Dấu hiệu vỡ gân Achilles

Đứt gân Achilles là một chấn thương nghiêm trọng có thể gây đau đớn, làm hạn chế khả năng vận động và đòi hỏi thời gian hồi phục lâu dài. Nguyên do là vì gân Achilles rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối với những người thường xuyên vận động mạnh. Chính vì thế, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đứt gân Achilles là bệnh gì?

Gân Achilles là một dải gân cứng nối gót chân và cơ bắp chân. Nếu gân Achilles bị giãn quá mức có thể dẫn đến rách một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn

Đứt gân Achilles là tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến gân Achilles, nằm ở phía sau chân dưới. Tình trạng này thường gặp ở người chơi thể thao, nhưng cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. 

Đứt gân Achilles là tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến gân Achilles, nằm ở phía sau cổ chân.
Đứt gân Achilles là tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến gân Achilles, nằm ở phía sau cổ chân.

Đứt gân Achilles có thể gây ra một tiếng bục, tiếp theo là cơn đau nhói dữ dội ở sau cổ chân và chân dưới, khiến bệnh nhân không thể đi lại bình thường. Hầu hết các trường hợp cần phẫu thuật để xử lý tổn thương. Tuy nhiên, với một số người, phương pháp điều trị không phẫu thuật cũng có thể mang lại hiệu quả.

2. Triệu chứng đứt gân gót chân Achilles

Một số người có thể không xuất hiện biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nhưng đa phần bệnh nhân đứt gân Achilles sẽ gặp các dấu hiệu sau:

  • Cảm giác như bị đá vào bắp chân.
  • Mức độ đau có thể khác nhau, nhưng thường khá nghiêm trọng, kèm theo sưng tấy ở vùng gót chân.
  • Gặp khó khăn trong việc uốn cong bàn chân hoặc đẩy chân đang bị chấn thương khi đi bộ
  • Không thể đứng thăng bằng trên ngón chân của chân đang bị thương.
  • Xuất hiện tiếng bốp hoặc bục khi gân bị đứt.

3. Nguyên nhân gây vỡ gân Achilles và các yếu tố nguy cơ

Gân Achilles giúp gập bàn chân xuống, nhón ngón chân và đưa chân về phía trước khi một người bước đi. Nhờ vậy, gân Achilles tham gia vào hầu hết mọi hoạt động di chuyển, từ đi bộ bình thường đến chạy bộ.

Tuy đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển, gân Achilles lại dễ bị tổn thương tại vị trí cách chỗ bám xương gót khoảng 6cm. Lý do dễ tổn thương là do khu vực này có lượng máu cung cấp kém, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau chấn thương.

Đứt gân Achilles xảy ra khi gân chịu lực căng, kéo đột ngột quá mức. Điều này thường do:

  • Tăng cường độ tập luyện thể thao đột ngột, đặc biệt là các môn thể thao có nhiều động tác nhảy bật.
  • Rơi từ nơi có vị trí cao.
  • Bước hụt vào khoảng trống.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị đứt gân Achilles gồm có:

  • Tuổi cao: Chấn thương gân Achilles thường gặp ở người trong độ tuổi từ 30 đến 40.
  • Nam giới: Nam giới có nguy cơ bị đứt gân Achilles cao gấp 5 lần nữ giới.
  • Thường xuyên chơi thể thao: Người hay chơi các môn thể thao liên quan đến chạy nhảy, khởi động và dừng đột ngột như bóng đá, bóng rổ, quần vợt dễ bị đứt gân gót chân Achilles.
  • Tiêm steroid: Việc tiêm steroid vào khớp cổ chân để giảm đau viêm có thể làm yếu gân, dẫn đến đứt gân Achilles.
  • Sử dụng một số loại kháng sinh: Kháng sinh nhóm Fluoroquinolone như ciprofloxacin (Cipro) hoặc levofloxacin làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.
  • Béo phì: Thừa cân gây áp lực lớn lên gân Achilles, làm tăng nguy cơ đứt gân. 
Nam giới có nguy cơ bị đứt gân Achilles cao gấp 5 lần nữ giới.
Nam giới có nguy cơ bị đứt gân Achilles cao gấp 5 lần nữ giới.

4. Phác đồ điều trị đứt gân Achilles

Phác đồ điều trị đứt gân Achilles sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, nhu cầu hoạt động và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

  • Đối với người trẻ tuổi, đặc biệt là vận động viên: Phương pháp phẫu thuật thường được ưu tiên để phục hồi gân Achilles bị đứt.
  • Đối với người lớn tuổi, ít vận động hoặc có chống chỉ định phẫu thuật: Việc điều trị bảo tồn không phẫu thuật có thể được lựa chọn.

4.1 Biện pháp điều trị không cần phẫu thuật

Phương pháp điều trị không phẫu thuật giúp bệnh nhân không gặp phải các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị có thể thấp hơn, tỷ lệ gân không liền hoặc đứt lại cao hơn và thời gian hồi phục kéo dài lâu hơn.

  • Phương pháp điều trị không phẫu thuật cho đứt gân Achilles bao gồm các bước sau:
  • Sử dụng nạng để di chuyển.
  • Chườm đá lạnh lên vùng bị thương.
  • Dùng thuốc giảm đau.
  • Trong 3-4 tuần đầu tiên sau khi chấn thương, cần hạn chế tối đa việc cử động cổ chân. Bệnh nhân có thể sử dụng giày có đệm gót hoặc bó bột để hỗ trợ di chuyển, đồng thời gập bàn chân về phía gan chân theo hướng dẫn của bác sĩ.

4.2 Phẫu thuật

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường mổ ở phía sau gót chân để tiếp cận vị trí gân bị rách. Sau đó, bác sĩ sẽ khâu cẩn thận để nối lại phần gân bị đứt. Trong trường hợp gân bị mất một đoạn lớn, bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để tái tạo phần gân bị thiếu, ví dụ như sử dụng gân từ vị trí khác trên cơ thể để ghép vào.

Phẫu thuật nối gân Achilles là kỹ thuật ít xâm lấn, giúp giảm nguy cơ biến chứng. Để đạt được kết quả tốt nhất, việc lựa chọn bác sĩ có chuyên môn cao và cơ sở vật chất uy tín đóng vai trò vô cùng quan trọng.

4.3 Phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật gân gót chân Achilles, tập vật lý trị liệu giúp cơ bắp chân khỏe và gân Achilles chịu lực tốt hơn. Hầu hết bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường sau 4-6 tháng. Duy trì tập luyện đều đặn sau ca mổ là rất quan trọng.

5. Phòng tránh đứt gân Achilles

Để bảo vệ gân Achilles, mọi người hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Kéo giãn và tăng cường cơ bắp chân: Kéo căng bắp chân đến mức cảm thấy một lực kéo đáng kể nhưng không đau, tránh bật nhảy trong lúc kéo. Tập luyện tăng cường sức mạnh cho cơ bắp chân giúp gân Achilles chịu lực tốt hơn và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Đa dạng hóa bài tập: Thay thế các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ bằng các môn nhẹ nhàng hơn như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội. Tránh các hoạt động gây áp lực lớn lên gân Achilles như chạy lên dốc và bật nhảy.
  • Chọn mặt bằng tập luyện phù hợp: Hạn chế chạy trên địa hình cứng hoặc trơn trượt. Mặc trang phục tập luyện phù hợp khi trời lạnh và mang giày thể thao vừa vặn, có đệm lót gót chân tốt.
  • Tăng cường độ tập luyện từ từ: Tăng dần quãng đường, thời gian và tần suất tập luyện mỗi tuần không quá 10% để tránh chấn thương gân Achilles. 
Để bảo vệ gân Achilles, có thể thay thế các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ bằng các môn nhẹ nhàng hơn như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội.
Để bảo vệ gân Achilles, có thể thay thế các môn thể thao cường độ cao như chạy bộ bằng các môn nhẹ nhàng hơn như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội.

6. Khi nào bệnh nhân cần khám bác sĩ?

Người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu nghe tiếng bốp ở gót chân, đặc biệt là khi không thể đi lại bình thường sau đó.

Đứt gân Achilles không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng vận động bình thường của người bệnh. Mọi người cần thăm khám để được chẩn đoán kịp thời ngay từ khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo gân Achilles bị tổn thương, từ đó, việc điều trị sẽ được thực hiện sớm và đạt hiệu quả tốt hơn, giảm được những biến chứng nguy hiểm. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Bài viết tham khảo nguồn Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe