Vi khuẩn Chlamydia trachomatis là vi khuẩn gây bệnh ở người. Nếu nhiễm phải Chlamydia nhưng không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trên cơ quan sinh sản của cả nam và nữ. Vậy khi nào cần thực hiện xét nghiệm Chlamydia và ý nghĩa xét nghiệm Chlamydia là gì?
1. Xét nghiệm Chlamydia là gì?
Chlamydia là một bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến (đặc biệt ở nước phát triển). Trên thế giới mỗi năm có khoảng 131 triệu người mắc bệnh này. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới, đặc biệt ở lứa tuổi dưới 25 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh Chlamydia qua đường tình dục nhiều hơn giang mai 50 lần và hơn bệnh lậu 3 lần.
Xét nghiệm Chlamydia là xét nghiệm để tìm Chlamydia trong cơ thể người đã từng quan hệ tình dục. Có rất nhiều loại Chlamydia khác nhau gây bệnh trên cơ thể người. Xét nghiệm này sử dụng một mẫu dịch của cơ thể hoặc nước tiểu để tìm vi khuẩn Chlamydia (Chlamydia trachomatis) hiện diện và gây nhiễm trùng hay không.
2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm chlamydia?
- Bệnh nhân có những triệu chứng tiết dịch âm đạo bất thường kèm đau bụng (đối với nữ) hoặc tiết dịch từ dương vật bất thường và đau khi tiểu tiện (đối với nam): triệu chứng nhiễm Chlamydia.
- Nữ giới dưới 25 tuổi đã quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Quan hệ không an toàn với bạn tình mới hoặc với nhiều người
- Quan hệ đồng giới
- Xét nghiệm Chlamydia trong lần khám tiền sản đầu tiên và 1 lần vào 3 tháng cuối thai kỳ cho bà bầu dưới 25 tuổi.
- Ba tháng sau điều trị bệnh lây qua đường tình dục.
- Người mắc nhiều bệnh xã hội đặc biệt là HIV/AIDS
- Trẻ sơ sinh có triệu chứng viêm kết mạc (đỏ, sưng mắt, mắt tiết dịch)
3. Ý nghĩa xét nghiệm Chlamydia
Xét nghiệm Chlamydia là xét nghiệm để tìm Chlamydia trong cơ thể, xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh. Nếu không điều trị, Chlamydia có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bệnh Chlamydia còn có thể làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh lây qua đường tình dục như HIV hoặc bệnh lậu.
- Biến chứng ở nữ giới: viêm vùng chậu (PID) dẫn đến vô sinh (tổn thương ống dẫn trứng), tăng nguy cơ thai ngoài tử cung, Chlamydia gây sinh non hoặc lây nhiễm sang con khi sinh khiến em bé nhiễm trùng mắt, viêm phổi và có thể mù lòa, thậm chí tử vong sau sinh.
- Biến chứng ở nam giới: nhiễm trùng tiết niệu, viêm mào tinh hoàn, viêm trực tràng, ảnh hưởng đời sống tình dục và những hoạt động sinh hoạt bình thường.
Nếu kết quả xét nghiệm Chlamydia dương tính thì người bệnh đã mắc bệnh và phải điều trị bằng kháng sinh.
4. Phân loại xét nghiệm Chlamydia
- Xét nghiệm Chlamydia phổ biến nhất là xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT): khuếch đại của DNA của vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Xét nghiệm này nhạy cảm hơn các xét nghiệm chlamydia và có thể thực hiện với mẫu nước tiểu của nam giới và nữ giới, giúp giảm thiểu việc khám phụ khoa ở nữ.
- Xét nghiệm chlamydia khác là xét nghiệm kháng thể trực tiếp dùng tia huỳnh quang (DFA): phát hiện kháng nguyên Chlamydia.
- Xét nghiệm tìm vật liệu di truyền ADN của vi khuẩn Chlamydia (hay còn gọi là xét nghiệm lai hóa axit nucleic). Xét nghiệm này ít nhạy cảm hơn so với NAAT.
- Xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA, EIA) giúp tìm thấy các chất (kháng nguyên) làm kích hoạt hệ thống miễn dịch
- Chlamydia nuôi cấy tìm vi khuẩn gây bệnh từ một mẫu dịch cơ thể (cổ tử cung, niệu đạo, mắt, trực tràng hoặc cổ họng), xét nghiệm này mất nhiều thời gian hơn (5-7 ngày) so với xét nghiệm khác.
5. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Chlamydia
- Với mẫu nước tiểu bệnh nhân cần thực hiện việc không đi tiểu trong 2 giờ trước khi lấy mẫu, không lau sạch vùng sinh dục trước khi tiểu. Thu lấy dòng nước tiểu đầu tiên, ngay sau khi đi tiểu.
- Với mẫu dịch cơ thể lấy trực tiếp từ các khu vực bị ảnh hưởng như: cổ tử cung, niệu đạo, âm đạo, trực tràng hoặc mắt..
- Với mẫu dịch từ cổ tử cung: Không nên thụt rửa hoặc sử dụng kem bôi âm đạo (ở phụ nữ) hoặc thuốc trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm.
- Với mẫu thu thập từ mắt, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng chải bên trong của mí mắt trên và dưới bằng que bông. Để thu thập mẫu dịch từ mắt, bác sĩ cần nhẹ nhàng chải bên trong mí mắt trên và dưới bằng que bông để lấy mẫu.
Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, không được quan hệ cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính, bệnh nhân không được quan hệ trong vòng 7 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Bạn tình của người bệnh cũng nên điều trị Chlamydia để tránh tái nhiễm trở lại cho người bệnh.