Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị các vấn đề cơ xương khớp, gây ra đau và một số rối loạn chức năng vận động. Bệnh lý cơ xương khớp ở người đái tháo đường ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị hoặc làm giảm chất lượng cuộc sống do ảnh hưởng gián tiếp qua việc tập thể dục.
1. Phân loại bệnh cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh cơ xương khớp ở người đái tháo đường có thể tạm chia làm 3 nhóm:
- Các tổn thương trên khớp
- Các rối loạn ở hệ cơ và mô mềm
- Các bệnh lý trên xương
Các tổn thương trên khớp ở bệnh nhân đái tháo đường khá đa dạng, có thể bao gồm: viêm khớp vai thể viêm dính, viêm khớp gút, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp... Các rối loạn ở hệ cơ và mô mềm thường gặp ở người đái tháo đường bao gồm ngón tay bật, hội chứng ống cổ tay, viêm điểm bám gân, teo cơ... Các bệnh lý trên xương thường gặp nhất là loãng xương, nhuyễn xương và gãy xương thứ phát do loãng xương.
Người mắc bệnh đái tháo đường có khuynh hướng gặp các vấn đề cơ xương khớp trầm trọng và phổ biến hơn người không đái tháo đường. Ở chi trên, bệnh ngón tay cò súng xảy ra ở 10-15% người đái tháo đường so với 1% ở những người không mắc bệnh tiểu đường (xét tương quan cùng nhóm tuổi và giới tính).
Tương tự, hội chứng ống cổ tay và viêm dính khớp vai (viêm khớp vai thể đông cứng) đã được báo cáo ở 11-25% người đái tháo đường và 10-20% bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ mắc các bệnh này tăng theo thời gian của cả bệnh tiểu đường Loại I và Loại II và kiểm soát đường huyết kém. Ở những đối tượng mắc bệnh tiểu đường không có triệu chứng, mức độ tổn thương gân chóp xoay ở khớp vai nhiều hơn, dẫn đến đau và hạn chế vận động khớp vai nhiều hơn.
2. Những lưu ý sau khi phẫu thuật cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường
Ngoài ra, sau khi phẫu thuật sửa chữa, người mắc bệnh tiểu đường bị hạn chế vận động khớp vai bị hạn chế nghiêm trọng hơn và phổ biến hơn. Những kết quả bất lợi này có thể liên quan đến chất lượng kém của mô đang được sửa chữa.
Ở chi dưới, sự gia tăng độ dày và bất thường về cấu trúc của cân gan chân và gân Achilles đã được chứng minh trên siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ ở cả bệnh đái tháo đường type I và type II. Những thay đổi này nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân bị biến chứng thần kinh và loét chân trước đó do bệnh tiểu đường gây ra.
Mặt khác, bệnh nhân đái tháo đường thường có biên độ vận động khớp cổ chân giảm, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của bàn chân khi đi đứng. Điều này dẫn đến kết quả là căng cơ kéo dài và quá mức dưới sức nặng cơ thể lên bàn chân đã góp phần vào sự phát triển của loét chân ở người bị đái tháo đường.
Người đái tháo đường khi chơi các môn thể thao (ví dụ như chạy bộ) cần chú ý đến sự quá tải trên hệ cơ xương khớp. Vấn đề này, người bệnh cần theo dõi thường xuyên và tham vấn với bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần nhận thức được rằng khi có tình trạng rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, xương gãy có thể bị chậm lành hơn và các biến chứng sau phẫu thuật xảy ra nhiều hơn.
Do đó, việc điều trị bệnh tiểu đường, béo phì, tăng cholesterol máu và tăng axit uric máu trước và sau phẫu thuật chỉnh hình là bắt buộc để giảm thiểu kết quả tiêu cực và giảm thời gian nằm viện.
Tóm lại, đái tháo đường là một bệnh hệ thống không chỉ gây ra các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất mà còn gây ra nhiều vấn đề về cơ xương khớp. Bệnh lý cơ xương khớp ở người đái tháo đường dẫn đến tàn tật và làm giảm chất lượng cuộc sống. Đánh giá và xử trí sớm các vấn đề về cơ xương khớp ở bệnh nhân đái tháo đường giúp ngăn ngừa đau, tàn tật và tử vong.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.