Dược thiện - Tinh phẩm chăm sóc sức khỏe bằng Đông y

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Thương - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông.

Thông thường khi trong nhà có người ốm, chúng ta thường sẽ đi hầm canh gà thuốc bắc để tẩm bổ, phục hồi sức khỏe hoặc các chị em phụ nữ thường thích dùng các loại chè dưỡng nhan, canh yến hoặc những loại nước sâm thơm ngon mát bổ,... Trong Đông y thường gọi là Dược thiện.

1. Dược thiện là gì?

Dược thiện là từ ghép bởi Dược tức “dược liệu” và Thiện tức “món ăn”. Vậy Dược thiện chính là những sản phẩm ẩm thực mang tính chất trị liệu. Dược thiện chính là tinh hoa của Đông y dùng thực phẩm làm chủ thể, phối cùng với những dược liệu có các tác dụng khác nhau, qua chế biến, đun nấu mà thành. Dược thiện có vị ngon của món ăn, có tác dụng của thuốc, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, vừa có thể trị bệnh.

Ví dụ như canh đương quy thịt dê cho người khí huyết yếu, tâm tỳ lưỡng hư, canh vịt bổ tâm dành cho người rối loạn nhịp tim, khó ngủ, bánh phục linh kiện tỳ lợi thủy dành cho người béo, rối loạn tiêu hóa,...

Như vậy, người ăn dược thiện vừa được hưởng thụ cảm giác ngon miệng của ẩm thực, và trong sự hưởng thụ đó, sức khỏe được cải thiện, bệnh tật được chữa lành. Có thể nói, quá trình chế biến và ứng dụng dược thiện, không những là một môn khoa học, mà còn là một môn nghệ thuật được đánh giá dựa trên sắc, hương, vị, hình của món ăn.

Dược thiện
Canh đương quy thịt dê dành cho người khí huyết yếu

2. Ý nghĩa của dược thiện trong bảo vệ sức khỏe

Trên thực tế, đa số người bệnh đều ái ngại dùng thuốc, đặc biệt là thuốc Đông y bởi so với những món ăn hằng ngày, thuốc khó chấp nhận hơn rất nhiều. Chính vì thế, ở góc độ tâm lý, dược thiện chính là sự kết hợp hoàn hảo để chiều lòng thiên tính của con người: Thích ăn, sợ thuốc mà vẫn đạt được hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh.

Giống như dược liệu, Đông y nhìn nhận các nguyên liệu nấu ăn sẽ chú trọng ngũ tính gồm ấm, nóng, hàn, mát, bình và ngũ vị gồm chua, cay, đắng, mặn, ngọt, từ đó lựa chọn nguyên liệu có tính vị phù hợp với cơ địa, tình trạng bệnh lý của người dùng, đó gọi là biện chứng thi thiện. Bình thường, các nguyên liệu có tính hàn, mát sẽ dùng cho chứng nhiệt và thể chất dương; nguyên liệu có tính ấm, nóng sẽ dùng cho chứng hàn và thể chất âm; nguyên liệu tính bình có thể dùng phổ biến hơn, đặc biệt khi gặp trường hợp thể hư mà không dám bổ, thể thực mà không dám tả. Về cơ bản, theo cách phân này có thể chia dược thiện thành 4 loại gồm: Ôn bổ, thanh bổ, bình bổ và chuyên trị loại bệnh nào đó.

“Hoàng đế nội kinh” chỉ ra rằng dược liệu dùng để trị bệnh, còn thực phẩm dùng để tăng cường hiệu quả của thuốc, rút ngắn thời gian bệnh, dược thiện chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong Y Học Cổ Truyền. Những y gia thời xa xưa đã chủ trương lúc bệnh nặng thì dựa vào thuốc, khi bệnh tà suy yếu thì đồng thời với dùng thuốc, ẩm thực dinh dưỡng buộc phải được dùng kịp thời, phục hồi khí huyết, nâng cao khả năng kháng bệnh.

Dược liệu có thể dùng trong dược thiện có khoảng hơn 500 loại, chiếm 1/10 tổng số dược liệu Đông dược. Trong đó các loại dược liệu, thực phẩm thường dùng có: Nhân sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng kỳ, hoài sơn, bạch truật, thiên ma, phục linh, cam thảo, đương quy, hà thủ ô, hoàng tinh, hạt óc chó, vừng (mè), táo đỏ, tay gấu, tổ yến, ô tiêu xà, ba ba, ý dĩ, liên tử, mật ong, câu kỷ tử, ngân nhĩ, long nhãn nhục,...

  • Trong quyển “Thập dược thần thư” có nói đến canh đại táo nhân sâm có tác dụng ích khí bổ huyết, trợ dương nhuận tràng;
  • Trong “Thực tiễn bản thảo” có nói đến rượu thận lợn có thể chữa đau mỏi lưng do thận hư;
  • Trong “Tôn sinh bát tiên” có nói đến bánh hoàng tinh có tác dụng bổ phế thanh phế,... Đây đều là những tác dụng đặc thù và phong phú của dược thiện.

Nguyên lý cơ bản của dược thiện và phương dược có phần giống nhau, được thể hiện chủ yếu ở hai phương diện là tăng cường chính khí và thanh trừ tà khí. Nhưng trong ứng dụng thực tế hai mảng này vẫn có điểm khác nhau rõ rệt đó là: phương dược sẽ thiên về chữa bệnh, dùng thuốc lượng lớn, tác dụng nhanh; dược thiện thiên về dưỡng sinh, phục hồi, dùng thực phẩm làm chủ, lượng thuốc thường nhỏ, tác dụng chậm, tác dụng phụ cũng ít hơn, nên có thể dùng dài ngày.

Do đó, dù đều có sự tham gia của thuốc, nhưng trong lâm sàng, dược thiện vẫn không thể thay thế thuốc, đặc biệt là với những bệnh nhân bệnh nặng, dược tễ vẫn đóng vai trò chính, hoặc nếu có dùng dược thiện thì vẫn chỉ có tác dụng hỗ trợ, chứ không thể vì quá tập trung vào tác dụng của dược thiện mà làm lỡ mất cơ hội trị liệu.

Dược thiện
Dược thiện giúp người mới ốm dậy nhanh hồi phục

3. Phân loại dược thiện

Trong suốt quá trình phát triển của Đông y từ cổ chí kim, dược thiện được phân thành 4 loại chính bao gồm: Các món ăn, các loại cháo thuốc, các món điểm tâm, các loại nước uống giải khát.

  • Các món ăn: Bao gồm các món xào, nướng, chiên, canh, súp, nấu, hầm... trong đó các loại nguyên liệu có thể cho thêm hoặc không cho thêm dược liệu để tạo nên món ăn mang tính trị liệu, tư bổ.

Ví dụ như súp giò lợn chỉ cần lấy nước đun của mộc thông hầm với chân giò lợn có thể chữa tắc tia sữa, món ba ba kho có tác dụng tư âm lương huyết, hoặc các món hầm thuốc bắc quen thuộc mọi nhà dùng để cho người mới ốm dậy cũng thuộc nhóm này.

  • Các loại cháo thuốc: Cháo là món dược thiện bổ dưỡng quen thuộc nhất mà hầu như gia đình nào cũng đã từng chế biến và sử dụng. Trong đó theo Đông y, gạo tẻ có tác dụng dưỡng vị kiện tỳ, hòa ngũ tạng, giải khát, bổ trung ích khí kết hợp với các loại nguyên liệu thực phẩm và dược liệu khác nhau cũng sẽ có tác dụng khác nhau.

Ví dụ: Cháo hành có tác dụng giải cảm, cháo chim câu có tác dụng bổ dưỡng tư âm, cháo hạt dẻ dưỡng tỳ bổ thận, cháo gan lợn bổ dưỡng can huyết, cháo địa hoàng bổ huyết sinh tinh,...

Dược thiện
Cháo dược thiện được sử dụng sau khi ốm dậy phổ biến nhất

  • Các món điểm tâm: Chỉ cần để ý một chút chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều món điểm tâm chúng ta ăn hằng ngày lại chính là dược thiện.

Ví dụ như bánh cam có thể giúp giãn lồng ngực, giáng khí, chữa ho; bánh kỷ từ giúp bổ thận, bánh quế hoa giúp hóa đờm thanh nhiệt, sáng mắt đẹp da; cửu tiên ngũ đạo cao (gồm liên tử, hoài sơn, bạch linh, ý dĩ, mạch nha, bạch biến đậu, khiếm thực, đường, bột nếp) có tác dụng phục thần dưỡng nguyên, kiện tỳ ích vị; mì bách hợp giúp bổ ích khí huyết, cao quy linh thanh nhiệt hóa thấp, dưỡng nhan giải độc,...

Dược thiện
Cao quy linh tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả

  • Các loại nước uống giải khát: bao gồm ẩm, trà, sữa, rượu, sinh tố, chè...

Ví dụ như rượu bạch truật, rượu nhân sâm đều có tác dụng bổ khí dưỡng dương, các loại chè dưỡng nhan như chè ngân nhĩ táo đỏ, chè yến sào quế hoa đều có tác dụng tư âm dưỡng da, chống lão hóa, chè đỗ đen bổ thận ích tinh, các loại trà như trà hoa cúc kỷ tử có tác dụng thanh can sáng mắt dưỡng âm, trà thảo quyết minh có tác dụng dưỡng can an thần, trà hắc kỷ tử có tác dụng bổ dưỡng can thận, chống lão hóa,...

Dược thiện
Nhiều chị em phụ nữ tin dùng chè dưỡng nhan chống lão hóa

Dược thiện phát triển từ cổ chí kim, trải dài theo lịch sử, phổ biến rộng rãi từ cung đình đến dân gian, đi sâu vào đời sống văn hóa của mỗi người, mỗi nhà. Ngày nay, dược thiện đã được đưa vào nghiên cứu và phát triển thành môn học tại các trường đại học, cao đẳng y dược Trung Quốc, đồng thời trên thị trường đã xuất hiện những dược thiện quán và những doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm dược thiện. Và cùng với đời sống vật chất, tinh thần con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe con người cũng tăng lên, do đó dược thiện sẽ có điều kiện phổ biến, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan