Bệnh lý khớp ở người đái tháo đường

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đái tháo đường đường là một bệnh hệ thống không chỉ gây ra các vấn đề về trao đổi chất mà còn gây ra nhiều vấn đề về cơ xương khớp. Bệnh lý khớp ở người đái tháo đường dẫn đến tàn tật và giảm chất lượng cuộc sống. Đánh giá và xử trí sớm các bệnh lý khớp ở bệnh nhân tiểu đường có thể ngăn ngừa đau, giảm tỷ lệ tàn tật và tử vong ở nhóm bệnh nhân này.

1. Giới hạn vận động khớp

Triệu chứng giới hạn vận động khớp xảy ra ở các khớp nhỏ ở tay chân dễ nhận thấy hơn so với các khớp lớn hơn. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hiện tượng giảm khả năng vận động ở các khớp lớn hơn, bao gồm khớp hông và khớp vai cũng xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường.

Báo cáo rằng đàn ông và phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ bị viêm dính khớp vai cao hơn 5,0 đến 5,9 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Do ảnh hưởng toàn thân của các biến chứng tiểu đường lên các mô collagen, khả năng vận động hạn chế có thể ảnh hưởng đến mọi khớp trong cơ thể, không chỉ ở tay, chân và khớp vai.

2. Bệnh viêm khớp charcot

Bệnh xương khớp Charcot, được mô tả lần đầu tiên bởi nhà thần kinh học người Pháp Jean-Martin Charcot. Đây là một bệnh tiến triển thoái hóa khớp chân và mắt cá chân, gây ra biến dạng khớp cổ chân, ảnh hưởng đến việc đi lại nếu không được điều trị.

Thoái hoá khớp Charcot cũng gặp trong các bệnh khác, nhưng nó phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường. Nam và nữ bị ảnh hưởng như nhau. Tỷ lệ mắc rối loạn tăng theo thời gian điều trị DM và ở nhóm tuổi 50 - 69 tuổi.

Ban đầu, có viêm cấp tính với sưng nóng đỏ đau ở bàn chân; thường thấy ở phần giữa của bàn chân. Sốt, đau và tăng bạch cầu có thể đáng báo động cho viêm tủy xương. Người ta cho rằng các vi chấn thương lặp đi lặp lại liên tục vào bàn chân gây ra bệnh và chấn thương xương. Một giả thuyết được đề xuất khác (giả thuyết về mạch máu thần kinh) là sự giãn mạch gây tăng tưới máu cho vùng này.

Chẩn đoán sớm có thể ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc như cắt cụt chi. Bệnh xảy ra nhiều hơn ở những bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém, và kiểm soát bệnh tiểu đường là một phần quan trọng của điều trị.


Bệnh viêm khớp charcot ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người bệnh
Bệnh viêm khớp charcot ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người bệnh

Việc điều trị viêm khớp Charcot dựa trên giai đoạn bệnh. Bất động chân bằng nẹp và nghỉ ngơi có thể ngăn ngừa các khớp bàn chân bị quá tải, có thể làm giảm viêm trong giai đoạn cấp tính và giúp khớp tránh bị biến dạng tối thiểu. Bisphosphonates đã được sử dụng trong điều trị. Nó đã được chứng minh rằng việc sử dụng một liều truyền pamidronate 90 mg duy nhất trong 6 tháng sau đó là 70 mg alendronate hàng tuần làm giảm các triệu chứng, điều chỉnh các dấu hiệu xương và giảm đau. Phẫu thuật không là lựa chọn điều trị đầu tiên và sẽ được cân nhắc ở những người bị loét chân mãn tính.

3. Viêm khớp gout

Gout là một bệnh viêm khớp với sự tích tụ của các tinh thể urate monosodium trong khớp, kèm theo các cơn viêm cấp tính. Đây là bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở nam giới trưởng thành, với tỷ lệ mắc bệnh ở người da trắng là 1%. Tỷ lệ mắc bệnh gút ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 là 22%.

Trong trường hợp tăng axit uric máu kéo dài, nó biểu hiện dưới dạng các đợt tái phát, các cục tophy mãn tính hoặc viêm khớp ăn mòn. Các yếu tố nguy cơ là giới tính nam, uống nhiều bia rượu, ăn nhiều thịt, hải sản, sử dụng thuốc lợi tiểu, tăng axit uric máu, tăng huyết áp, béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh động mạch vành và bệnh thận.

Có mối liên quan mạnh mẽ giữa nồng độ acid uric huyết thanh, bệnh gút, béo bụng và tiểu đường thường được biết đến là hội chứng chuyển hóa. Ở những bệnh nhân mắc bệnh gút, sự xuất hiện của bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa cao hơn nhiều so với người khỏe mạnh.

4. Thoái hóa khớp

Mối tương quan chặt chẽ giữa thoái hóa khớp và béo phì đã được làm rõ. Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy thoái hoá khớp thường xảy ra ở người đái tháo đường, nhưng mối quan hệ này là do bệnh tiểu đường hay béo phì liên quan đến bệnh tiểu đường thì vẫn còn chưa được khẳng định. Điều thú vị là các khớp bị ảnh hưởng bởi thoái hoá khớp không chỉ là khớp chịu lực ở chi dưới, mà còn là khớp ở chi trên.


Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh lý thoái hóa khớp
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh lý thoái hóa khớp

5. Tiêm corticoid vào khớp ở người đái tháo đường

Việc sử dụng glucocorticoids ở bệnh nhân tiểu đường, nhất là khi tiêm vào khớp cần phải thận trọng. Tiêm glucocorticoids vào khớp ở bệnh nhân đái tháo đường có thể kích hoạt các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là tình trạng mất ổn định đường huyết. Các tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm 10 - 15 ngày.

Do đó, điều quan trọng là xác định bệnh nhân có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2 trước khi tiêm thuốc (béo phì, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình của DM loại 2). Ở những bệnh nhân này, xét nghiệm đường huyết lúc đói trước và 10 - 15 ngày sau khi điều trị là bắt buộc.

  • Với bệnh nhân đang điều trị bằng insulin, nên tăng liều insulin đầy đủ và tạm thời để kiểm soát đường huyết ổn định.
  • Với những bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết uống và kiểm soát đường huyết kém, có thể cần cân nhắc việc chuyển sang điều trị bằng insulin để ngăn chặn tình trạng rối loạn đường huyết xấu đi.
  • Với những bệnh nhân bị suy thận, glucocorticoids nên được ưu tiên hơn các thuốc chống viêm không steroid vì tránh nguy cơ suy giảm chức năng thận

Tóm lại, bệnh lý khớp là phổ biến ở người đái tháo đường. Hầu hết các biến chứng về cơ xương khớp có liên quan đến thời gian điều trị đái tháo đường và tình trạng kiểm soát đường huyết.

Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đang triển khai kỹ thuật tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị bệnh lý khớp. Kỹ thuật PRP là an toàn và hiệu quả cho người đái tháo đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe