Ý nghĩa xét nghiệm Thyroglobulin

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.

Thyroglobulin (Tg) là loại glycoprotein chứa iod được tổng hợp bởi các tế bào nang giáp, phóng thích vào trong lòng của nang giáp và đóng vai trò quyết định trong sự tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp. Trong quá trình tổng hợp Tg bởi tế bào tuyến giáp và vận chuyển Tg đến nang tuyến giáp, một lượng nhỏ protein có thể vào máu tuy nhiên trong một số trường hợp rối loạn, thyroglobulin được tổng hợp nhiều quá mức cần thiết và giải phóng ra ngoài tuyến giáp với nồng độ cao. Do được tổng hợp chủ yếu bởi các tế bào nang giáp nên xét nghiệm định lượng Thyroglobulin hiện được ứng dụng phổ biến để theo dõi hiệu quả và phát hiện tái phát ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

1. Thyroglobulin và xét nghiệm Thyroglobulin

Thyroglobulin được tổng hợp bởi tế bào nang tuyến giáp, đóng vai trò quyết định trong sự tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp ngoại biên T3 và T4. Trong điều kiện bình thường, một lượng nhỏ Thyroglobulin từ tuyến giáp tuần hoàn vào máu. Chất kích thích quan trọng nhất để tổng hợp và giải phóng thyroglobulin là hormone kích thích tuyến giáp TSH (thyroid stimulating hormone) của thùy trước tuyến yên. Sự tổng hợp T3 và T4 từ Tg được điều hòa bởi TSH, nồng độ iod nội giáp và sự hiện diện của globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp.

Ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa, Thyroglobulin được sản xuất nhiều hơn, dẫn đến hàm lượng chất này trong máu tăng. Do đó, protein này được coi như một loại dấu ấn ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

Xét nghiệm định lượng Thyroglobulin trong huyết tương dùng để theo dõi hiệu quả điều trị và khả năng tái phát của ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang. Hàm lượng Thyroglobulin tăng rõ rệt trước điều trị và giảm khi điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, đây cũng là một trong những xét nghiệm tuyến giáp được dùng trong chẩn đoán một số bệnh lý liên quan khác. Trong trường hợp suy giáp bẩm sinh, xét nghiệm Thyroglobulin giúp phân biệt giữa các trường hợp tuyến giáp hoàn toàn không có và giảm sản tế bào tuyến giáp hay các tình trạng bệnh lý khác.

2. Ý nghĩa xét nghiệm Thyroglobulin tuyến giáp

Giá trị Thyroglobulin trong huyết tương tham khảo bình thường ở mức: 0,2-50 ng/ml. Giá trị Thyroglobulin tăng hoặc giảm bất thường cho thấy nguy cơ bệnh lý, cụ thể như sau:

2.1. Thyroglobulin tăng bất thường

Thyroglobulin tăng bất thường là dấu hiệu:

Ung thư tuyến giáp biệt hóa chưa điều trị hoặc đã di căn


Ung thư tuyến giáp biệt hóa gây thyroglobulin tăng bất thường
Ung thư tuyến giáp biệt hóa gây thyroglobulin tăng bất thường

Thyroglobulin huyết tương thường tăng cao ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang. Hàm lượng này không có ý nghĩa chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, thể tủy và một số thể hiếm khác.

Xét nghiệm Thyroglobulin sẽ được chỉ định trước và sau điều trị ung thư (phẫu thuật, hóa trị liệu) để đánh giá hiệu quả điều trị. Do tuyến giáp là nguồn tạo Thyroglobulin duy nhất được biết, nồng độ Thyroglobulin trong huyết thanh sẽ giảm đến một nồng độ rất thấp hoặc không phát hiện được

sau khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn tuyến giáp và điều trị iod phóng xạ thành công cắt bỏ mô tuyến giáp dư thừa. Có thể đo được nồng độ Thyroglobulin huyết thanh sau khi cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp là dấu hiệu ung thư tuyến giáp biệt hóa kéo dài hoặc tái phát. Kết quả nồng độ Tg tăng đáng kể được biện luận là dấu hiệu tái phát bệnh. Ở bệnh nhân đã cắt bỏ tuyến giáp một phần, vẫn đo được nồng độ Thyroglobulin tùy thuộc vào lượng mô còn lại sau phẫu thuật

Độ nhạy của xét nghiệm Thyroglobulin này cao khi khối u tương đối nhỏ và hàm lượng Thyroglobulin trước phẫu thuật cao. Nếu xét nghiệm Thyroglobulin trước điều trị cho thấy hàm lượng bình thường thì chỉ số này không giúp đánh giá hiệu quả điều trị.

Ung thư tuyến giáp tái phát

Thyroglobulin tăng dần, chậm hoặc nhanh là dấu hiệu ung thư tái phát sau phẫu thuật hoặc hóa trị liệu. Thống kê cho thấy, sau cắt bỏ khối u ung thư tuyến giáp, khoảng 10% bệnh nhân tái phát trong 10 năm đầu, 5% ở những năm tiếp theo.

Bệnh lý khác

Thyroglobulin huyết tương có thể tăng bất thường không do ung thư mà ở 1 số bệnh lý lành tính như: suy giảm TBG bẩm sinh, viêm tuyến giáp cấp, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp Hashimoto, u hạch lành tính, Basedow, bệnh Graves, bướu cổ đa nhận địa phương, u tuyến giáp lành tính. Ở các bệnh nhân suy gan cũng có thể thấy nồng độ Thyroglobulin tăng.

2.2. Thyroglobulin giảm bất thường

Kết quả xét nghiệm Thyroglobulin giảm bất thường ở trong một số bệnh lý như:


Suy giáp do bướu cổ ở trẻ có thể gây giảm thyroglobulin
Suy giáp do bướu cổ ở trẻ có thể gây giảm thyroglobulin

Mặc dù có ý nghĩa trong chẩn đoán, phát hiện ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, khả năng tái phát và di căn song xét nghiệm Thyroglobulin không được dùng như xét nghiệm sàng lọc cho dân cư. Do tỉ lệ ung thư tuyến giáp trong cộng đồng hiện nay khá thấp, hàm lượng Thyroglobulin bất thường cũng có thể do bệnh lí lành tính khác.

Kết quả xét nghiệm Thyroglobulin không được sử dụng đơn độc để chẩn đoán ung thư tuyến giáp mà cần kết hợp với xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh. Trong ung thư tuyến giáp, cần chẩn đoán xác định bằng sinh thiết kim nhỏ tuyến giáp để kiểm tra tế bào mô dưới kính hiển vi.

3. Chỉ định xét nghiệm Thyroglobulin

Xét nghiệm Thyroglobulin huyết tương hiện được sử dụng trong chỉ định trước phẫu thuật và định kì sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá hiệu quả điều trị, kiểm tra đã loại bỏ hết mô ung thư hay chưa và dấu hiệu tái phát nếu có.

Xét nghiệm Thyroglobulin còn được chỉ định như xét nghiệm tiêu chuẩn theo dõi ung thư tái phát. Khoảng 15-20% bệnh nhân ung thư tuyến giáp cơ thể có khả năng sản xuất tự kháng thể kháng Thyroglobulin, khi kết hợp với Thyroglobulin sẽ làm giá trị thật của Thyroglobulin bị biến đổi. Do đó cần chỉ định xét nghiệm kết hợp kháng thể kháng Thyroglobulin (Anti-Tg) nếu bệnh nhân ung thư có mức độ Tg thấp và Anti-Tg dương tính. Ở những bệnh nhân này, cần kích thích Thyroglobulin bằng rhTSH mới phát hiện được ung thư tái phát.

Thực hiện kích thích tổng hợp Thyroglobulin bằng rhTSH thực hiện như sau:

Ngày 1: lấy máu xét nghiệm Thyroglobulin, Anti-Tg, TSH và FT4. Thực hiện tiêm tĩnh mạch 0,9 mg rhTSH ( mũi tiêm rhTSH lần 1)

Ngày 2: Tiếp tục tiêm tĩnh mạch 0,9 mg rhTSH ( mũi tiêm rhTSH lần 2).

Ngày 3: Lấy máu xét nghiệm lại các chỉ số Thyroglobulin, Anti-Tg, TSH và FT4.

Ngày 4: Lấy máu xét nghiệm lại các chỉ số Thyroglobulin, Anti-Tg, TSH và FT4 (sau 72 giờ kể từ sau khi tiêm mũi rhTSH thứ 2).

Kết quả nghiệm pháp có thể được biện luận như sau:

  • Mức độ Tg 0,1 - 2,0 ng/mL ở 72 giờ sau kích thích bằng rhTSH được xem là một yếu tố nguy cơ đối với sự tái phát của khối u.
  • Mức độ Tg 2,1 – 9,9 ng/mL được xem là một yếu tố nguy cơ tăng đối với sự tái phát của khối u.
  • Mức độ Tg ≥10 ng/mL được xem là một yếu tố nguy cơ có ý nghĩa (>25%) đối với sự tái phát của khối u.

Ngoài ung thư, xét nghiệm Thyroglobulin cũng được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán người có triệu chứng nghi ngờ rối loạn tuyến giáp, phì đại tuyến giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp,...

Bệnh nhân có triệu chứng suy giáp được xét nghiệm Thyroglobulin kết hợp với xét nghiệm kháng thể Anti-Tg, Anti-TPO nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh suy giáp có phải do các tự kháng thể hay không. Bệnh nhân Basedow đang điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng cũng cần xét nghiệm Thyroglobulin để đánh giá hiệu quả điều trị.


Xét nghiệm Thyroglobulin cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín
Xét nghiệm Thyroglobulin cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín

Xét nghiệm Tg cũng còn được chỉ định theo thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị ở bệnh nhân bị bệnh Basedow đang được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng.

Như vậy, xét nghiệm Thyroglobulin có ý nghĩa quan trọng với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, dùng để theo dõi điều trị và phát hiện sớm ung thư tái phát. Tuy nhiên, chỉ số Thyroglobulin trong huyết tương có thể tăng giảm bất thường do bệnh lý khác hoặc có sự xuất hiện của kháng thể Anti-Tg.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe