Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thu Hằng đã có trên 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực da liễu.
Viêm da cơ địa có di truyền không, viêm da cơ địa có lây không là quan tâm và thắc mắc của nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu về yếu tố di truyền của viêm da cơ địa qua bài viết sau.
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính, thường hay tái phát. Bệnh có biểu hiện điển hình là các nốt sẩn hồng, có mụn nước, bong tróc vảy, khi gãi thì tiết dịch kèm ngứa. Bệnh thường gặp ở các vùng nếp gấp, mặt, cổ tay.
1. Viêm da cơ địa có di truyền không?
Bệnh viêm da cơ địa phần lớn là do di truyền. Tỉ lệ di truyền bệnh có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể:
- Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa viêm thì tỉ lệ sinh con mắc bệnh do di truyền là khá cao, có thể lên đến 80%;
- Nếu chỉ có bố hoặc mẹ bị viêm da cơ địa thì tỉ lệ này chỉ trong khoảng 50 – 60%;
- Nếu trong gia đình có người có tiền sử bị viêm da cơ địa nhưng bố và mẹ không mắc phải thì tỉ lệ này dao động trong khoảng dưới 50%;
- Đặc biệt, những người sinh đôi cùng trứng (77%) sẽ có tần suất bị bệnh cao hơn so với sinh đôi khác trứng (15%).
Viêm da cơ địa còn xuất hiện ở những bệnh nhân bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Có đến 35% trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời.
Đối với những người có cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì tỷ lệ sinh con mắc bệnh cao hơn, tỷ lệ này cũng cao hơn khi so với người có cha mẹ bị bệnh hen phế quản hay viêm mũi dị ứng. Do đó, có thể thấy viêm da cơ địa là bệnh do gen chuyên biệt. Đây là một bệnh lý di truyền phức tạp, tương tác giữa gen - gen và gen - môi trường đều có vai trò sinh bệnh học của bệnh.
Viêm da cơ địa có di truyền không là do 2 nhóm gen lớn:
- Gen mã hóa cho các protein lớp thượng bì;
- Gen mã hóa cho những protein có chức năng miễn dịch.
Trong đó, đột biến gen mã hóa filaggrin - một protein có vai trò liên kết các sợi keratin trong quá trình biệt hóa thượng bì, là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, đột biến filaggrin là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ di truyền viêm da cơ địa mạnh nhất, có liên quan với dạng viêm da cơ địa khởi phát sớm, IgE, khi mắc phải thì bệnh thường nặng, kéo dài đến tuổi trưởng thành và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như dị ứng, hen phế quản và eczema herpeticum.
2. Viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa là tổn thương trên bề mặt da, gây ngứa ngáy, khó chịu, làm đỏ, sưng và nứt da. Bệnh thường xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa, người bệnh càng gãi thì càng làm bệnh trở nặng, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng các vết thương. Vậy viêm da cơ địa có lây không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, mặc dù bệnh gây ngứa và có tiết dịch, tuy nhiên viêm da cơ địa không có tính lây lan. Và như đã đề cập ở trên, viêm da cơ địa là bệnh có tính di truyền huyết thống. Nếu bản thân có tiền sử gia đình bị bệnh thì khả năng bị bệnh sẽ cao hơn.
3. Khám viêm da cơ địa ở đâu?
Bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ của viêm da cơ địa có thể đến thăm khám tại Chuyên khoa da liễu lâm sàng thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Đây là một trong những cơ sở y tế chuyên về da liễu uy tín hàng đầu về chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế.
Chuyên khoa sẽ đảm nhận chẩn đoán, điều trị, dự phòng và phục hồi chức năng những bệnh lý thuộc chuyên ngành Phong và Da liễu (da và các phần phụ của da gồm lông, tóc, móng và tuyến mồ hôi),.... Ngoài ra, Chuyên khoa cũng đảm nhận các bệnh lây truyền qua đường tình dục.