Dấu hiệu loãng xương xuất hiện là lời cảnh báo cho một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ sau tuổi mãn kinh, khi mật độ xương giảm đi đáng kể. Những thay đổi trong cơ thể do mãn kinh có thể dẫn đến nguy cơ gãy xương cao hơn, gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương hay bệnh xương giòn hoặc xốp xương là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi việc giảm dần mật độ khoáng trong xương và sự suy thoái của cấu trúc xương. Kết quả là xương giòn hơn, dễ bị tổn thương và chỉ bị một chấn thương nhẹ cũng dễ gãy.
Trong đó, xương cột sống, xương đùi và xương cổ tay là những vị trí thường xảy ra gãy xương do loãng xương. Tuy nhiên, loãng xương cũng có thể gây gãy ở những xương khác trên cơ thể.
Một số xương gãy có thể không lành lại được, đặc biệt là xương cột sống và xương đùi vốn rất khó lành. Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần phải tiến hành phẫu thuật với chi phí tốn kém.
Khi về già, các dấu hiệu loãng xương sẽ càng trở nên trầm trọng hơn vì ở độ tuổi này, mật độ xương không còn đủ để duy trì độ cứng chắc như khi ở tuổi trưởng thành.
2. Dấu hiệu loãng xương
Bệnh loãng xương thường dẫn đến tình trạng mất xương nhưng không có dấu hiệu loãng xương đặc trưng rõ ràng. Vì vậy, chỉ khi xương trở nên yếu và dễ gãy do gặp những chấn thương nhỏ như bị trẹo chân, va đập nhẹ hay té ngã thì người bệnh mới nhận ra mình bị loãng xương.
- Một số dấu hiệu loãng xương như đau lưng cấp, chiều cao suy giảm, dáng đi khom và gù lưng xảy ra khi xương ở cột sống bị xẹp (gãy lún) do giảm mật độ xương.
- Cảm giác đau nhức các đầu xương, nhức mỏi dọc các xương dài hay thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân là một trong những dấu hiệu loãng xương thường gặp.
- Những vùng xương như cột sống, thắt lưng, xương chậu, hông và đầu gối do thường xuyên chịu trọng lượng của cơ thể nên hay bị đau nhức. Cơn đau này tái phát nhiều lần sau các chấn thương với tính chất âm ỉ và kéo dài. Khi người bệnh thực hiện các hoạt động như đi lại, đứng, ngồi lâu thì cơn đau sẽ tăng lên, ngược lại nằm nghỉ sẽ giảm đi.
- Các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa thường bị ảnh hưởng do đau mỏi ở vùng cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn. Đặc biệt, khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế đột ngột như cúi gập hoặc xoay hẳn người thì cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Các biểu hiện bệnh lý khác như bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hóa khớp, cao huyết áp... thường đi kèm với dấu hiệu loãng xương ở những phụ nữ sau mãn kinh.
3. Nguyên nhân phụ nữ sau mãn kinh hay bị loãng xương
Tình trạng suy giảm hàm lượng estrogen trong cơ thể phụ nữ là nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương. Trong đó, nhóm người hay gặp phải bệnh lý này là phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Vì quy mô và hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra nên loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu loãng xương theo đúng phác đồ, loãng xương sẽ dẫn đến gãy xương...và một khi đã gãy, nguy cơ gãy xương lần nữa sẽ tăng gấp đôi.
4. Các phương pháp điều trị loãng xương sau mãn kinh
Rất nhiều chị em quan tâm đến việc điều trị bệnh loãng xương sau mãn kinh. Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần phải kết hợp điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống lành mạnh trong một khoảng thời gian dài.
4.1. Điều trị bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt
Bằng cách thay đổi lối sống và sinh hoạt dưới đây, các dấu hiệu loãng xương có thể được điều trị:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Sau tuổi mãn kinh, các chị em phụ nữ thường tăng cân. Vì vậy, việc duy trì cân nặng tiêu chuẩn cũng là biện pháp giúp điều trị bệnh loãng xương.
- Không chỉ gây ảnh hưởng đến xương mà các loại thực phẩm như bánh quy, thịt, thực phẩm có tính axit còn là nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe khác như đau đầu, thiếu tập trung, sâu răng, mỏi gân cốt. Do đó, người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm này
- Những loại thức uống có gas, cồn, chứa chất kích thích như café, nước ngọt, rượu, bia và các loại đồ ăn sẵn, thức ăn đóng hộp, thịt nguội nên được hạn chế sử dụng.
- Để có một hệ xương khớp khỏe mạnh, phụ nữ nên bổ sung vào chế độ ăn uống các loại thủy, hải sản như nghêu, sò, trai, hến. Bên cạnh đó, sữa không chất béo và các sản phẩm từ sữa cũng rất quan trọng. Ngoài ra, chị em đừng quên bổ sung thêm các loại trái cây tươi giàu vitamin như cam quýt, bưởi, hạnh nhân.
- Một trong những biện pháp hiệu quả để điều trị bệnh loãng xương đó là tập thể dục. Không những nâng cao sức khỏe, tập thể dục còn giúp hệ xương khớp khỏe mạnh hơn và tăng cường sức mạnh cơ bắp.
4.2. Điều trị bằng thuốc
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc điều trị phù hợp với tình trạng loãng xương khác nhau của mỗi người.
Để làm giảm nguy cơ gãy xương và tăng khối lượng xương, việc điều trị sớm bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc.
- Phụ nữ ở tuổi mãn kinh nên bổ sung đủ lượng canxi cho cơ thể để hỗ trợ điều trị loãng xương vì canxi là thành phần rất quan trọng của xương. Các chuyên gia khuyến cáo rằng quá trình bổ sung canxi cần hợp lý, tránh dư thừa. Trong đó, phụ nữ trong và sau tuổi mãn kinh nên bổ sung đủ 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D là hợp lý.
- Bisphosphonate, Calcitonin, Estrogen và liệu pháp hormone...là một số loại thuốc có tác dụng điều trị loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
5. Một vài lưu ý với phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh
Một số vấn đề cần lưu ý khi điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là:
- Mặc dù tập thể dục đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng người bệnh loãng xương cần lưu ý chọn những bài tập phù hợp. Cụ thể, người bệnh nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang hay đạp xe và tránh các hoạt động quá sức.
- Một số tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và đau đầu…có thể được gây ra bởi một số loại thuốc điều trị loãng xương như bisphosphonat. Vì vậy, người bệnh nên uống thuốc vào buổi sáng khi bụng còn rỗng hay đói để tránh những tình trạng này.
- Trước khi sử dụng thuốc bisphosphonate trong điều trị, người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe răng hàm mặt vì thuốc này có tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến xương hàm.
- Thuốc calcitonin cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, phát ban da và làm tăng canxi máu. Do đó, thuốc này chống chỉ định với những người mắc các bệnh về nồng độ canxi trong máu cao hoặc mẫn cảm.
- Trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, người bệnh nên đứng thẳng và không nên ăn. Nếu có bất kỳ cơn đau nào ở hông hoặc đùi trong quá trình uống thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ.
- Người bệnh nên đi giày đế thấp và hạn chế đi giày cao gót để chống trượt ngã cũng như đi chậm lại để tránh các chướng ngại vật gây té ngã.
- Để hấp thụ canxi tốt hơn, người bệnh nên tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời vào thời điểm lúc sáng sớm nhằm kích thích cơ thể sản xuất vitamin D.
Tóm lại, nhóm người thường bị loãng xương là phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng phác đồ, bệnh sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và có phương pháp điều trị phù hợp ngay khi xuất hiện các dấu hiệu loãng xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.