Mất ngủ có nên uống hoa tam thất?

Hoa tam thất là một loại thảo dược thường xuyên được sử dụng trong các bài thuốc Đông y nhờ công dụng cải thiện sức khỏe. Nụ hoa tam thất có vị ngọt, tính mát, chứa hoạt chất tương đồng với nhân sâm nên có thể uống tam thất khi mất ngủ, huyết áp cao, mỡ máu,...

1. Đặc điểm của dược liệu hoa tam thất

Theo Y học hiện đại, Hoa tam thất có chứa các hoạt chất saponin gingsenoid nhóm Rb, Rg có tác dụng trực tiếp hỗ trợ điều trị các triệu chứng mất ngủ, tăng tuần hoàn máu. Nguyên nhân là do Saponin Rb1 có khả năng điều hoà hoạt động của hệ thần kinh giúp tinh thần tập trung, giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, Saponin Rb2 đẩy mạnh khả năng hấp thu của tế bào gan giúp quá trình thải độc chất nhanh chóng hơn.

Sau khi thu hoạch, hoa tam thất được làm sạch với nước rồi phơi hoặc sấy khô tuỳ mục đích sử dụng. Sử dụng hoa tươi hoặc hoa khô ngâm với rượu trắng 40 độ trong khoảng 3 tháng để dưỡng chất ngấm ra rượu và có thể sử dụng. Ngoài các hoạt chất nhân sâm như Rb1, Rb2, hoa tam thất còn chứa các acid amin như phenylalanin, leucin, valin, prolin,... các chất vô cơ như sắt, canxi.

2. Mất ngủ có uống được tam thất không?

Như đã đề cập trong nụ hoa tam thất có chứa Saponin gingsenoid giúp an thần, cải thiện tình trạng mất ngủ do hỗ trợ ức chế khu thần kinh trung ương, làm tăng lưu thông tuần hoàn máu nên mất ngủ uống hoa tam thất rất hiệu quả. Ngoài ra hoa tam thất còn có các tác dụng khác như:

  • Hỗ trợ cho người bị xơ vữa động mạch, huyết áp cao: Chất rutin trong nụ cây là một loại vitamin P có tác dụng hỗ trợ tăng sức chịu đựng của mạch máu giúp ổn định và hỗ trợ những người có tiền sử bị huyết áp cao, phòng ngừa xơ động mạch và tai biến mạch máu não
  • Hỗ trợ cho người tiểu đường và mỡ máu: Hoạt chất GS4 trong nụ hoa tam thất có tác dụng giảm quá trình hấp thu ở đường ruột, hỗ trợ tăng men sử dụng đường ở mô cơ, tăng bài tiết cholesterol qua đường phân, hỗ trợ giảm cholesterol, lipid trong máu và gan, điều hoà đường huyết.
  • Hỗ trợ giải độc và bảo vệ gan: Nụ tam thất có tính bình, giúp can hoả, giải nhiệt, giải độc gan nên việc sử dụng nụ tam thất sẽ giúp bảo vệ các tế bào gan khỏi tác nhân gây hại, tránh tổn thương. Ngoài ra dược liệu còn hỗ trợ rất tốt cho những người đang mắc bệnh về gan như nóng trong, vàng da, xơ gan, gan nhiễm mỡ.
  • Hỗ trợ phòng tránh các bệnh về tim mạch: Chất Noto ginsenosid trong nụ tam thất có tác dụng hỗ trợ giãn mạch, phòng tránh bệnh xơ vữa động mạch. Những hoạt chất này khi hấp thu vào cơ thể sẽ hỗ trợ giảm lượng homocysteine ở trong máu từ đó hỗ trợ giảm những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tim mạch gây ra như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực

3. Sử dụng hoa tam thất để chữa mất ngủ như thế nào?

Để phát huy được hết tác dụng của hoa tam thất có thể tham khảo các công thức dùng tam thất trị mất ngủ như sau:

Cách 1: Chế biến món ăn với hoa tam thất tươi

Có thể dùng hoa tam thất tươi để nấu canh, xào thịt,... hoặc có thể hầm cùng xương để giúp hoa tam thất chiết xuất hết dưỡng chất

Cách 2: Chế biến thành trà với hoa tam thất khô

Đây là phương pháp thường được ưu tiên sử dụng hơn để chữa trị mất ngủ. Cách thực hiện như sau:

  • Cho khoảng 5g trà hoa tam thất khô vào nước ấm, sau đó cho một ít nước nóng tráng qua trà để loại bỏ những tạp chất bên ngoài
  • Khi hoa tam thất khô hoặc nụ tam thất được tráng sạch, cho 200ml nước nóng vào ấm rồi đậy nắp lại và chờ 5-10 phút cho nước ngấm
  • Sau khi trà ngấm, rót ra cốc và sử dụng, trà có thể được pha nhiều lần cho tới khi hết vị ngọt đắng thì dừng. Nên thưởng thức khi trà còn nóng để cảm nhận hết hương vị và hấp thụ hết dược chất.

Cách 3: Sử dụng củ tam thất để chữa mất ngủ

Ngoài hoa tam thất thì phần củ cũng có thể dùng để chữa mất ngủ hiệu quả. Các bước thực hiện đơn giản như sau: chuẩn bị củ tam thất rửa sạch phơi khô, khi phơi khô tam thất mang đi tán thành bột mịn, mỗi lần lấy chừng 3-6g bột tam thất hoà cùng 500ml nước ấm để uống

4. Một số lưu ý khi sử dụng hoa tam thất

Khi sử dụng vị thuốc hoa tam thất cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên lạm dụng quá nhiều hoa tam thất vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, chỉ dùng tối đa 9g/ngày
  • Không pha trà hoa tam thất cùng các loại trà khác vì có thể làm giảm công dụng tam thất
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang đến chu kỳ kinh nguyệt không nên dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ
  • Người bệnh cảm lạnh không nên dùng, vì hoa tam thất có tính lạnh sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn
  • Nụ tam thất có tính hoạt thuyết nên không dùng cho người bệnh sau phẫu thuật
  • Người bị đau dạ dày nên sử dụng hoa tam thất sau bữa ăn và chỉ dùng liều lượng bằng 1⁄2 người bình thường
  • Trẻ em dưới 5 tuổi bị hạn chế khi sử dụng hoa tam thất
  • Người huyết áp thấp không nên uống trà vì có thể gây tụt huyết áp

Mặc dù các thảo dược tự nhiên được đánh giá an toàn và lành tính, tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan