Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, Siêu âm tim, chụp và can thiệp động mạch vành.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch sâu gây cản trở dòng di chuyển của máu trở về tim. Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh cần nắm rõ các yếu tố này để bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng tránh.

1. Lười vận động

Lười vận động sẽ gây ứ đọng máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Thường xuyên vận động, đi lại, tập thể dục các cơ tại chân sẽ giúp tăng lưu thông máu ở tĩnh mạch.

Ngoài ra, việc đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu khi đi tàu xe, máy bay, ngồi làm việc tại văn phòng... cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu. Nên đứng dậy và đi lại khoảng 30 - 40 phút/lần.

2. Chiều cao và cân nặng

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu do giảm tuần hoàn máu. Vì thế, cần phải kiểm soát cân nặng, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức ổn định (khoảng 18.5 - 24.9).

Bên cạnh béo phì thì chiều cao cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Nam giới cao trên 1m8 và phụ nữ cao trên 1m7 có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu cao hơn những người khác. Nguyên nhân là do càng cao, máu càng phải đi xa hơn để đến được các cơ quan trong cơ thể, việc chống lại trọng lực và sự suy giảm lưu thông máu có thể làm gia tăng nguy cơ đông máu.

Chiều cao là yếu tố mặc định, bạn không thể kiểm soát. Nhưng bạn lại có thể làm chủ cân nặng, vì thế cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và ăn kiêng hợp lý nếu tăng cân quá nhanh.


Béo phì có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu do giảm tuần hoàn máu
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu do giảm tuần hoàn máu

3. Mang thai

Phụ nữ có thai có nồng độ estrogen cao hơn bình thường. Điều này có thể làm tăng các yếu tố đông máu, dẫn đến hình thành cục máu đông.

Hơn nữa, thai nhi trong bụng mẹ cũng khiến xương chậu và các tĩnh mạch ở chân phải chịu áp lực lớn, rất dễ hình thành cục máu đông. Thậm chí nguy cơ này còn kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh. Để phòng tránh khả năng huyết khối tĩnh mạch sâu, phụ nữ có thai cần thường xuyên vận động, đi lại nhẹ nhàng, tập yoga...

4. Tuổi tác

Mặc dù bất cứ ai cũng có khả năng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu nhưng tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Ước tính cứ khoảng 1000 người thì sẽ có 1 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi. Trong đó, số bệnh nhân trong độ tuổi 20 là 1/10.000, số bệnh nhân ở tuổi 70 là 5/10.000.

Do đó, người lớn tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ, có chế độ ăn uống hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục, tập dưỡng sinh và có một lối sống lành mạnh.

5. Nhịp tim bất thường

Loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cần hết sức chú ý các triệu chứng của bệnh vì các triệu chứng này thường không đặc trưng, rất khó để phát hiện sớm.

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng trên của tim. Sự bất thường ở nhịp tim khiến quá trình bơm máu vào tâm thất bị cản trở. Quá trình lưu thông của máu không được thông suốt có thể hình thành huyết khối. Huyết khối ở tim rất nguy hiểm vì nó có thể trôi tự do theo máu để đi lên não, gây đột quỵ dẫn đến tử vong.

6. Sử dụng thuốc tránh thai


Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nồng độ của các yếu tố đông máu
Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nồng độ của các yếu tố đông máu

Estrogen và progestin trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nồng độ của các yếu tố đông máu. Phương pháp tránh thai bằng hormone cũng gây ra ảnh hưởng tương tự. Do đó, nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu khác thì nên trao đổi kỹ với bác sĩ để lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp, an toàn nhất cho bản thân.

7. Ung thư

Một số bệnh ung thư có thể làm tăng số lượng các chất gây đông máu, đặc biệt là các bệnh ung thư não, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư phổi và thận.

Liệu pháp hóa trị trong điều trị ung thư cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Dù chưa giải thích được nguyên nhân rõ ràng nhưng nhiều nghi ngờ cho rằng có thể là do các mạch máu bị tổn thương trong quá trình hóa trị khiến giảm sản xuất protein ngăn cản quá trình hình thành cục máu đông. Mạch máu tổn thương làm tăng giải phóng chất tiền đông máu, khiến máu vón lại, hình thành huyết khối.

8. Hút thuốc

Thuốc lá chứa rất nhiều hóa chất độc hại cho cơ thể. Trong đó có các chất có thể làm tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.


Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu
Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu

9. Phẫu thuật

Bệnh nhân trải qua các cuộc phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật vùng chi dưới cũng có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch sâu do cơ thể phải nằm bất động trong thời gian dài. Ngoài ra, chấn thương liên quan đến chi dưới cũng gây ra nguy cơ tương tự.

10. Yếu tố tiền sử gia đình

Một số người có rối loạn di truyền có thể dễ hình thành cục máu đông.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe