Xuất huyết mắt là tình trạng được đặc trưng bởi vết loang trong mắt có màu đỏ rực hoặc đỏ nâu bị xảy ra do vỡ các mạch máu nhỏ ngay dưới củng mạc mắt. Xuất huyết mắt có nguy hiểm không và cần làm gì khi bị xuất huyết mắt?
1. Nguyên nhân và biểu hiện lâm sàng của xuất huyết mắt
Xuất huyết mắt hay xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng vỡ một hay một vài mạch máu nhỏ ngay dưới củng mạc (phần lòng trắng của mắt). Khi mạch bị vỡ, máu chảy ra rồi lan tới giữa lớp củng mạc và kết mạc mắt làm cho mắt bị đỏ một phần hoặc toàn bộ, tạo hình ảnh như một vết dầu loang hoặc có thể đội vòng phần kết mạc lên.
Về mặt giải phẫu, các mạch máu vùng mắt thường có cấu trúc rất thanh mảnh nên dễ bị tác động gây vỡ mạch dẫn đến tình trạng xuất huyết.
Nguyên nhân khiến mắt xuất huyết:
- Do va đập, chấn thương vùng mắt hay vùng đầu mặt.
- Do một số hành động mạnh làm tăng áp lực lên các mạch máu vùng mắt dẫn đến vỡ gây xuất huyết như bơi lặn quá sâu, tăng áp lực hệ thống tĩnh mạch do ho dữ dội, nôn ói, gắng sức khi rặn đẻ hay mang vác đồ nặng...
- Có yếu tố viêm nhiễm vùng mắt gây giãn mạch như viêm kết mạc do Enterovirus 70, nhiễm xoắn khuẩn Leptospira....
- Rối loạn quá trình đông máu, thiếu vitamin C...
- Do dùng thuốc, đặc biệt các thuốc chống đông máu trong điều trị bệnh lý tim mạch.
- Xuất huyết mắt sau phẫu thuật có sử dụng dụng cụ cố định mắt bằng áp lực âm.
Biểu hiện lâm sàng của xuất huyết mắt:
- Thường không có triệu chứng báo trước, đa số bệnh nhân phát hiện khi soi gương. Mắt xuất huyết đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện đám có màu đỏ nâu hoặc đỏ rực trên nền củng mạc mắt màu trắng sứ.
- Có thể có hoặc không có triệu chứng kèm theo: cảm giác vướng cộm, ngứa hoặc đau nhói bên mắt xuất huyết.
- Xuất huyết dưới da xung quanh mắt thường có lượng máu rất nhỏ khoảng 2ml nên không gây ảnh hưởng đến giác mạc và cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Đa số ở những trường hợp bị xuất huyết mắt, trong vòng 24 giờ, vùng xuất huyết sẽ được hấp thu dần dần, thu nhỏ và chuyển từ màu đỏ sang màu xanh, vàng cam đến vàng nhạt rồi biến mất hoạt toàn.
- Thời gian để vết xuất huyết biến mất hoàn toàn thường rơi vào khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn tùy theo mức độ và triệu chứng kèm theo.
Vỡ mạch trong xuất huyết mắt không có tình trạng máu chảy ra bên ngoài như vết thương hở.
2. Xuất huyết mắt có nguy hiểm không?
Hiện tượng xuất huyết mắt xảy ra tương đối phổ biến và có rất nhiều người luôn băn khoăn rằng xuất huyết mắt có nguy hiểm không? Trên thực tế, xuất huyết mắt hay xuất huyết dưới da quanh mắt thường là tình trạng lành tính có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, ở những trường hợp có mắt bị xuất huyết mà nguyên nhân có liên quan đến các bệnh lý thực thể khác hoặc chấn thương thì việc điều trị là thực sự cần thiết.
Hãy báo ngay với bác sĩ nếu bạn bị xuất huyết mắt và có kèm theo các dấu hiệu, triệu chứng sau:
- Đau nhức vùng mắt.
- Mắt xuất huyết có ảnh hưởng đến chức năng nhìn: mắt nhìn mờ, khó nhìn hoặc có dấu hiệu nhìn đôi.
- Xuất huyết mắt trên người có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp hoặc các bệnh lý gây xuất huyết khác.
- Chấn thương vùng mắt và đầu mặt.
- Xuất huyết nhiều điểm, bị 2 bên mắt và kèm theo xuất huyết các vị trí khác như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, nôn ra máu...
- Vết xuất huyết không có xu hướng thuyên giảm theo thời gian, thậm chí có xu hướng lan rộng hơn ban đầu.
3. Làm gì khi bị xuất huyết mắt?
Tùy theo tình trạng xuất huyết mắt và nguyên nhân gây bệnh để có những phương án xử lý khác nhau:
- Khi mới phát hiện mắt xuất huyết, người bệnh không dụi tay vào vùng mắt, vì có thể làm tình trạng xuất huyết bị nặng hơn. Có thể xử lý tạm thời bằng việc chườm đá hay băng ép mắt để ngăn vết xuất huyết không bị lan rộng ra.
- Nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo ngày 6 lần có dễ giúp vùng mắt cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý, nước mắt nhân tạo không có tác dụng làm tan máu.
- Với xuất huyết mắt trên bệnh nhân đang sử dụng điều trị bởi các thuốc chống đông: tạm thời ngừng thuốc, báo cáo với bác sĩ chuyên khoa đang trực tiếp điều trị để điều chỉnh, thay đổi liều lượng cho phù hợp hoặc có thể cân nhắc việc chuyển thuốc điều trị khác nếu cần.
- Báo với bác sĩ chuyên khoa về tình hình xuất huyết để được thăm khám và tư vấn điều trị nếu cần.
Xuất huyết mắt tuy không phải là một tình trạng gây nguy hiểm tức thì đến sức khỏe nhưng gây khó chịu cho người bệnh nên cũng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Xuất huyết mắt có thể bị tái phát nếu có những điều kiện thuận lợi, thậm chí có thể bị lại đúng vị trí đã từng bị xuất huyết. Do đó phải luôn thận trọng để bảo vệ đôi mắt cũng như sức khỏe của chính bản thân mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.