Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.
Tinh dịch bình thường có màu trắng ngà. Nếu tinh dịch chuyển sang màu hồng, màu đỏ thì nghi ngờ tinh dịch có máu. Tình trạng này đôi khi vô hại và tự biến mất mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, xuất tinh ra máu cũng có thể là dấu hiệu báo động cho nhiều bệnh lý tiềm ẩn khác.
1. Xuất tinh ra máu là gì?
Tinh dịch là sản phẩm của hệ sinh dục ở nam giới. Tinh dịch được sản xuất với nguồn gốc từ nhiều cơ quan, bao gồm tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh và tuyến tiền liệt.
Sự hiện diện của máu trong khi xuất tinh được gọi là tinh dịch có máu (“haematospermia”). Đây thường là một triệu chứng không đau, lành tính, đơn độc và tự giới hạn.
Xuất tinh ra máu không phải là hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nam giới ở mọi lứa tuổi sau mốc tuổi dậy thì. Bệnh lành tính và tự khỏi nhưng rất hay tái phát. Tuy nhiên, nhóm tuổi phổ biến nhất bị ảnh hưởng là người nam từ 30 đến 40 tuổi. Theo thống kê dịch tễ học, có đến 9 trên 10 người đàn ông từng gặp phải tinh dịch có máu mà không có bất kỳ triệu chứng hoặc tình trạng tiết niệu, sinh dục bất thường nào trước đó.
2. Các triệu chứng của xuất tinh ra máu
Xuất tinh ra máu thường không gây đau mà người bệnh chỉ nhìn thấy được có máu trong tinh dịch. Máu khiến tinh dịch có màu chuyển từ nâu sậm đến đỏ tươi. Ngoài ra, người bệnh có thể không có triệu chứng nào khác.
Tuy nhiên, trong các trường hợp xuất tinh ra máu thứ phát, người bệnh lại có thể có thêm các triệu chứng khác như đau khi xuất tinh hay có cơn đau âm ỉ ở khu vực từ tinh hoàn đến vùng đáy chậu. Đây được xem là các dấu hiệu của những bệnh lý trên tuyến tiền liệt như viêm tuyến tiền liệt. Lúc này, nếu người bệnh có các yếu tố sau đây cần được thăm dò kỹ lưỡng hơn:
- Tuổi trên 40 tuổi;
- Triệu chứng dai dẳng hay lặp đi lặp lại;
- Phát hiện có bất thường khi thăm khám hệ niệu dục;
- Có bệnh lý đi kèm tại cơ quan khác.
3. Các nguyên nhân gây xuất tinh ra máu
Nguyên nhân gây xuất tinh ra máu chia làm hai nhóm chính:
3.1. Xuất tinh ra máu nguyên phát
Trong trường hợp này, sự hiện diện của máu trong tinh dịch là triệu chứng duy nhất.
Bên cạnh đó, cũng cần loại trừ khả năng có máu trong nước tiểu, ở mức độ đại thể hay vi thể. Đồng thời, bệnh nhân cũng đã được thăm khám và hoàn toàn không có bằng chứng gì về bất kỳ bất thường nào trên cấu trúc hay chức năng hệ tiết niệu nói chung. May mắn là tình trạng này tự giới hạn và không để lại di chứng gì.
Trong thực tế, các bệnh nhân có tình trạng xuất tinh ra máu nguyên phát đã được nghiên cứu rộng rãi và hầu hết các nghiên cứu này cho thấy không có vấn đề liên quan nào khác.
3.2. Xuất tinh ra máu thứ phát
Nguyên nhân gây chảy máu trong tinh dịch đã được biết hoặc nghi ngờ nguồn gốc từ trước, như ngay sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt, bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc ung thư.
Sau đây là liệt kê các nguyên nhân thường gặp:
Viêm và nhiễm khuẩn:
Viêm là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Quá trình viêm gây kích thích niêm mạc dẫn đến hiện tượng sung huyết và phù nề các ống, các tuyến của đường dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, ụ núi và niệu đạo. Từ đó gây xuất tinh ra máu.
Các tác nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn, chấn thương, sỏi túi tinh, hay calci hóa tiền liệt tuyến. Nhiễm khuẩn thường gặp như: Enterobacteria (chủ yếu là Escherichia coli), Chlamydia, Gram dương, trực khuẩn lao và một số loại virus.
Tắc túi tinh và các nang túi tinh:
Các nguyên nhân gây căng và giãn túi tinh lâu ngày làm sẽ làm đứt vỡ các mạch máu dưới niêm mạc.
Ung thư:
Các loại ung thư thường gặp phải kể đến như là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh, ung thư tinh hoàn, u lympho.
Các bệnh lý ảnh hưởng toàn thân:
Các bệnh toàn thân thường gặp là rối loạn đông máu, hemophilia, xơ gan, tăng huyết áp.
Do các thủ thuật xâm lấn tại chỗ:
Sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, đặt dụng cụ niệu đạo, chiếu xạ trong ung thư tuyến tiền liệt, sau thắt ống dẫn tinh, sau cắt tinh hoàn,...
Giãn tĩnh mạch niệu đạo:
Trong trường hợp này tinh dịch thường không có máu mà bệnh nhân thấy tiểu ra máu lượng nhiều sau khi cương dương vật, hoặc chảy máu ra ngoài niệu đạo sau khi cương dương vật mà vẫn chưa xuất tinh.
4. Cách tiếp cận chẩn đoán khi bị xuất tinh ra máu
Bất cứ lúc nào phát hiện ra tinh dịch có máu, nam giới nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra tại chỗ cũng như tổng quát. Bác sĩ sẽ thăm khám cơ quan sinh dục ngoài cũng như cả tuyến tiền liệt để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác, bao gồm:
- Phân tích nước tiểu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng;
- Xét nghiệm máu định lượng PSA để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt;
- Các xét nghiệm vi sinh chẩn đoán những bệnh lý nhiễm trùng lây qua đường tình dục;
- Siêu âm khảo sát vùng bẹn bìu và đường tiết niệu, siêu âm qua trực tràng;
- Ngoài ra, bạn có thể được thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu hơn để tìm nguyên nhân bệnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc nội soi niệu đạo - bàng quang, nội soi túi tinh...
5. Điều trị xuất tinh ra máu như thế nào?
Nhìn chung, xuất tinh ra máu đôi khi không cần điều trị gì vì tình trạng này thường tự khỏi. Điều này thường đúng với các trường hợp xuất tinh ra máu nguyên phát, tức không rõ nguyên nhân.
Ngược lại, những bệnh nhân trên 40 tuổi bị xuất tinh ra máu kéo dài, đặc biệt là có kèm các triệu chứng khác, cần phải được thăm khám chuyên khoa niệu dục. Khi đó, vấn đề điều trị sẽ tùy vào nguyên nhân gây bệnh:
- Viêm nhiễm khuẩn do các vi khuẩn thông thường: Dùng kháng sinh, kháng viêm và thuốc cầm máu đường uống.
- Lao sinh dục - tiết niệu: Điều trị theo phác đồ chữa lao.
- Việc điều trị ngoại khoa phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể với chỉ định phẫu thuật mở hay nội soi qua đường niệu đạo hoặc nội soi qua ổ bụng trong các trường hợp tắc túi tinh, nang túi tinh hay sỏi túi tinh; các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đường dẫn tinh và tinh hoàn, giãn tĩnh mạch niệu đạo...
Tóm lại, xuất tinh ra máu nghe có vẻ đáng sợ nhưng phần lớn đều tự thuyên giảm. Dù vậy, không nên chủ quan. Thay vào đó, nam giới cần chủ động thăm khám tại chuyên khoa bệnh nam học, tích cực theo dõi và tuân thủ điều trị nhằm loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn cũng như giải tỏa những nỗi lo lắng, tự tin hưởng thụ hạnh phúc cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.