Sau mổ u xơ tử cung kiêng ăn gì?

U xơ tử cung là 1 bệnh lý phụ khoa mang bản chất lành tính thường gặp ở phụ nữ. Có rất nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh lý này, trong đó phẫu thuật loại bỏ khối u xơ là 1 trong những biện pháp sử dụng phổ biến với hiệu quả cao. Vậy chăm sóc bệnh nhân sau mổ u xơ tử cung như thế nào và sau khi mổ u xơ tử cung ăn gì và kiêng ăn gì để giúp tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được phục hồi nhanh chóng?

1. U xơ tử cung là gì?

1.1 Định nghĩa

U xơ tử cung là 1 tình trạng tân sinh lành tính ở tử cung bao gồm các nguyên bào cơ sợi sắp xếp vô trật tự do sự phát triển quá mức của sợi cơ trơn và mô liên kết ở tử cung.

U xơ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuổi thường gặp là từ 35 đến 50, kích thước khối u thường gặp là khoảng dưới 15 cm. Đa phần các u xơ tử cung thường không có triệu chứng, 1 ít trường hợp ghi nhận có xuất huyết tử cung bất thường, đau và chèn ép vùng chậu, ảnh hưởng lên đại tiểu tiện và khả năng sinh sản.

Các nghiên cứu in vitro cho rằng, các thụ thể của Estrogen và Progesterone được tìm thấy trên các sợi cơ của u xơ tử cung nhiều hơn trên các sợi cơ bình thường. Như vậy, cả hormone Steroids – Estrogen và Progesterone đều có ảnh hưởng trên sự tăng trưởng của khối u xơ tử cung.

1.2. Phân loại

Vị trí thường gặp của u xơ tử cung bao gồm :

Phân loại u xơ tử cung theo FIGO 2011:

  • S (Submucosal) – dưới niêm:
  • Loại 0: U xơ tử cung nằm hoàn toàn trong lòng tử cung.
  • Loại 1: < 50% trong cơ tử cung.
  • Loại 2: ≥ 50% trong cơ tử cung.
  • O (Other) – khác:
  • Loại 3: Tiếp xúc nội mạc tử cung, 100% trong cơ tử cung.
  • Loại 4: U xơ nằm hoàn toàn trong cơ tử cung.
  • Loại 5: Dưới thanh mạc, ≥ 50% u xơ nằm trong cơ tử cung.
  • Loại 6: Dưới thanh mạc, < 50% u xơ nằm trong cơ tử cung.
  • Loại 7: Dưới thanh mạc, u xơ tử cung có cuống.
  • Loại 8: Vị trí khác như cổ tử cung, các cơ quan quanh tử cung...
  • H (Hybrid leiomyomas) – U xơ tiếp xúc đồng thời niêm mạc và thanh mạc:
  • Được thể hiện bằng 2 con số, con số đầu thể hiện u xơ liên quan đến niêm mạc và số thứ 2 thể hiện đến thanh mạc.

1.3. Yếu tố nguy cơ

  • Người da đen.
  • Tiền sử mắc các bệnh phụ khoa như dậy thì sớm, tiếp xúc với Diethylstilbestrol.
  • Rối loạn chuyển hóa như hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì, tăng lipid máu và tăng huyết áp...
  • Các yếu tố di truyền như mang gen MED12, CYP1A1, HMGA2, CYP1B1. Bất thường nhiễm sắc thể như Trisomy 12, mất đoạn hoặc đảo đoạn.
  • Tiền sử có mẹ hoặc chị em gái ruột bị u xơ tử cung.

2. Chẩn đoán

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:

  • Ra máu tử cung bất thường, gặp ở khoảng 60% phụ nữ bị u xơ tử cung. Các biểu hiện chính là rong kinh kéo dài, ra nhiều máu và cường kinh...
  • Toàn thân có thể bị thiếu máu do rong kinh, da xanh xao và gầy sút.
  • Các triệu chứng do khối u xơ chèn ép vùng hạ vị như: Đau hạ vị, đau hố chậu, nặng bụng (gặp ở khoảng 40% phụ nữ bị u xơ tử cung). Khối u xơ chèn ép các tạng bên cạnh gây táo bón, bí tiểu và tiểu lắt nhắt...
  • Các triệu chứng của viêm âm đạo như ra khí hư loãng...

Triệu chứng thực thể:

  • Nhìn bằng mắt có thể thấy khối u xơ gồ lên ở vùng hạ vị trong trường hợp kích thước lớn.
  • Sờ bụng thấy khối u ở vùng hạ vị, mật độ chắc, không đều, di động thường liên quan đến tử cung.
  • Thăm âm đạo kết hợp sờ nắn bụng có thể thấy tử cung to, mật độ chắc, lây cổ tử cung thì khối u di động theo.
  • Đặt mỏ vịt thường có thể thấy máu trong âm đạo do rong huyết, thấy Polyp có cuống nằm ở ngoài cổ tử cung.

2.2. Cận lâm sàng

  • Siêu âm: Là chẩn đoán hình ảnh đầu tay có giá trị chẩn đoán u xơ tử cung cao với độ nhạy khoảng 95 – 100 %. Siêu âm xác định kích thước khối u, vị trí... Thực hiện siêu âm bơm nước buồng tử cung nếu nghi ngờ Polyp buồng tử cung.
  • Soi buồng tử cung giúp chẩn đoán và điều trị các tình trạng Polyp buồng tử cung.
  • Chụp CT-scan hoặc MRI giúp chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung với các bệnh lý khác của vùng chậu như Sarcoma, Adenomyosis, khối u vùng chậu...
  • Xét nghiệm tế bào học cổ tử cung để chẩn đoán các tổn thương kèm theo.
  • Trong trường hợp có chèn ép đường tiết niệu có thể thực hiện thêm chụp thận có thuốc cản quang vào tĩnh mạch - UIV.

3. Điều trị

Chỉ định điều trị u xơ tử cung được đặt ra nhằm giải quyết các triệu chứng chính như xuất huyết tử cung bất thường, các biến chứng của chèn ép, đau hoặc ảnh hưởng đến kết cục sinh sản.

Việc điều trị u xơ tử cung hiện nay được cá thể hóa dựa trên các yếu tố như triệu chứng, kích thước, tuổi, vị trí khối u, kế hoạch hóa gia đình, tiền căn sản khoa và tác dụng phụ của từng phương pháp.

3.1. Điều trị nội khoa

  • Progestins:
  • Sử dụng các loại Progestins như Lynestrenol, Norethisterone, Dydrogesterone, Nomegestrol acetate...Có thể điều trị từ ngày thứ 16 đến 25 của chu kỳ hay từ ngày 5 tới ngày 25 hoặc dùng liên tục, trong 3 – 6 tháng.
  • Dụng cụ tử cung có chứa nội tiết (Levonorgestrel) giúp giảm lượng máu kinh ở phụ nữ có rong huyết do u xơ tử cung, đồng thời có tác dụng ngừa thai.
  • Progestins dạng chích hoặc cấy dùng điều trị các triệu chứng nhẹ ở những người muốn kết hợp ngừa thai.
  • Progestins có thể giảm kích thước u xơ tử cung, nhưng hiệu quả rất thấp và không giảm hoàn toàn, sau khi ngưng thuốc khối u xơ có thể to trở lại.
  • Thuốc ngừa thai kết hợp: Có tác dụng teo nội mạc tử cung, từ đó giảm bớt tình trạng xuất huyết tử cung.
  • Các chất đồng vận GnRH như: Triptorelin, Goserelin, Leuprorelin acetat... được chỉ định điều trị trước phẫu thuật bóc u xơ tử cung to, trì hoãn phẫu thuật và nâng cao thể trạng trước phẫu thuật. Ngoài ra còn được chỉ định cho bệnh nhân tiền mãn kinh, bệnh nhân có chống chỉ định phẫu thuật hoặc chưa muốn phẫu thuật.
  • Các phương pháp khác: Antiprogestins, Danazol, Gestrinone... mặc dù có hiệu quả nhưng hiện nay ít được sử dụng do nhiều tác dụng phụ.

3.2. Điều trị ngoại khoa

Chỉ định phẫu thuật khi bệnh nhân có những yếu tố sau :

  • U xơ tử cung kích thước lớn (≥ thai 12 tuần) có triệu chứng.
  • Xuất huyết tử cung bất thường không đáp ứng với điều trị nội khoa.
  • U xơ tử cung dưới niêm mạc, rong kinh rong huyết.
  • U xơ tử cung có biến chứng chèn ép.
  • U xơ tử cung bị hoại tử, nhiễm trùng.
  • U xơ tử cung tăng kích thước nhanh, nhất là sau mãn kinh.
  • U xơ tử cung có kèm các bệnh lý khác như ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, sa sinh dục...
  • Bệnh nhân vô sinh hoặc có tiền sử sảy thai liên tiếp.
  • Các khối u vùng hạ vị không phân biệt được với u buồng trứng.

Các phương pháp phẫu thuật gồm :

  • Bóc u xơ tử cung.
  • Cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần.
  • Tắc động mạch tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung cắt u xơ tử cung dưới niêm mạc.

4. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ u xơ tử cung

Sau phẫu thuật u xơ tử cung, chế độ ăn và hàm lượng dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân, đồng thời giúp sức khỏe bệnh nhân sớm được hồi phục. Ngoài ra, nó còn giúp phòng ngừa các bệnh lý khác và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch giúp phòng ngừa u xơ tử cung tái phát.

4.1. Sau mổ u xơ tử cung kiêng ăn gì?

Sau mổ u xơ tử cung, bệnh nhân cần lưu ý tránh sử dụng các loại thực phẩm dưới đây để hạn chế những ảnh hưởng xấu lên quá trình hồi phục sức khỏe sau mổ :

  • Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ thường chứa nhiều các chất béo bão hòa, hoạt chất có khả năng làm tăng nồng độ Estrogen trong cơ thể từ đó khiến các khối u xơ phát triển. Ngoài ra, các loại thịt đó còn có thể gây ra táo bón, khó tiêu, ảnh hưởng đến khả năng lành của vết thương. Người bệnh cần tránh sử dụng các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt vịt... ít nhất 2 tuần sau phẫu thuật.
  • Các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao như bơ, lòng đỏ trứng gà, thịt hun khói...
  • Thực phẩm chứa nhiều đường hoặc Carbohydrate như nước ngọt, bánh ngọt, nước ép trái cây có nhiều đường... có thể làm tăng đường huyết, từ đó kích thích tiết nhiều Insulin làm các u xơ phát triển hoặc tái phát.
  • Chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước tăng lực... có thể làm quá trình viêm hình thành và trở nên nghiêm trọng, điều này ảnh hưởng đến sự lành của vết mổ và kích thích hình thành u xơ.
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ, đậu phộng... có thể gây kích ứng, ngứa tại vết mổ.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
  • Tránh ăn các loại trái cây có tính nóng như vải, nhãn...
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp.

4.2. Sau khi mổ u xơ tử cung nên ăn gì?

Bên cạnh những loại thực phẩm cần kiêng sau phẫu thuật u xơ tử cung, nên ăn gì sau mổ u xơ tử cung là một thắc mắc không chỉ của bản thân người bệnh hay người nhà mà còn là dấu chấm hỏi của cả nhân viên y tế. Hiện nay, tùy vào từng phương pháp can thiệp và thời gian hậu phẫu mà bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý cho bệnh nhân.

  • Thức ăn mềm và lỏng: Trong những ngày đầu sau mổ, khi các vết thương chưa liền và còn đau, người bệnh nên sử dụng những loại thức ăn mềm và lỏng như súp hoặc cháo để dễ tiêu hóa và tăng hấp thụ dinh dưỡng. Sau khi bệnh nhân trung tiện hoặc đại tiền, bệnh nhân có thể ăn những loại thức ăn đặc hơn.
  • Nước: Bệnh nhân nên được cho uống nhiều nước trong những ngày đầu tiên sau mổ.
  • Trái cây chín và tươi: Bổ sung các loại trái cây tươi vào chế độ ăn hằng ngày như cam, quýt, chanh, ổi, bưởi... giàu Vitamin C hay cà rốt, cà chua, bí ngô... giàu Vitamin A giúp thúc đẩy sự phát triển của mô lành, từ đó hỗ trợ hồi phục sau mổ u xơ tử cung. Trong những ngày đầu, khi bệnh nhân chưa ăn được, có thể sử dụng các loại nước ép hoặc sinh tố xay nhuyễn.
  • Rau xanh: Các loại rau đậm màu như cải bó xôi, súp lơ xanh, rau bồ ngót... có giàu chất xơ và vitamin giúp cân bằng nội tiết cho cơ thể, đồng thời giúp ngăn ngừa sự tái phát của các khối u.
  • Thịt trắng như thịt gà, cá... vừa đảm bảo cung cấp đủ lượng Protein cần thiết cho cơ thể, vừa có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật.
  • Các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu lăng... có thể giúp các vết thương mau lành.
  • Trà xanh: Là một loại thực phẩm chống oxy hóa, đồng thời trong trà xanh còn chứa chất Epigallocatechin Gallate (EGCG) giúp làm chậm sự phát triển của khối u xơ tử cung và cân bằng nội tiết. Sử dụng trà xanh kèm các thuốc nội tiết ở trên có thể giúp cải thiện triệu chứng xuất huyết tử cung bất thường hoặc tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh sử dụng trà xanh vào buổi tối vì có thể gây khó ngủ, mất ngủ.

4.3. Các chế độ chăm sóc khác

  • Lưu ý chế độ sinh hoạt sau phẫu thuật u xơ tử cung:
  • Ngày đầu tiên sau mổ: Người bệnh nên nằm tại chỗ nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
  • Ngày thứ 2 – 3 sau mổ: Người bệnh bắt đầu được hỗ trợ để cố gắng ngồi dậy, tập vận động nhẹ nhàng tại giường, điều này giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động lại đồng thời tránh được tình trạng dính ruột sau phẫu thuật.
  • Ngày thứ 4 – 7 sau mổ: Người bệnh sẽ bắt đầu tập đi lại nhẹ nhàng trong phòng.
  • Sau 1 tuần: Người bệnh có thể đi lại bình thường, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng.
  • Sau 2 tuần: Người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.
  • Kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất 1 tháng sau phẫu thuật.
  • Không hoạt động nặng, bê vác vật nặng sau phẫu thuật 6 tháng để vết thương được ổn định.
  • Thực hiện hoạt động thể lực nhẹ nhàng.
  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tránh các cảm xúc tiêu cực.
  • Người bệnh cần được chăm sóc vết mổ thích hợp, giữ vết mổ khô ráo, sạch sẽ, thay băng vết mổ hằng ngày.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Có thể thấy, chế độ ăn uống hợp lý sau phẫu thuật u xơ tử cung đóng một vai trò quan trọng trong sự hồi phục và dự phòng bệnh trên bệnh nhân. Tuy nhiên, để có được một chế độ ăn cụ thể và thích hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan