Đau khớp do viêm khớp dạng thấp hay bệnh do virus parvovirus?

Tình trạng viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh do virus parvovirus đều là những nguyên nhân chính có thể dẫn đến đau khớp, đặc biệt ở các khớp nhỏ như bàn tay hoặc bàn chân. Đối với đau khớp do viêm khớp dạng thấp, khi không được điều trị bệnh sớm có thể gây ra các biến chứng và tổn thương nặng nề đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như mắt, da, tim hoặc phổi.

1. Đau khớp do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm mãn tính, có ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Tình trạng này thường gây ra các triệu chứng viêm khớp, chẳng hạn như nóng, sưng, đỏ, cứng khớp và khó khăn khi cử động. Khi mắc viêm khớp dạng thấp, bất kỳ khớp nào trên cơ thể cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, nhất là các khớp nhỏ ở bàn chân hoặc bàn tay. Không chỉ gây đau khớp, viêm khớp dạng thấp còn gây tổn thương đến những cơ quan khác của cơ thể, chẳng hạn như da, tim, mắt và phổi.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp dạng thấp là tình trạng cứng khớp vào buổi sáng, có thể kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, thoái hoá khớp cũng là một bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng cứng khớp buổi sáng, tuy nhiên nó chỉ diễn ra khoảng dưới 30 phút.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm màng hoạt dịch, bào mòn xương dưới sụn và phá huỷ sụn, khiến cho khớp không thể phục hồi và làm mất chức năng vận động của người bệnh.

2. Nguyên nhân nào gây viêm khớp dạng thấp?

Trong cơ thể con người, hệ thống miễn dịch có chứa nhiều loại tế bào khác nhau, giúp chống lại các tác nhân gây hại, chẳng hạn như nấm mốc, vi khuẩn và vi rút. Ở những người mắc viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch của họ bị nhầm lẫn và tự tấn công vào chính các tế bào hoặc cơ quan trong cơ thể. Do đó, viêm khớp dạng thấp được xếp vào loại bệnh tự miễn, nghĩa là cơ thể tự sản xuất ra kháng thể để chống lại các bộ phận của chính mình.

Hiện nay, nguyên nhân chính xác khiến hệ thống miễn dịch bị rối loạn và hoạt động bất thường gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một số yếu tố như di truyền và môi trường có liên quan mật thiết đến căn bệnh này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến một số tác nhân gây bệnh như virus (parvovirus, rubella virus, Epstein-Barr virus và cytomegalovirus) hoặc các loại vi trùng như Mycoplasma. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng được xem là một trong những tác nhân khác dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Những cặp sinh đôi cùng trứng thường có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những cặp sinh đôi khác trứng.


Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến một số tác nhân gây bệnh như virus
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến một số tác nhân gây bệnh như virus

3. Nhiễm parvovirus có thể gây đau khớp giống như viêm khớp dạng thấp không?

Nhìn chung, bệnh do virus parvovirus có thể gây đau khớp tương tự như viêm khớp dạng thấp.

Tình trạng đau khớp có thể xảy ra do nhiễm virus parvovirus B19 – một loại vi rút gây ra nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó bao gồm bệnh thứ năm gây phát ban đỏ trên mặt ở trẻ em. Đối với người lớn, triệu chứng nổi bật nhất của nhiễm parvovirus là đau khớp, xảy ra điển hình ở cổ tay, bàn tay, đầu gối và mắt cá chân.

Bệnh do virus parvovirus B19 có thể gây đau và sưng ở nhiều khớp, đặc biệt nếu các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi người bệnh tiếp xúc với một đứa trẻ mắc bệnh thứ năm. Tình trạng đau khớp do nhiễm vi rút parvovirus có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, cơn đau khớp thường biến mất mà không cần điều trị và cũng không gây ra vấn đề sức khoẻ gì về lâu dài.

4. Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp dạng thấp là tình trạng cứng khớp buổi sáng, đau khớp hoặc sưng khớp mang tính chất đối xứng, chủ yếu xảy ra ở các khớp nhỏ trên cơ thể.

Bên cạnh đó, người mắc viêm khớp dạng thấp có thể cảm thấy mệt mỏi và bị suy nhược cơ thể do các triệu chứng khó chịu kéo dài của bệnh. Bạn cũng có thể bị sốt nhẹ trong thời gian bệnh tiến triển.

Tình trạng đau khớp do viêm khớp dạng thấp có thể kèm theo triệu chứng sưng do tràn dịch khớp. Các khớp nhỏ, chẳng hạn như bàn tay, cổ tay, khớp háng và cổ chân, thường bị viêm kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng.

Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển nặng mà không được điều trị sớm, nó có thể gây ra các biến chứng và tổn thương nghiêm trọng đến những bộ phận khác của cơ thể, bao gồm mắt, phổi, tim mạch hoặc dây thần kinh.


Tình trạng đau khớp do viêm khớp dạng thấp có thể kèm theo triệu chứng sưng do tràn dịch khớp
Tình trạng đau khớp do viêm khớp dạng thấp có thể kèm theo triệu chứng sưng do tràn dịch khớp

5. Đối tượng nào dễ mắc viêm khớp dạng thấp?

Chỉ có khoảng 0.5 – 1.5% dân số trên thế giới mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh tự miễn này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các chủng tộc và không phân biệt giới tính hay độ tuổi.

Nhìn chung, lứa tuổi dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhất thường dao động từ 30 – 50 tuổi, chủ yếu xảy ra ở nữ giới. Theo nghiên cứu cho thấy, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới.

6. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Căn bệnh này thường khó có thể phát hiện nếu chỉ theo quan sát thông thường, vì viêm khớp dạng thấp thường bùng phát với các dấu hiệu mơ hồ, chẳng hạn như đau khớp hoặc cứng khớp buổi sáng. Mặt khác, nhiều loại bệnh viêm khớp khác cũng có chung một số triệu chứng. Do đó, để chẩn đoán được viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm cụ thể nhằm phát hiện:

  • Tình trạng thiếu máu của cơ thể
  • Yếu tố dạng thấp RF – một loại kháng thể do cơ thể con người tạo ra, thường được tìm thấy trong máu của bệnh nhân nghi ngờ mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Kháng thể AntiCCP – một loại protein thường được tìm thấy trong khoảng 70% những trường hợp mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Một số yếu tố cho thấy mức độ viêm của bệnh, bao gồm protein phản ứng C (CRP) và tốc độ lắng hồng cầu VS. Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển và tình trạng viêm càng nặng, các yếu tố này càng tăng cao.
  • Xét nghiệm chụp X-quang khớp giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp đang tiến triển.

Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Vì đây là một căn bệnh tự miễn, do đó hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị tận gốc. Mặt khác, viêm khớp dạng thấp mãn tính cần được điều trị lâu dài nhằm giúp bệnh nhân cải thiện được các triệu chứng cũng như khả năng vận động của mình.

Nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp gây ra, chẳng hạn như phá huỷ khớp, người bệnh cần được điều trị nội khoa ngay từ sớm bằng thuốc đặc trị DMARDs. Những loại thuốc này không những giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh mà còn làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng DMARDs kết hợp với các thuốc corticosteroid liều thấp hoặc thuốc NSAID nhằm cải thiện các chức năng vận động cũng như đẩy lùi tình trạng đau khớp do viêm khớp dạng thấp.

Các loại thuốc thuộc nhóm DMARDs thường bao gồm hydroxychloroquine, methotrexate, sulfasalazine và leflunomide. Một số loại thuốc khác ít được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp hơn, chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine hoặc azathioprine, vì hiệu quả điều trị của chúng không cao và có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Những bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp nặng hoặc không đáp ứng với thuốc DMARDs có thể sử dụng các chế phẩm sinh học, bao gồm Anakinra (Kineret), adalimumab (Humira), abatacept (Orencia), certolizumab (Cimzia), infliximab (Remicade), tocilizumab (Actemra)và rituximab (Mabthera, Rituxan). Các chế phẩm sinh học này có thể sử dụng kết hợp với methotrexate, giúp cải thiện các biến chứng của viêm khớp dạng thấp.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, sự thay đổi lối sống thích hợp cũng góp một phần quan trọng trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp. Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo bão hoà, tăng lượng axit béo omega-3 có thể giúp cải thiện các triệu chứng mệt mỏi và khó chịu của bệnh.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất như bơi lội, đạp xe, đi bộ hoặc leo cầu thang, cũng giúp tăng cường các chức năng của cơ bắp và xương khớp. Tuy nhiên, bạn nên tránh các hoạt động gây áp lực mạnh lên các khớp, hoặc bê các đồ vật có trọng lượng nặng, đồng thời kết hợp một chế độ nghỉ ngơi đầy đủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: msdmanuals.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe