Đông y chữa sùi mào gà

Vì lo ngại các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị hiện đại, nhiều người tìm cách chữa sùi mào gà bằng Đông y. Vậy việc chữa sùi mào gà bằng Đông y có được không, có hiệu quả không? Cần lưu ý những điều gì khi chữa bằng Đông y? Nếu bạn cũng đang thắc mắc về những vấn đề trên đây thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những điều đó bằng bài viết sau đây.

1. Bệnh sùi mào gà là gì?

Một trong những bệnh tình dục phổ biến nhất hiện nay chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại bệnh da liễu, vượt qua các loại bệnh như lậu, giang mai đó là sùi mào gà. Biểu hiện của bệnh sùi mào gà là xuất hiện những nốt sần trên cơ thể bệnh nhân, khi các nốt sần này phát triển lớn hơn thì có dạng nở hoa như mào gà nên được dân gian đặt tên là bệnh sùi mào gà.

Bệnh này rất khó điều trị do không thể tiêu diệt hoàn toàn virus HPV mà chỉ có thể đẩy lùi những triệu chứng bên ngoài da mà thôi. Bệnh nhân sùi mào gà có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng những người hành nghề mại dâm, những đối tượng có nhiều bạn tình, phụ nữ mang thai, em bé có mẹ bị bệnh sùi mào gà,... là những người có nguy cơ gặp phải bệnh này.

2. Có thể chữa sùi mào gà bằng Đông y?

Người mắc bệnh sùi mào gà thường gặp phải tình trạng đau rát, ngứa ngáy và chảy máu. Hơn nữa, sùi mào gà còn có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, u mềm lây, ung thư âm đạo,... và hàng loạt các vấn đề về sức khỏe khác.

Hiện nay, theo Tây y, bệnh sùi mào gà thường được điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng virus và thực hiện một số thủ thuật xâm lấn như laser, áp lạnh, phẫu thuật,...

Bên cạnh Tây y, bệnh lây truyền qua đường tình dục sùi mào gà cũng có thể được chữa trị bằng các bài thuốc có nguồn gốc Đông y. Theo Đông y, sùi mào gà là biểu hiện của chứng “táo hậu”, được hình thành do vệ sinh vùng kín không đảm bảo, gây thấp nhiệt ứ tại bì, lâu dần khiến cho niêm mạc hư tổn và phát bệnh.

Từ xa xưa, Y Học Cổ Truyền cho rằng bất kì chứng bệnh nào cũng phải có sự kết hợp của 1 bài thuốc dùng ngoài và 1 bài thuốc dùng trong. Nhưng hiện nay, các phương pháp Y Học Cổ Truyền đã dần được cải tiến, các bài thuốc có thể dùng trị liệu độc lập với những trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ hoặc hỗ trợ điều trị các trường hợp bệnh nặng. Đặc biệt hơn, các bài thuốc Đông y còn dùng để dự phòng những tái phát sau các liệu pháp gây hoại tử tổ chức do y học hiện đại.

Vì đặc tính của bệnh là do virus nên sức khỏe của hệ miễn dịch có tác dụng rất lớn trong điều trị và phòng tránh tái phát. Thêm nữa, thuốc Đông y rất tốt bởi vì phương pháp Đông y từ lâu luôn chú trong việc chữa bệnh từ gốc rễ và tăng cường sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện tại việc chữa trị sùi mào gà bằng Đông y thường được áp dụng cho trường hợp bệnh nhẹ. Với bệnh có mức độ nghiêm trọng, Đông y chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng. Ngoài ra ở một số trường hợp, người bệnh có thể áp dụng bài thuốc Đông y sau khi điều trị bằng y học hiện đại nhằm dự phòng tình trạng tái phát.

Sùi mào gà là bệnh lý không thể điều trị triệt để. Vì vậy ngay cả khi bạn áp dụng các biện pháp từ Tây y, bệnh vẫn có thể tái phát sau một thời gian nhất định. Để hạn chế việc hình thành nốt sùi mới, bạn nên kết hợp giữa bài thuốc Đông y và các biện pháp từ y học hiện đại.

3. 10 bài thuốc đông y trị sùi mào gà

3.1. Bài thuốc dùng đường uống

Bài 1 :

  • Nguyên liệu : Thương truật 5 gam, chi tử 10 gam, liên kiều 10 gam, sơn đậu căn 10 gam, cam thảo 10 gam, thổ phục linh 30 gam, sơn từ cô 5 gam, hoàng bá 10 gam, hoàng cầm 10 gam, xạ can 10 gam, bản lam căn 10 gam, kim ngân hoa 10 gam và dã cúc hoa 30 gam.
  • Thực hiện : Đem tất cả dược liệu đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang

Bài 2 :

  • Nguyên liệu: tỳ giải 15 gam, thương truật 15 gam, hoàng bá 15 gam, đại thanh diệp 20 gam, ý dĩ 20 gam, thổ phục linh 30 gam, đan bì 12 gam, tử thảo 15 gam, thông thảo 10 gam, mã xỉ hiện (rau sam) 15 gam
  • Thực hiện : Đem tất cả dược liệu đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang
  • Nếu những nốt sùi mào gà có biểu hiện sưng nóng, đỏ đau, kèm theo đại tiện táo bón thì thêm vào thang thuốc trên đại hoàng 9 gam, sinh thạch cao 15 gam, kim ngân hoa 15 gam, tri mẫu 9 gam. Nếu bệnh bị tái phát, thêm vào thang thuốc trên hoàng kỳ 20 gam và bạch truật 15 gam.

Bài 3:

  • Nguyên liệu: dã hoa cúc 30 gam, thổ phục linh 30 gam, kim ngân hoa 10 gam, cam thảo 10 gam, bản lam căn 10 gam, sơn đậu căn 10 gam, liên kiều, 10 gam hoàng cầm 10 gam, chỉ tử 10 gam, hoàng bá 10 gam, thương truật 10 gam, sơn từ cô 5 gam.
  • Thực hiện : Đem tất cả dược liệu đi sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang

3.2. Bài thuốc bôi ngoài da

Tất cả các bài thuốc bôi ngoài da dùng điều trị trong bệnh sùi mào gà đều có tác dụng giảm ngứa, làm dịu da, giảm sưng nóng tại vị trí nốt sùi.

Bài 1:

  • Nguyên liệu: Dã cúc hoa 30 gam, khô phàn 20 gam, địa phu tử 20 gam, bản lam căn 30 gam, mộc tặc 20 gam, nga truật 15 gam.
  • Thực hiện: Đem dược liệu sắc cùng với nước, sau đó để nguội bớt đến khi nước ấm và tiến hành ngâm rửa tại chỗ.

Bài 2:

  • Nguyên liệu: Đại thanh hiệp 30 gam, mã xỉ hiện (rau sam) 60 gam và minh phàn 21 gam.
  • Thực hiện: Sắc với lượng nước vừa đủ rồi cho cô lại, dùng ngâm và rửa tại chỗ. Mỗi lần ngâm kéo dài từ 10 đến 15 phút, mỗi ngày 2 lần để đạt kết quả tốt.

Lưu ý: Khi sử dụng bài thuốc này, cần phối hợp với phèn phi 9 gam và lục nhất tán 30 gam tán thành bột mịn và rắc vào vùng tổn thương sau khi ngâm rửa.

Bài 3:

  • Nguyên liệu: Ý dĩ, Hoàng bá, hoàng kỳ, khổ sâm chuẩn bị các dược liệu với bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem tất cả dược liệu đi sấy khô, rồi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng khoảng 1 gam rắc lên các nốt u sùi và băng lại. Thực hiện trong 2 liệu trình (mỗi liệu trình gồm 10 lần rắc thuốc) sẽ nhận thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện.

Bài 4:

  • Nguyên liệu: Linh từ thạch 20 gam, mộc tặc thảo 30 gam, khổ sâm 30 gam, hồng hoa 10 gam, mã xỉ hiện 60 gam, bạch liễm 20 gam, sinh mẫu lệ 30 gam, bạch hoa xà thiệt thảo 30 gam.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi sắc lấy nước ngâm rửa tại chỗ, mỗi lần ngâm kéo dài khoảng 20 phút. Thực hiện mỗi ngày 1 lần trong liên tục 20 ngày.

Bài 5:

  • Nguyên liệu: Xà sàng tử 50 gam, mộc tặc thảo 50 gam, thổ phục linh 50 gam, khổ sâm 50 gam, bách bộ 50 gam, bản lam căn 50 gam, minh phàn 30 gam, xuyên tiêu 30 gam và đào nhân 30 gam.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi sắc lấy nước ngâm rửa tại chỗ khoảng 30 phút, thực hiện mỗi ngày 2 lần.

Bài 6:

  • Nguyên liệu: Mộc tặc 20 gam, khổ sâm 50 gam, nga truật 30 gam, đào nhân 15 gam, đậu căn 20 gam, tam lăng 30 gam và đan bì 12 gam.
  • Thực hiện: Đem dược liệu đi nấu lấy nước ngâm rửa trong khoảng 8 đến 10 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần. Ngâm liên tục trong 14 ngày là đủ 1 liệu trình.

Bài 7:

  • Nguyên liệu: Mật quạ 10 gam, bạch tiên bì 20 gam, mã xỉ hiện 30 gam và tế tân 15 gam.
  • Thực hiện: Nấu dược liệu với lượng nước vừa đủ, sau đó sử dụng nước đó ngâm rửa tại chỗ trong 30 phút. Ngâm rửa đều đặn mỗi ngày 2 lần.

Bài 8:

  • Nguyên liệu: Bản lam căn 30 gam, khổ sâm 30 gam, mộc tặc thảo 15 gam, đào nhân 10 gam, cam thảo sống 10 gam, mã xỉ hiện 45 gam, sơn đậu căn 30 gam, hoàng bá 20 gam, bạch chỉ 10 gam, lộ phong phòng 10 gam và tế tân 10 gam.
  • Thực hiện: Đem sắc đặc, sau đó dùng gạc vô trùng thấm nước và đắp lên vùng tổn thương khoảng 15 phút. Ngày thực hiện 1 lần.

4. Lưu ý khi sử dụng Đông y chữa bệnh sùi mào gà

Việc điều trị sùi mào gà bằng đông y phù hợp với nhiều người có cơ địa tương thích. Tuy nhiên, điều trị bằng phương pháp cổ truyền cũng tiềm ẩn những điều bất cập.

Ưu điểm khi điều trị Đông y là các vị thuốc hoàn toàn tự nhiên, khả năng dị ứng hay phản ứng thuốc là rất thấp. Tuy nhiên, bạn không thể kiểm soát được tình trạng mình thế nào nếu không áp dụng các công cụ của Tây y. Vì thế kết hợp cả hai phương pháp điều trị sẽ đem lại hiệu quả tương xứng cho bạn. Và với bất kì hình thức điều trị nào, hãy chú ý đến thói quen sinh hoạt tình dục để tránh trường hợp đáng tiếc này xảy ra.

Nếu nhận thấy bụng dưới đau, tiêu chảy, nôn mửa,... sau khi dùng thuốc, nên ngưng áp dụng và liên hệ với bác sĩ nếu triệu chứng tiến triển xấu.

Phải áp dụng các bài thuốc đều đặn mỗi ngày và theo liệu trình cụ thể để bệnh chuyển biến theo hướng tích cực.

Khi áp dụng bài thuốc Đông y, bạn cần hạn chế quan hệ tình dục – ngay cả quan hệ bằng miệng.

Một số bài thuốc chưa được chứng minh về độ an toàn và mức độ cải thiện, vì vậy bạn nên hỏi ý kiến người có chuyên môn trước khi thực hiện.

Thận trọng trong việc lựa chọn dược liệu do hiện nay đã xuất hiện một số cơ sở kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc và kém chất lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan