Công dụng của cây muồng trâu

Cây muồng trâu hay còn gọi là muồng muồng, thường mọc hoang ở nhiều tỉnh của nước ta. Tuy nhiên, đây là một cây dược liệu được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy cây muồng muồng chữa bệnh gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1. Công dụng của cây muồng trâu

Cây muồng trâu hay gặp ở nhiều nơi trên nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Muồng trâu là loại cây thân gỗ mềm, có thể cao từ 1,5 - 3m.

Theo Y Học Cổ Truyền, cây muồng trâu có vị đắng, tính mát, mùi hắc nhẹ, lá vị cay ấm. Phần thân, quả, lá, cành của cây muồng trâu đều được sử dụng để bào chế thành thuốc.

Theo nghiên cứu hiện đại, trong hạt muồng trâu có chứa tới 15% protein, Mg, Mn, Ca, Na. Phần lá và quả muồng trâu có các dẫn xuất anthraquinon và phần rễ cây chứa sitosterol (là dẫn xuất của steroid thường xuất hiện trong các sản phẩm điều trị bệnh ngoài da).

Quả muồng trâu được thu hái vào tháng 10 – 12 hằng năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Thân, cành và lá cây muồng trâu thường được thu hái khi chưa ra hoa, có thể dùng tươi hoặc phơi nắng cho khô.

Theo Y Học Cổ Truyền, công dụng của cây muồng là sát trùng, nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt và giảm ngứa. Khi sao vàng, cây muồng trâu có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc, nhuận gan và tiêu thực. Cây muồng trâu được sử dụng trong điều trị chàm, hắc lào, vàng da, viêm da thần kinh, dị ứng, viêm gan, táo bón, đờm nhiều, phù thũng.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, cây muồng trâu có công dụng:

  • Cao lá muồng đang được nghiên cứu để làm thuốc điều trị viêm gan cấp và mãn tính do nó có khả năng điều hòa chỉ số bilirubin, ALT và bảo vệ tế bào gan.
  • Lá muồng trâu có tác dụng kháng khuẩn và nấm.
  • Thực nghiệm trên chuột cống trắng bị xơ gan cho thấy cao lá muồng trâu có thể ức chế quá trình xơ.
  • Hợp chất anthraquinone trong cây muồng trâu có tác dụng trong điều trị các bệnh da liễu như vẩy nến, hắc lào, lang ben, dị ứng, mẩn ngứa,...
  • Tác dụng nhuận tràng của cây muồng trâu được xác định là do hoạt động của hợp chất Sennoasides. Ở đại tràng, vi khuẩn đường ruột sẽ thủy phân hợp chất này thành Anthornes tác động đến nhu động ruột nhằm hạn chế táo bón và khó tiêu.
cây muồng muồng chữa bệnh gì
Cây muồng muồng chữa bệnh gì là thắc mắc của một số người bệnh

2. Một số bài thuốc từ cây muồng trâu

2.1. Lá muồng trâu điều trị vảy nến

Để điều trị bệnh vảy nến, bạn cần lấy 100g lá muồng trâu tươi, đem rửa sạch và để ráo nước. Sau đó xay nhuyễn hoặc giã nhỏ lá muồng trâu với 1 thìa muối.

Sử dụng bông để thấm phần nước chấm lên vùng da bị vảy nến. Bạn cũng có thể dùng gạc đắp phần lá muồng trâu đã giã trên da trong vòng 30 phút, làm 2 lần/ngày. Lưu ý bạn cần vệ sinh vùng da sạch và lau khô trước khi bôi hoặc đắp thuốc.

2.2. Công dụng của cây muồng trong điều trị dị ứng da

Cách thứ nhất: Lấy lá muồng trâu tươi đem xay nhuyễn với nước ấm, sau đó đun cho hỗn hợp cô sệt lại. Dùng hỗn hợp thu được bôi lên vùng da bị mẩn ngứa ngày 2 – 4 lần.

Cách thứ hai: Sử dụng 200g lá muồng trâu rửa sạch, đun với 2 lít nước, rồi pha thêm với nước ấm để tắm hằng ngày nếu vùng da dị ứng rộng.

2.3. Cây muồng trâu chữa viêm họng

Một trong những công dụng của cây muồng đó là chữa viêm họng. Sử dụng 100g lá muồng trâu tươi rửa sạch bằng nước muối, để ráo nước, đem xay nhuyễn lá với 250ml nước lọc. Sau đó lọc bỏ bã, lấy phần nước cốt để súc miệng hằng ngày có tác dụng giảm đau, ngứa rát ở cổ họng.

2.4. Cây muồng trâu chữa bệnh hắc lào

Dùng lá muồng trâu tươi sạch, đem giã nát cùng với muối hoặc nước chanh để tăng tính sát khuẩn. Sau đó đắp lá lên trên vùng da bị hắc lào trong 20 – 30 phút.

công dụng của cây muồng
Công dụng của cây muồng được ứng dụng trong một số bài thuốc Y học cổ truyền

2.5. Cây muồng trâu chữa bệnh thấp khớp

Có thể sử dụng muồng trâu cùng với các dược liệu như dứa dại, quế chi, vòi voi, rễ cỏ xước. Sắc các vị thuốc này cùng với 1 lít nước trên lửa nhỏ cho đến khi còn khoảng 500ml thì lấy ra uống trong ngày.

2.6. Cây muồng trâu điều trị đau thần kinh tọa

Sử dụng muồng trâu cùng với thần thông, cây lức, kiến cò, đỗ trọng, rễ nhàu, sắc với 400ml nước cho tới khi cạn còn đủ 1 bát nước, chắt ra uống 1 lần trong ngày.

2.7. Cây muồng trâu điều trị táo bón

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng khó tiêu, táo bón, có thể đun 20g lá muồng trâu với 1 lít nước, đun trong vòng 20 phút và uống trước khi đi ngủ.

Cây muồng trâu có nhiều tác dụng trong điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, cây muồng trâu cần thận trọng sử dụng cho phụ nữ có thai, người có tỳ hư hàn và đặc biệt là không nên dùng dược liệu này trong một thời gian dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

104.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan