Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Suy tim là bệnh lý cuối cùng của các bệnh tim mạch. Trong đó suy tim cấp là một thể phổ biến của suy tim. Có nhiều yếu tố thúc đẩy cơn suy tim cấp nặng lên nhanh chóng, bệnh nhân phải được điều trị cấp cứu và tỷ lệ tử vong còn rất cao mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị.
1. Suy tim cấp
Suy tim là con đường chung cuối cùng của các bệnh lý tim mạch. Suy tim được chia làm hai thể bao gồm: suy tim cấp và suy tim mạn tính. Suy tim cấp có thể là suy tim mới xuất hiện cũng có thể là đợt tiến triển nặng lên của suy tim mạn tính (gọi là đợt cấp mất bù của suy tim). Thể suy tim cấp ở bệnh nhân có suy tim mạn tính thường gặp hơn trên lâm sàng. Bệnh nhân đến bệnh viện trong bệnh cảnh suy tim cấp cần phải được điều trị cấp cứu, nếu chậm trễ có thể rơi vào shock tim, và tỉ lệ tử vong rất cao.
Suy tim cấp có thể là phù phổi cấp hoặc shock tim. Suy tim cấp nhập viện mới khởi phát chiếm 20%, còn lại 80% là suy tim cấp mất bù trên nền suy tim mạn.
Suy tim cấp mới xuất hiện thường khởi phát nhanh, cơ tim không có đủ thời gian để thích nghi với tình trạng suy tim. Bệnh nhân thường có dấu hiệu khó thở, thậm chí không đáp ứng với thở oxy mà phải hỗ trợ thông khí nhân tạo.
Nguyên nhân dẫn tới suy tim cấp tính thường do:
- Hở van hai lá cấp, hở van động mạch chủ cấp do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Nhồi máu cơ tim cấp: Biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim cấp: thủng vách liên thất, đứt dây chằng van hai lá, vỡ thành tự do của tim
- Hội chứng chèn ép tim cấp
- Tắc động mạch phổi cấp
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh suy tim cấp
- Người bị bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Bệnh nhân bất động trong thời gian dài, sau phẫu thuật có nguy cơ tắc mạch phổi cấp
- Có các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, có thể xuất hiện nhồi máu cơ tim cấp
- Nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới
- Người cao tuổi
- Hút thuốc là nhiều
- Đái tháo đường
- Béo phì
- Rối loạn lipid máu: tăng huyết áp không kiểm soát, rối loạn nhịp tim không điều trị
3. Yếu tố thúc đẩy cơn suy tim cấp nặng lên nhanh chóng
3.1 Những biến chứng làm nặng lên cơ suy tim cấp nhanh chóng
- Rối loạn nhịp tim: nhịp tim tăng nhanh hoặc nhịp chậm nặng, hoặc rối loạn dẫn truyền
- Hội chứng mạch vành cấp
- Biến chứng cơ học của hội chứng mạch vành cấp bào gồm: vỡ vách liên thất, đứt dây chằng van hai lá...
- Thuyên tắc phổi cấp
- Cơn tăng huyết áp cấp cứu
- Ép tim
- Bóc tách động mạch chủ
- Phẫu thuật và những vấn đề chu phẫu
- Bệnh cơ tim chu sinh
3.2 Những biến cố thường làm suy tim nặng lên từ từ
- Nhiễm trùng (bao gồm viêm nội tâm mạc nhiễm trùng)
- Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc hen phế quản
- Thiếu máu
- Suy giảm chức năng thận
- Không tuân thủ chế độ ăn kiêng hoặc thuốc điều trị
- Nguyên nhân do bác sĩ gây ra, ví dụ như kê đơn thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticoid, tương tác thuốc
- Rối loạn nhịp, nhịp chậm, rối loạn dẫn truyền nhưng không gây giảm nhịp tim đột ngột, nặng nề
- Tăng huyết áp không kiểm soát được
- Nghiện rượu và các chất gây nghiện
4. Phòng ngừa
Để phòng ngừa và làm giảm tình trạng các cơn suy tim nặng lên người bệnh cần:
- Bỏ thuốc lá, các chất kích thích như rượu, bia,...
- Có chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, nhiều chất xơ, ăn ít mỡ động vật, thay thế bằng dầu thực vật
- Giảm cân nếu thừa cân
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng tùy theo mức độ bệnh
- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân phải bất động, nằm lâu
- Kiểm soát đường huyết, huyết áp
- Uống thuốc đều đặn, không tự ý bỏ hoặc dừng thuốc
- Không tự ý tiêm truyền vào cơ thể ở những cơ sở không đảm bảo
- Thực hiện đúng chế độ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám định kỳ...
Suy tim cấp là bệnh nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy người bệnh cần phải tuyệt đối áp dụng các phương pháp điều trị và từ bỏ những thói quen không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe để làm giảm các yếu tố thúc đẩy cơn suy tim cấp nặng lên. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ và hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim