Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Nước ối là gì?
Nước ối là cụm từ không còn xa lạ với các bà mẹ. Vậy nước ối là gì? Nguồn gốc tạo ra nước ối là gì?
Nước ối là chất dịch lỏng rất giàu dinh dưỡng bao bọc xung quanh thai nhi khi thai nằm trong tử cung của người mẹ giữ vai trò quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai , có khả năng tái tạo và trao đổi chất. Có ba nguồn gốc tạo ra nước ối đó là: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
- Nguồn gốc từ thai nhi: Từ giai đoạn sớm thai kỳ, da thai nhi đã có khả năng tiết ra nước ối cho đến tuần thứ 20 - 28 của thai kỳ. Khi các chất gây xuất hiện thì đường tạo nước ối này mới chấm dứt. Từ tuần thứ 20 của thai kỳ, huyết tương của thai nhi có thể thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp tạo ra nước ối. Từ tuần 16 của thai kỳ, hệ tiết niệu của thai nhi bắt đầu hoạt động bài tiết nước tiểu vào buồng ối tạo ra nước ối. Đây là nguồn gốc chính tạo ra nước ối từ thai nhi.
- Nguồn gốc từ màng ối
- Nguồn gốc từ máu mẹ: máu mẹ và nước ối có sự trao đổi chất thông qua màng ối.
- Sự tái hấp thu nước ối: Từ tuần thứ 20 thai kỳ, nước ối còn được tạo ra qua việc thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, màng ối và dây rốn.
Nước ối có màu gì và nước ối có mùi gì? Vào giai đoạn đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong, không có mùi. Khi thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nước ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Đến tuần thứ 38 khi thai đủ trưởng thành, nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo.
Công dụng
Nước ối là môi trường giàu chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với thai nhi. Vậy nước ối có tác dụng gì?
- Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng nuôi dưỡng phôi thai trong suốt thai kỳ. Sau khi bánh rau được thành lập, nước ối giữ phần biến dưỡng nước và các chất khác bảo đảm cho sự phát triển của thai.
- Nước ối góp phần tạo phân su, vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé. Từ tuần 34 của thai kỳ trở lên thai nhi cần hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày.
- Ngoài ra, Nước ối bao quanh thai nhi trong tử cung mẹ có tác dụng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn. đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.
- Về mặt cơ học, nước ối còn là môi trường cho thai phát triển toàn diện và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong giai đoạn cuối thai kỳ. Trong giai đoạn chuyển dạ sinh, nước ối giúp thành lập đầu ối để nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xoá mở cổ tử cung được thuận lợi hơn và bảo vệ thai khỏi những sang chấn của cơn co tử cung.
- Đặc biệt, nước ối giúp tạo cho thai nhi môi trường vô khuẩn trong suốt thai kỳ cũng như tránh nhiễm khuẩn khi chuyển dạ sinh.
- Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối giúp bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn.
- Đối với mẹ, nước ối giúp mẹ tránh khỏi những cơn đau do thai nhi đạp trong quá trình phát triển.
Nhu cầu
Nước ối là một dịch luân lưu, có thể tích thay đổi từ 50ml khi thai nhi được 4-8 tuần tuổi đến khi thai được 38 tuần tuổi thể tích nước ối là 1000ml. Sau đó, thể tích nước ối giảm dần đến tuần thứ 40 của thai kỳ hay lúc chuyển dạ sinh thể tích nước ối còn khoảng 600-800ml.
Hàm lượng
Có nhiều phương pháp định lượng nước ối, tuy nhiên phương pháp phổ biến nhất hiện nay là siêu âm bán định lượng nước ối: Có nhiều phương pháp bán định lượng để đánh giá thể tích nước ối qua siêu âm. Thông thường nhất là người ta đo chỉ số nước ối bằng cách cộng 4 khoang nước ối ở 4 góc của buồng ối.
-
Chỉ số ối bình thường từ: 6-12cm:
-
Bất thường: Đa ối khi chỉ số ối: >= 20 cm
-
Thiểu ối : chỉ số ối : <= 5cm
-
Vô ối: chỉ số ối:< 3cm
Ngoài ra, người ta có thể dùng phương pháp tìm đo khoang ối lớn nhất trong buồng ối qua siêu âm để đánh giá thể tích nước ối: Nếu khoang ối lớn nhất <= 3cm có thể được xem là thiếu ối.
Tuy nhiên, việc siêu âm để đo chỉ số nước ối phải được đánh giá ít nhất 2 lần liên tục và cách nhau từ 2-6 giờ để xác định tình trạng thiểu ối hay thừa nước ối. Và thể tích nước ối có thể thay đổi rất nhanh sau 12 giờ cũng như màu sắc nước ối có thể thay đổi tích tắc trong vòng 30 phút đến 2 giờ.
Những vấn đề cần lưu ý
Việc xác định nước ối có màu gì và nước ối có mùi gì sẽ giúp dự đoán được tình trạng của thai nhi.
-
Nước ối có màu vàng xanh: có thể do thai nhi chậm phát triển trong tử cung hoặc thai nhi có hiện tượng tán huyết.
-
Nước ối bẩn hay có màu xanh rêu sệt hoặc lẫn phân xu của bé: do thai nhi bị suy yếu trầm trọng trong bụng mẹ, đe dọa tính mạng.
-
Nước ối xanh đục như lẫn mủ, mùi hôi: đây là tình trạng nhiễm trùng nước ối,lúc này thai nhi đang có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…
- Nước ối có màu đỏ nâu: do thai nhi không còn sống trong bụng mẹ hay thai nhi đã bị chết lưu.
Trong thai kỳ, cùng với bánh rau,dây rốn, tử cung, nước ối đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Dựa vào việc khám, đánh giá thể tích, tỷ trọng và màu sắc của nước ối người ta có thể dự đoán được tình trạng sức khoẻ của thai nhi. Vì vậy, khi mang thai, người mẹ cần khám và theo dõi định kỳ để đảm bảo chất lượng nước ối. Đồng thời cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng xử trí thích hợp nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Thông thường, nước ối có màu trắng trong. Khi thai càng về những tuần cuối của thai kỳ do chất gây bám trên da của thai nhi bong ra làm cho nước ối có màu trắng đục. Nước nước ối có dấu hiệu thay đổi màu sắc chuyển sang xanh hay vàng đều là bất thường cần có hướng xử trí thích hợp.
Xem thêm: