vừng ngón I và cổ các xương bàn ngón II đến ngón IV. Gãy mỏi các vị trí này xếp vào nhóm nguy cơ cao vì dễ dẫn đến các biến chứng như di lệch, chậm hoặc không liền xương, từ đó kéo dài thời gian điều trị;
  • Vùng gãy nguy cơ thấp: Bao gồm bờ sau trong xương chày, đầu dưới xương mác, thân xương đốt bàn, cổ xương đùi trong khớp, thân xương đùi và xương gót. Gãy xương căng thẳng ở những vị trí này tiên lượng hồi phục tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

5. Điều trị gãy xương do mỏi

Phác đồ điều trị gãy xương do mỏi thường phụ thuộc vào vị trí xương tổn thương. Đa số bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn bằng các biện pháp như giảm mức độ lượng tập và vận động, hạn chế để xương chịu áp lực, kèm theo bất động xương gãy hoặc không. Một số biện pháp điều trị khác như kiểm soát cơn đau bằng các thuốc phù hợp (đường uống), chườm lạnh và có chương trình phục hồi chức năng cá thể hóa phù hợp. Một điểm cần lưu ý là người gãy xương do mỏi hạn chế điều trị bằng NSAIDs, vì theo các nghiên cứu trên động vật cho thấy những ảnh hưởng không tốt của NSAID đến quá trình lành xương.

Ở người bệnh gãy xương do mỏi nguy cơ cao hoặc kèm theo di lệch, đặc biệt ở các vận động viên chuyên nghiệp, biện pháp can thiệp bằng phẫu thuật cố định sớm cần phải ưu tiên vì nguy cơ thất bại với điều trị bảo tồn, không thể liền xương và có khả năng gãy lại. Tuy nhiên, thực tế các biện pháp điều trị bảo tồn vẫn được lựa chọn với các vận động viên không chuyên. Trong quá trình phẫu thuật cố định, bác sĩ sẽ sử dụng các các dụng cụ chuyên dụng như vít nội tủy, đinh và chỉ thép... Một vài trường hợp có thể phải ghép xương. Chiến lược phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí gãy mỏi.

6. Phòng ngừa gãy xương do mỏi

Người có nguy cơ cao gãy xương do căng thẳng có thể thực hiện các biện pháp ngăn ngừa đơn giản như sau:

  • Thay đổi thói quen tập luyện hay vận động từ từ: Với bất kỳ môn thể thao hay bài tập mới nào, người tập hãy bắt đầu chậm rãi và tăng dần cường độ để cơ thể kịp thích nghi;
  • Sử dụng dụng cụ tập luyện phù hợp: Đảm bảo mang giày tập vừa vặn và phù hợp với môn thể thao;
  • Tập luyện chéo (cross-training): Nghĩa là thực hiện một số bài tập khác nhau với mục đích bổ trợ và có mối liên quan đến môn tập luyện chính. Phương pháp này rất cần thiết cho các vận động viên vì có thể giúp duy trì thể lực khi tập luyện lâu dài và tránh tạo áp lực lên 1 vùng xương liên tục;
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Xương chắc khỏe đòi hỏi chế độ ăn uống phải đảm bảo cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác.

Gãy xương do mỏi hay gãy xương do căng thẳng là tình trạng cấu trúc xương hoặc bè sương bị mất liên tục. Nếu được thăm khám và điều trị sớm thì sẽ có tiên lượng điều trị tốt và tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe