Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Thuốc điều trị loãng xương có nhóm Bisophosphonat nhằm ức chế sự tiêu xương, cải thiện tình trạng loãng xương. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần thường xuyên khám các bệnh răng miệng để đề phòng xảy ra biến chứng hoại tử xương hàm.
1. Thuốc điều trị loãng xương được sử dụng như thế nào?
Loãng xương là tình trạng xương dần bị mất độ đậm đặc, xương bị xốp dần, trở nên yếu và dễ bị gãy. Các khu vực xương dễ bị ảnh hưởng nhất là xương cột sống, xương hông và xương cổ tay. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến loãng xương như: tuổi cao, tình trạng mãn kinh, chế độ dinh dưỡng kém, gia đình có tiền sử loãng xương, gãy xương; ít vận động thể lực và hoạt động ngoài trời; thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; bị mắc một số bệnh hoặc sử dụng lâu ngày một số thuốc gây loãng xương.
Bệnh loãng xương diễn biến âm thầm, ở giai đoạn đầu bệnh không có triệu chứng gì rõ rệt, chỉ đến khi sự thiếu hụt canxi đã ở mức trầm trọng, thì các triệu chứng đau xương khớp, mệt mỏi, chuột rút mới trở nên rõ rệt, bệnh nhân loãng xương dễ bị rạn xương, nứt xương, gãy xương khi bị vấp ngã, tai nạn. Những xương chịu nhiều lực tác động nhất trong cơ thể khi loãng xương sẽ dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Gãy cổ xương đùi, gãy khớp háng, gãy cổ tay, gãy xương hông là những tổn thương chiếm tỷ lệ cao trong bệnh lý loãng xương. Chất lượng cuộc sống của người mắc các thương tổn do loãng xương bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều trường hợp người bệnh không thể phục hồi được.
Điều trị loãng xương bao gồm chế độ điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong phương pháp điều trị bằng thuốc, nhóm thuốc chống hủy xương Bisphosphonat là một trong những nhóm thuốc chủ yếu, được chỉ định rất thường xuyên trong các trường hợp loãng xương do người già, loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, loãng xương do sử dụng corticoid dài ngày, bệnh đa u tủy xương có hủy xương, bệnh hủy xương ác tính, tăng canxi máu ác tính,...
Nhóm thuốc Bisophosphonat gồm nhiều loại thuốc khác nhau như: acid alendronate, acid risedronate, acid zoledronic,...Các thuốc nhóm Bisophosphonat điều trị loãng xương bằng cách làm giảm quá trình hủy xương từ đó giúp tăng mật độ xương và giảm nồng độ canxi huyết thanh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc nhóm Bisophosphonat giúp giảm 40-50% nguy cơ gãy xương hông ở những người bị loãng xương, ngăn chặn các vết gãy xương hông ở gần 100.000 trường hợp có nguy cơ cao và ngăn chặn nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong liên quan đến gãy xương mỗi năm.
Nhóm thuốc Bisophosphonat sẽ giảm tác dụng khi uống cùng với thức ăn, do đó cần uống thuốc khi đói với một cốc nước to (khoảng 200ml), khi uống thuốc phải ở tư thế nằm hoặc ngồi, sau khi uống thuốc nên vận động, không nằm 30 phút sau khi uống thuốc. Thuốc có thể uống mỗi ngày, uống 1 lần/tuần, uống 1 lần/tháng hoặc tiêm 1 lần/năm, việc sử dụng tùy theo từng loại thuốc, hàm lượng và tình trạng loãng xương. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị nhiều năm.
Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Ảnh hưởng của thuốc loãng xương tới sức khỏe răng miệng
Từ các báo cáo tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng trong thực tế, nhiều cơ quan quản lý dược phẩm lớn trên thế giới đã ra khuyến cáo về biến chứng hoại tử xương hàm khi sử dụng dài ngày thuốc Bisophosphonat. Đây là một biến chứng về bệnh răng miệng tuy hiếm gặp nhưng khi xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng và rất khó điều trị. Hoại tử xương hàm sẽ gây biến dạng khuôn mặt, răng lung lay, giảm chức năng hàm cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Nguy cơ xảy ra biến chứng hoại tử xương hàm khi bệnh nhân dùng thuốc để điều trị loãng xương thấp hơn nhiều so với bệnh nhân dùng liều cao để điều trị các bệnh lý ung thư. Khi dùng thuốc truyền qua đường tĩnh mạch, có 70% hàm lượng thuốc sẽ được giữ lại trong xương, còn khi dùng thuốc dạng uống chỉ có 10% thuốc được tích lũy. Do đó, nguy cơ xảy ra biến chứng khi dùng thuốc đường tiêm cao hơn, xảy ra sớm hơn so với thuốc dùng đường uống. Trung bình sau khoảng 12 tháng sử dụng Bisophosphonat đường tĩnh mạch, bệnh nhân có thể xảy ra tác dụng phụ. Trong khi ở dạng uống, thời gian xảy ra biến chứng là khoảng 3 năm sử dụng thuốc.
Ở những bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do các thuốc nhóm Bisophosphonat, tùy tình trạng của xương hàm mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị như:
- Điều trị bảo tồn: bệnh nhân sử dụng các dung dịch nước súc miệng sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau kết hợp với kháng sinh, kháng nấm.
- Điều trị phẫu thuật: tùy theo mức độ hoại tử mà bác sĩ sẽ phẫu thuật một phần hoặc phẫu thuật triệt để, cắt bỏ toàn bộ phần xương bị hoại tử.
- Điều trị hỗ trợ nhằm cải thiện sự lành xương của phần xương bị hoại tử.
Với những bệnh nhân sử dụng thuốc Bisophosphonat để điều trị ung thư, khi biến chứng hoại tử xương hàm xảy ra, cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi quyết định việc ngưng hay tiếp tục sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Nếu việc ngưng thuốc làm diễn biến bệnh ung thư trầm trọng hơn, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nhanh hơn thì nên chấp nhận tiếp tục điều trị. Tương tự, nếu bệnh nhân đang dùng thuốc để điều trị loãng xương, việc ngưng dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi gây hậu quả còn nguy hiểm hơn thì nên để bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ. Việc ngưng hoặc tiếp tục sử dụng thuốc cần sự hội chẩn chuyên môn của bác sĩ răng hàm mặt (thường là người phát hiện ra tình trạng hoại tử xương hàm) và bác sĩ kê đơn thuốc nhóm Bisophosphonat (bác sĩ nội khoa, bác sĩ ung thư hoặc bác sĩ chấn thương chỉnh hình).
Để tránh biến chứng loãng xương răng miệng hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của thuốc Bisophosphonat, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên đi khám răng hàm mặt để đảm bảo tình trạng răng miệng không có nguy cơ nhiễm trùng hoặc không thực hiện các thủ thuật về răng trong thời gian gần. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao, bác sĩ cần kiểm tra các vấn đề răng miệng của bệnh nhân đồng thời đánh giá lợi ích- nguy cơ của từng bệnh nhân trước khi quyết định cho bệnh nhân sử dụng thuốc. Theo dõi tình trạng răng miệng của bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tăng cường vệ sinh răng miệng, khám răng hàm mặt theo định kỳ và thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp phải các vấn đề răng miệng như đau, sưng răng, xô lệch răng, chảy mủ không lành trong quá trình điều trị.
Các thuốc nhóm Bisophosphonat có thể lưu trữ trong cơ thể rất lâu, dù đã ngưng sử dụng, nhưng phải mất tới hơn 11 năm sau thuốc mới đào thải ra hết khỏi cơ thể. Do đó, việc khám răng hàm mặt để theo dõi biến chứng phải được thực hiện trong rất nhiều năm, thậm chí cả đời.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt tốt nghiệp cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đạt có thế mạnh về: làm thủ thuật nhổ răng khôn, chữa tuỷ, lấy cao răng, hàn răng nhẹ nhàng, ít sang chấn, giúp người bệnh giảm cảm giác đau tối đa; Thiết kế và làm răng sứ đẹp. Hiện nay, nha sĩ Đạt đang công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.